Hiệu quả thật sự của giải pháp sáng chế không dừng lại ở việc nghiên cứu tạo ra một sản phẩm, thiết bị, máy móc hoàn chỉnh, mà còn phải được thị trường, người tiêu dùng chấp nhận bỏ tiền ra để mua, sử dụng, tức sản phẩm đó phải được thương mại hóa. Đồng thời, giải pháp đó cũng cần được Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhằm chống sao chép, làm giả hay vi phạm quyền tác giả... | |
“Thiết bị đắp bờ” của tác giả Dương Quốc Thái được cấp Bằng độc quyền “Kiểu dáng công nghiệp” |
THƯƠNG MẠI HÓA GẮN VỚI DỰ ÁN KHỞI NGHIỆP
Trong thực tế, một số giải pháp, sản phẩm đạt giải Hội thi thuộc lĩnh vực cơ khí – tự động hóa đã được tác giả thương mại hóa thông qua việc triển khai dự án khởi nghiệp dưới nhiều hình thức như: Thành lập cơ sở sản xuất, doanh nghiệp thương mại hay doanh nghiệp khoa học – công nghệ.
Nhà sáng chế - lương y Đoàn Văn Khanh (Giám đốc DNTN Long Thuận, huyện Châu Thành) là một trong số những người đi đầu và thành công với dự án khởi nghiệp. Tính từ khi sáng chế thành công sản phẩm tinh dầu hoa bưởi và nước bưởi ép (đạt giải Hội thi năm 2008), đến nay ông đã thương mại hóa và cho ra đời gần 40 sản phẩm có nguồn gốc từ bưởi cùng một số nguyên liệu, thảo dược có nguồn gốc từ thiên nhiên. Theo lương y Đoàn Văn Khanh, mỗi năm doanh nghiệp của ông sản xuất từ 4-5 ngàn sản phẩm (8-10 tấn) cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang một số quốc gia khác như: Đức, Pháp, Mỹ, Canda, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Tác giả Huỳnh Ngọc Mừng và quá trình thương mại hóa giải pháp sáng chế
“Máy chiết xuất tinh dầu dùng cho nông hộ”
Đối với thạc sĩ Phạm Hồng Thơm, dự án khởi nghiệp được triển khai với sự ra đời của Công ty TNHH MTV cơ khí và tự động hóa Tân Phước Đông (huyện Tân Phú Đông) gắn với hàng loạt sáng chế phục vụ lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp như: Thiết bị cân bằng động, máy mài lưỡi cưa, máy cưa CD tự động, máy cưa dĩa, máy bấm me lưỡi cưa, máy mở lưỡi cưa… trong đó, máy cưa CD tự động do anh sáng chế đã được xuất sang châu Phi. Đặc biệt, trong 2 năm 2016, 2017, doanh nghiệp của anh triển khai dự án đầu tư “Xây dựng nhà xưởng, máy móc, thiết bị chế tạo dây chuyền sản xuất lưỡi cưa gỗ CD đính hợp kim tự động (thép gió)” với tổng kinh phí đầu tư hơn 1,4 tỷ đồng (Quỹ Khuyến công quốc gia hỗ trợ không hoàn lại là 195 triệu đồng). Sau dự án, Công ty TNHH MTV Cơ khí và Tự động hóa Tân Phước Đông trở thành doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh Tiền Giang cũng như cả nước làm chủ công nghệ sản xuất lưỡi cưa gỗ CD đính hợp kim tự động và có thể thay thế hàng nhập ngoại.
Riêng anh Dương Quốc Thái, sự ra đời của Cơ sở cơ khí Quốc Thái (huyện Cái Bè) gắn với 3 sản phẩm do anh sáng chế gồm: Bộ bông xới, thiết bị đắp bờ, thiết bị đào rãnh nước đã đoạt 3 giải Hội thi là sự thành công vượt bật của người thợ cơ khí được mệnh danh là “kỹ sư không bằng cấp”. Trong đó, kể từ khi sáng chế thành công thiết bị đắp bờ (năm 2016) đến nay, anh đã thương mại hóa và xuất bán khoảng 300 thiết bị cho các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời, xuất khẩu sang thị trường Philipin được 40 thiết bị.
Kỹ sư Ngô Kỷ, nguyên Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ cho rằng, sau khi tạo ra giải pháp sáng chế, tác giả có thể triển khai dự án khởi nghiệp để thương mại hóa với sự hỗ trợ từ Quỹ phát triển khoa học công nghệ của tỉnh hoặc có thể bán bản quyền, nhượng quyền thương mại hay hợp tác kinh doanh đối với giải pháp đã được bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ... |
CẦN BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ
Theo kỹ sư Ngô Kỷ, ngay sau khi tạo ra sản phẩm hay giải pháp sáng chế, tác giả cần tiến hành thủ tục đăng ký để được Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Một số hình thức bảo hộ tác giả có thể lựa chọn, bao gồm: Bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp và Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Lợi ích của việc đăng ký bảo hộ nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, khi có xảy ra tranh chấp, tổ chức, cá nhân có văn bằng bảo hộ của Nhà nước mới được cơ quan chức năng xem xét giải quyết theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Thời gian cấp Bằng độc quyền kể từ ngày nộp hồ sơ hợp lệ theo kỹ sư Ngô Kỷ ít nhất là 2 năm vì cơ quan cấp giấy phải mất thời thời gian thẩm tra, xác minh, yêu cầu tác giả bổ túc hồ sơ, chứng minh về hiệu quả, tính mới của giải pháp sáng chế (cấu trúc về cơ khí, vật lý, nguyên tắc tự nhiên...).
“Kéo cắt tỉa cành cải tiến” của tác giả Lê Phước Lộc được cấp Bằng độc quyền
“Kiểu dáng công nghiệp”
Qua thống kê sơ bộ, đến nay số giải pháp đạt giải Hội thi được thương mại hóa gắn với dự án khởi nghiệp thành công tương đối nhiều trong khi chỉ có 3 tác giả làm thủ tục đăng ký cấp Bằng độc quyền và Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả. Trong đó, Cơ sở cơ khí Quốc Thái được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Bằng độc quyền “Kiểu dáng công nghiệp” cho thiết bị đắp bờ và được Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả đối với biểu tượng (logo) của cơ sở; Cơ sở kéo cắt tỉa Phước Lộc (An Hữu, Cái Bè) được Cục Sở hữu trí tuệ cấp 5 Bằng độc quyền “Kiểu dáng công nghiệp”, 1 Bằng độc quyền “Giải pháp hữu ích” và 1 Giấy chứng nhận “Đăng ký nhãn hiệu”. Riêng DNTN Chánh Tân Đức, do lựa chọn đơn vị tư vấn không có năng lực, kinh nghiệm nên mặc dù đã nộp hồ sơ gần 3 năm nhưng đến nay vẫn chưa được cấp văn bằng bảo hộ.
Thạc sĩ Dương Văn Bon, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, tác giả có giải pháp sáng chế có thể liên hệ với Phòng Quản lý chuyên ngành trực thuộc sở để được tư vấn, hướng dẫn thủ tục và được giới thiệu đơn vị tư vấn có đủ năng lực, uy tín để hỗ trợ bước lập hồ sơ gửi đến Cục Sở hữu trí tuệ đăng ký cấp văn bằng bảo hộ theo quy định, vừa đảm bảo độ tin cậy, vừa giúp tiết kiệm kinh phí, thời gian.
“Đối với giải pháp đạt giải Hội thi, để khởi nghiệp, tác giả có thể liên hệ với Sở Khoa học và Công nghệ để được hướng dẫn thủ tục đề nghị hỗ trợ kinh phí từ nguồn hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đồng thời, tác giả cần xúc tiến việc thành lập doanh nghiệp khoa học – công nghệ để được hưởng chính sách ưu đãi về thuế và được hỗ trợ lãi suất vay vốn (tối đa 50%) tại ngân hàng thương mại cùng một số chính sách ưu đãi khác theo Nghị định 13/2019/NĐ-CP của Chính phủ nếu có dự án đầu tư được Sở Khoa học và Công nghệ thẩm định đạt yêu cầu” - thạc sĩ Dương Văn Bon cho biết thêm.
Kỹ sư Ngô Kỷ cho biết, sản phẩm được cấp Bằng độc quyền “Kiểu dáng công nghiệp” được Nhà nước bảo hộ 5 năm và được gia hạn thêm 2 lần (mỗi lần 5 năm); đối với “Giải pháp hữu ích” tổng thời gian bảo hộ là 10 năm và phải làm thủ tục gia hạn, nộp phí hàng năm; đối với “Sáng chế”, thời gian bảo hộ là 20 năm và cũng phải gia hạn, nộp phí hàng năm. Riêng Giấy chứng nhận “Đăng ký nhãn hiệu” được bảo hộ 10 năm và cứ sau 10 năm gia hạn một lần (và được bảo hộ đến suốt đời). |