Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Kỹ sư công nghệ thông tin đam mê trùn quế
(Ngày đăng: 16/03/2021)

Tốt nghiệp đại học chuyên ngành công nghệ thông tin, Trường Đại học An Giang năm 2008, được một công ty phần mềm tại TP. Hồ Chí Minh tuyển dụng vào làm việc với mức thu nhập khá cao nhưng sau đó kỹ sư Nguyễn Công Vinh (xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) quyết định bỏ phố về quê đầu tư vào trang trại nuôi trùn quế và gặt hái thành công trong bước đầu khởi nghiệp.
Anh Nguyễn Công Vinh tại Phân xưởng đóng bao phân trùn quế

 

          ĐAM MÊ NÔNG NGHIỆP SẠCH


          Anh Vinh cho biết, sau khi tốt nghiệp đại học, tìm được việc làm phù hợp với chuyên môn nhưng trong tư tưởng của anh lúc nào cũng suy nghĩ về việc góp phần kiến tạo một nền nông nghiệp sạch. Những lúc rảnh rỗi, anh dành thời gian nghiên cứu về quy trình canh tác nông sản theo hướng hữu cơ. Càng nghiên cứu, anh càng đam mê. Trong những ngày nghỉ, anh dành hết thời gian để chăm sóc những chậu rau màu trong không gian khiêm tốn của khu trọ.


           Đặc biệt, sau khi nghiên cứu các tài liệu bằng tiếng Anh (trên mạng Internet và bạn bè mang từ nước ngoài về tặng) nói về quy trình nuôi trùn quế tại các nước phát triển như: Mỹ, Israen… anh bỏ công gần một năm đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật từ các trang trại nuôi trùn quế từ Bắc chí Nam. Đầu năm 2017, anh Vinh quyết định bỏ phố về quê để khởi nghiệp với nghề nuôi trùn quế. Đầu tiên, anh thuê 160m2 đất tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An để nuôi thử nghiệm.

 

Đóng bao phân trùng huế tại cơ sở


          Sau bước thử nghiệm thành công, anh đứng ra thành lập Công ty cổ phần Trang trại Sạch do anh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị và thuê 3ha đất ở ấp Thân Bình, xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, Tiền Giang để mở rộng diện tích sản xuất.


          Theo anh Vinh, nghề nuôi trùn quế vốn đã du nhập vào nước ta từ lâu, thế nhưng, nhiều người nuôi chưa thành công là do chưa nắm vững kỹ thuật cũng như chưa nghiên cứu kỹ quy trình trước khi nuôi. Theo đó, chuồng nuôi được anh bố trí xen lẫn trong vườn cây nhằm duy trì nhiệt độ dưới 300C, ẩm độ từ 70-80% để giúp trùn sinh trưởng và phát triển tốt (những tháng nắng nóng, phun nước để làm mát); nền chuồng có thể tráng xi măng hoặc lót bạt nhựa, tiếp theo đổ lớp phân bò dày 5cm và cho trùn giống vào theo tiêu chuẩn 25kg giống/m2; sau đó, trùn được cho ăn luân phiên thức ăn khô (tươi) với thức ăn nước (phân tươi được hòa vào nước, lọc tạp chất và bơm cho trùn ăn dưới dạng dung dịch sệt) trộn men vi sinh (được ủ với mật mía đường trong 3 tuần) để hỗ trợ tiêu hóa. Ngoài phân bò, anh Vinh còn sử dụng phế phẩm thực vật, phế phẩm sau biogas làm thức ăn bổ sung cho trùn…


         CUNG KHÔNG ĐỦ CẦU


          Theo anh Vinh, nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên trùn cho năng suất khá cao. Theo đó, sau 3-4 tuần thả giống là có thể thu hoạch. Sau đó, cứ 30 ngày thu hoạch trùn thịt và sau 90 ngày thu hoạch phân trùn một lần. Để tạo ra 1kg phân trùn cần khoảng 1,4 - 2,2 kg phân bò (tùy phân bò ta hay bò sữa)


          Sau bước thâm nhập thị trường thành công, sản phẩm phân trùn quế của Trang trại Sạch hiện đã có mặt ở khắp các tỉnh, thành khu vực Nam bộ với trên 60 đại lý. Để đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng gia tăng, Công ty cổ phần Trang trại Sạch đã mở rộng vùng nuôi sang 4 tỉnh Bến Tre, Hậu Giang, An Giang và Đồng Nai với tổng diện tích trên 100ha. Riêng, khu trại nuôi tại Tiền Giang (xã Thân Cửu Nghĩa), Công ty thuê thêm 2ha đất để mở rộng diện tích nuôi kết hợp xây dựng nhà xưởng để sơ chế, đóng gói thành phẩm (bao gồm phân trùn nguyên liệu từ các chi nhánh ở ngoài tỉnh chuyển về). Bên cạnh đó, Trang trại còn tổ chức liên kết sản xuất với trên 100 hộ chăn nuôi ở trong và ngoài tỉnh theo hướng cam kết bao tiêu đầu ra (phân trùn, trùn thịt) với giá ổn định.


          Hiện tại, mỗi tháng, Trang trại phân phối khoảng 500-700 tấn phân trùn quế (đóng bao 25kg) cho các đại lý, cung ứng từ 5-10 tấn trùn giống và khoảng 4 tấn trùn thịt cho khách hàng ở trong và ngoài tỉnh có nhu cầu.


          Theo anh Vinh, do không chứa thành phần kim loại nặng nên phân trùn quế rất thích hợp để phát triển nền nông nghiệp hữu cơ; riêng thịt trùn có hàm lượng dinh dưỡng cao nên cũng được sử dụng nhiều trong lĩnh vực nuôi trồng thủy, hải sản. “Khó khăn lớn nhất của Trang trại hiện nay là lượng phân bò tươi không đáp ứng đủ nhu cầu (mỗi ngày hệ thống trang trại cần khoảng 300 tấn phân bò tươi). Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đầu tư thêm chuồng trại nuôi bò thịt để vừa nâng cao hiệu quả kinh tế, vừa bổ sung nguồn phân tươi phục vụ sản xuất của Trang trại” – anh Vinh cho biết.


          Chỉ cho chúng tôi xem những bao đất sạch (đóng bao 7 kg và 13 kg, gồm hỗn hợp phân trùn, vi sinh, đất sét, xơ dừa, tro trấu) chuẩn bị giao cho đại lý, anh Vinh cho biết, đây là dòng sản phẩm Trang trại mới phát triển sau này. Sản phẩm này rất thích hợp cho hoa kiểng và rau màu; đặc biệt là khu vực đô thị hiện có nhu cầu tiêu thụ khá lớn.

 

Huỳnh Văn Xĩ
Tin liên quan