Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Bài tham dự Giải báo chí Nguyễn Đức Cảnh: Người giữ lửa cho làng nghề truyền thống
(Ngày đăng: 14/05/2021)

Hơn 20 năm gắn bó với nghề truyền thống bàng buông, trải qua không ít thăng trầm nhưng chị Lai Thị Hên (ấp Tân Lược 1, xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, Tiền Giang) vẫn quyết tâm theo đuổi nghề nghiệp mà mình đã chọn; bởi theo chị, ngoài đam mê, truyền cảm hứng cho người đan, chị còn mong muốn góp phần bảo tồn một ngành nghề truyền thống thủ công mỹ nghệ của địa phương.
Chị Lai Thị Hên tại phân xưởng sản xuất

 

          TỪ LÀM CÔNG TRỞ THÀNH CHỦ CƠ SỞ


          Chị Hên cho biết, trước đây, Tân Lý Đông là một trong những xã nghèo nhất của huyện Châu Thành, gia đình chị cũng thuộc diện hộ nghèo triền miên. Nhà có đông anh em, không đất canh tác, từ lúc 7,8 tuổi, sau giờ học, chị đã biết phụ mẹ đan đệm, đan manh bàng mang ra chợ bán kiếm tiền đong gạo. Đến năm 17 tuổi, chị xin vào làm việc cho Hợp tác xã (HTX) nón Thống Nhất (xã Thân Cửu Nghĩa) và được giao phụ trách kỹ thuật tạo mẫu (nón, giỏ, manh… bàng buông các loại). Sau đó, chị lãnh nguyên liệu của HTX về giao lại cho bà con trong ấp đan để kiếm thêm thu nhập. Dần dần, thấy bà con tham gia nghề càng nhiều nên chị Hên cùng với người chị (Lai Thị Liên) hùn vốn mở cơ sở bàng buông mang tên Liên Hên. Để giúp mở rộng nghề bàng buông truyền thống, cơ sở nhận dạy nghề đan miễn phí cho bà con có nhu cầu. Sau khi thạo nghề, bà con có thể lãnh nguyên liệu về nhà đan gia công và giao lại thành phẩm cho cơ sở. Trước đây, thành phẩm sản xuất ra, cơ sở giao lại cho HTX nón Thống Nhất hoặc một số Tổ hợp nón trên địa bàn huyện, còn hiện tại, cơ sở ký hợp đồng cung ứng cho một số công ty tại TP. Hồ Chí Minh để xuất ra nước ngoài.

 

Đan gia công giỏ bàng truyền thống


          Lúc mới khởi nghiệp, cơ sở Liên Hương sản xuất nhiều chủng loại sản phẩm từ nguyên liệu bàng buông, nhưng sau này, thấy nhiều người mở cơ sở sản xuất nón nên chị thay đổi chiến lược theo hướng tập trung sản xuất chuyên mặt hàng giỏ. Từ chỗ tận dụng nhà ở làm nơi sản xuất, giờ chị đã mua đất xây dựng nhà xưởng khang trang làm nơi sản xuất và kho chứa hàng.


          Theo chị Hên, nghề bàng buông khá gian nan, vất vả và hầu như không có thời gian nghỉ. Nếu không chịu khó và có lòng đam mê thì khó tồn tại và gắn bó lâu dài với nghề. Thực tế, trước đây, số cơ sở sản xuất kinh doanh nón bàng buông trên địa bàn xã khá nhiều nhưng sau đó đã đóng cửa không ít, số còn lại giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay.


       
  QUYẾT TÂM GIỮ NGHỀ


          Nói về sự thăng trầm của nghề, chị Hên lý giải: Khi thu nhập, mức sống còn thấp, các sản phẩm truyền thống làm từ chất liệu thiên nhiên được sử dụng nhiều. Đến khi trình độ kỹ thuật, công nghệ phát triển, nhiều sản phẩm làm bằng chất liệu mới ra đời thay thế sản phẩm truyền thống, các sản phẩm bàng buông do đó cũng giảm dần vị thế. Tuy nhiên, khi cuộc sống ngày càng hiện đại, mọi thứ trở nên đủ đầy hơn thì người ta lại có xu hướng quay về với thiên nhiên. Chính vì thế, một số sản phẩm truyền thống vẫn còn chỗ đứng trên thị trường.

 

Hoàn thiện sản phẩm tại phân xưởng


          Để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, chị Hên không ngừng nghiên cứu, sáng tạo ra nhiều mẫu hàng mới để giới thiệu với khách hàng nước ngoài thông qua các đối tác tại TP. Hồ Chí Minh. Nói về sản phẩm giỏ bàng buông, cơ sở Liên Hên có thể tạo ra hàng trăm mẫu hàng với nhiều kích cở để khách hàng lựa chọn và đặt hàng tùy theo nhu cầu, sở thích khác nhau ở mỗi thời điểm như: Loại giỏ có quay ngắn dùng để đựng hàng, quà tặng, trang trí cho chậu hoa; loại giỏ có quay dài dùng để treo giò lan, giỏ hoa trang trí…


          Chị Hên cho biết, cơ sở của chị hiện tạo việc làm, thu nhập ổn định cho trên 80 hộ ở trong và ngoài xã. Riêng phân xưởng sản xuất hiện giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức thu nhập trung bình từ 6-7 triệu đồng/người/tháng. Tại đây, công nhân sẽ thực hiện các công đoạn từ sơ chế nguyên liệu đến hoàn thiện sản phẩm (may bìa, làm quay, làm đít giỏ…). Từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lượng đơn hàng giảm mạnh, nhưng để đảm bảo việc làm cho công nhân và nhà đan, chị Hên không ngừng nghiên cứu tạo ra nhiều mẫu giỏ mới để chào hàng. Thậm chí, khi chưa ký được đơn hàng, chị vẫn ứng vốn mua nguyên liệu giao cho nhà đan gia công và thu hàng về trữ tại kho. Trong lúc khó khăn, nhu cầu giảm nên đối tác cũng giảm giá đầu ra, để đảm bảo thu nhập cũng như động viên bà con gắn bó với nghề, chi chấp nhận hòa vốn hoặc thậm chí lỗ miễn sao nhà đan không bị thiệt thòi.


          Chị Huỳnh Thị Út, năm nay 56 tuổi (ấp Tân Lược 1, xã Tân Lý Đông) là thợ đan lâu năm nhất của cơ sở Liên Hên cho biết, nhà nghèo, không có ruộng đất, từ nhỏ, đi học một buổi, thời gian còn lại chị phụ mẹ đan giỏ kiếm tiền mua gạo. Lớn lên, lập gia đình vẫn gắn bó với nghề này. Mỗi ngày đan được 10 cái giỏ kiếm cũng được 100 ngàn đồng. Theo chị, nghề này rất thích hợp cho người lớn tuổi vì có thể vừa trông nhà, nội trợ, giữ cháu… vừa đan để kiếm thêm thu nhập.

 

Hồng Yến
Tin liên quan