Đôi nét về cù lao Ngũ Hiệp và đình Hòa An Theo ông Trương Ngọc Tường, vào thế kỷ XVIII, tại cù lao Trà Tân lúc bấy giờ có một nhóm người từ xứ Quảng Nam đi theo đường biển vào lập 05 thôn: Long Phú, Hòa An, An Thủy Đông, An Thủy Tây và Tân Sơn. Đến đời chúa Nguyễn Phúc Ánh, xếp 05 thôn này vào tổng Kiến Lợi, huyện Kiến Đăng. Do đó cù lao Trà Tân còn có tên là cù lao Kiến Lợi hay cù lao Năm Thôn. Xưa kia, vùng Năm Thôn, nổi tiếng là nơi có nhiều vườn cây ăn trái xum xuê. Đây cũng là nơi từng bị quân Xiêm tàn phá, cướp bóc khi chúng sang xâm lược nước ta vào năm 1785. | |
Đình Hòa An |
Năm 1862, nhân dân trên cù lao không chịu sống dưới quyền cai trị của thực dân Pháp nên đã bỏ quê hương sang vùng đất khác sinh sống. Đến năm 1864, từ 05 làng trù phú trên cù lao chỉ còn 06 gia đình cư trú và canh tác 36 ha. Bấy giờ trong hàng ngũ sĩ quan thực dân Pháp có tên Taillefe lợi dụng đất vắng chủ vô chiếm 300ha. Hắn tự xưng là “ tiểu vương quốc”. Người dân phải làm xâu, đóng thuế cho hắn. Năm 1868, vụ mùa trên cù lao thất bát, người dân không chịu nổi sự hà khắc của Taillefe nên đã bỏ trốn khá nhiều. Tên phụ tá của y lãnh tiền đi mua lúa gạo, ôm tiền trốn mất. Taillefe gởi đơn kiện đến Thống đốc Nam kỳ nhưng bị xử thua kiện. Năm 1871, hắn sạt nghiệp và bán đất lại cho Đốc phủ Trần Bá Lộc. Khi mua lại cù lao Năm Thôn Trần Bá Lộc đã chấp nhận cho chính quyền thực dân Pháp lập lại một làng trên cù lao lấy tên là Ngũ Hiệp Trần Bá Lộc nắm trọn quyền sanh sát trên cù lao từ năm 1871 đến 1899, sau đó giao lại cho con trai là Trần Bá Thọ. Năm 1909, Trần Bá Thọ sạt nghiệp, tự tử. Theo sự thỏa thuận trong gia đình, cù lao Ngũ Hiệp được bán cho vợ chồng Đốc phủ Lê Văn Mầu. Từ ngày cù lao Ngũ Hiệp về tay vợ chồng Đốc phủ Lê Văn Mầu việc đầu tiên của y là giải tán hội tề xã để nắm trọn quyền hành. Về mặt văn hóa, xóa sạch đình, chùa trên cù lao, ép mọi người phải theo đạo Thiên Chúa. Nhờ bóc lột nông dân mà vợ chồng Đốc phủ Mầu trở nên một trong những người giàu có nhất thời bấy giờ.
Chánh điện đình Hòa An
Theo các sắc phong còn lưu giữ, đình Hòa An được thành lập vào giữa thế kỷ XIX, ấy theo tên làng Hòa An.
Đình Hòa An xưa nằm ở hai xứ cù lao Trà Tân và Hòa An, thuộc tổng Lợi Trường, huyện Kiến Đăng, phủ Kiến An, tỉnh Định Tường, là một trong năm thôn trên cù lao Trà Tân (sau này gọi là cù lao Ngũ Hiệp).
Trước năm 1945, đình Hòa An thuộc xã Ngũ Hiệp, tổng Lợi Hòa, quận Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho. Trong kháng chiến chống Pháp, thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho. Bên chính quyền thân Pháp, thuộc xã Ngũ Hiệp, tổng Lợi Hòa, quận Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho. Trong kháng chiến chống Mỹ, thuộc xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho. Bên chính quyền Việt Nam Cộng Hòa thuộc xã Ngũ Hiệp, quận Cai Lậy, tỉnh Định Tường. Sau ngày 30/4/1975 đến nay, đình thuộc ấp Hòa An, xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Theo lời kể của ông Đỗ Quang Hưng, nguyên Trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy Tiền Giang và ông Trần Hoàng Hùng, nguyên Bí thư xã Ngũ Hiệp giai đoạn (1968-1970), đình thần Hòa An đầu tiên được xây dựng bằng gỗ lá đơn sơ nằm ở phía Đông vàm Ông Vú. Khoảng đầu năm 1930, đình tọa lạc tại phần đất của ông Ngô Văn Phòng, thuộc ấp Hòa Hảo. Năm 1955 - 1956 đình được tái lập tọa lạc tại ấp Hòa An cho đến ngày nay.
Mặc dù ngôi đình nhiều lần bị tàn phá, xuống cấp và tái thiết nhưng vẫn giữ được chức năng ngôi đình làng. Hiện đình có diện tích xây dựng 400m2 trên diện tích đất 3860,8m2 gồm: Vỏ ca có diện tích 114m2, kết cấu cột kèo theo kiểu tứ trụ; Chánh điện (đình chính) nơi thờ thần, có diện tích 132m2, được xây dựng theo kiểu tứ trụ gồm 02 tầng mái (cổ lầu); nhà khói có diện tích 132m2, đây là nơi nấu nướng trong các dịp cúng đình.
Dấu ấn lịch sử cách mạng tại đình Hòa An
Ngày 30/11/1940, dưới sự lãnh đạo của các đồng chí trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ đã huy động quần chúng phối hợp với các xã Cẩm Sơn, Xuân Sơn, Hiệp Đức kéo qua cù lao Ngũ Hiệp (cù lao Năm Thôn) đánh chiếm nhà việc và kho lúa của tên địa chủ Đốc Phủ Mầu. Sau cuộc Nam kỳ khởi nghĩa 1940, uy thế của Đốc Phủ Mầu bị giảm sút. Tuy nhiên, mãi đến sau cách mạng tháng tám năm 1945, người dân Ngũ Hiệp mới thực sự làm chủ mảnh đất của mình.
Sau khi hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết ngày 20/7/1954, Huyện ủy Cai Lậy và cán bộ, đảng viên đều rút vào hoạt động bí mật. Để thích ứng với tình hình mới, các cơ sở Đảng trong huyện được sắp xếp lại. Dựa vào các tổ chức, hội đoàn hợp pháp, ta cài người vào hoạt động vừa lãnh đạo tổ chức, vừa che giấu lực lượng. Các tổ chức bán hợp pháp của ta như: Tổ vần đổi công, vạn cấy, vạn cày, hội đông y, hội chùa, hội đình, hội banh, hội văn nghệ… được đông đảo quần chúng tham gia vì quyền lợi dân sinh, dân chủ, đoàn kết sản xuất, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, qua đó ta có dịp tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho mọi người. Trong đó đình Hòa An tại Ngũ Hiệp là một trong những nơi thực hiện rất tốt phương thức hoạt động này.
Năm 1956, đồng chí Võ Văn Ngọc, cán bộ liên xã do Huyện ủy Cai Lậy phân công về phụ trách xã Ngũ Hiệp (còn gọi là Mười Ngọc) ở trong đình để hoạt động cách mạng, đồng chí đã được Ban Khánh tiết đình và nhân dân đùm bọc, che chở.
Từ khi đình Hòa An được tái thiết và khánh thành vào tháng 6 năm 1956, Ban Hội đình được củng cố mở rộng tăng thêm lượng người vào Ban Hội hương thì hoạt động rất thiết thực, hiệu quả và đã giúp đỡ cán bộ cách mạng hoạt động trong ấp, xã và một số xã xung quanh không để địch phát hiện. Đình còn là cơ sở để mở lớp bình dân học vụ được nhiều người tham gia trong một thời gian dài.
Năm 1957, nhân lễ cúng đình ngày 16 tháng 6 âm lịch được tổ chức do ông Nguyễn Văn Trọng (Nguyễn Văn Trung) được Ban Hội hương đình thần cử ông làm kế hiền. Nhân lễ cúng đình, ông chủ trương dựng Đài tưởng niệm trước đình thần (nay không còn), hình thức bên ngoài là thờ các vị thần, nhưng thực chất là Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Sau đó bọn tề xã đến buộc hội đình phá bỏ và gây khó Ban Hội hương.
Để bám trụ vững chắc trong nhân dân, lực lượng cách mạng đã chọn đình thần Hòa An làm cơ sở sinh hoạt. Trong các cuộc hội họp, các đồng chí có uy tín đứng lên kêu gọi nhân dân nổi dậy vạch trần tội ác của bọn tay sai.
Trong đồng khởi năm 1960, Ban Hội hương đình đã hỗ trợ lực lượng nổi dậy dùng trống, mõ của đình đề khuấy động phong trào, gây áp lực, áp đảo địch. Chỉ sau mấy ngày rầm rộ nổi dậy làm cho lực lượng phòng vệ của ngụy ở xã tan rã, bỏ trốn. (Hiện đình cò lưu giữ 01 chiếc chiêng và 01 chiếc mõ sử dụng trong phong trào Đồng khởi của xã).
Đầu năm 1961, Mỹ triển khai chiến lược chiến tranh đặc biệt tăng cường càn quét, đánh phá nhằm thi hành quốc sách “ấp chiến lược” thực hiện bình định Nam Việt Nam trong 18 tháng. Đến cuối năm 1962 đầu năm 1963, địch xây dựng ấp chiến lược Hòa Khương thuộc xã Ngũ Hiệp (nay thuộc ấp Hòa An, xã Ngũ Hiệp).
Nhằm đối phó và củng cố lực lượng tấn công có hiệu quả với địch, cuối năm 1962, xã Ngũ Hiệp, thành lập Ban an ninh xã trên cơ sở Ban công an cũ của xã với 03 đồng chí an ninh vũ trang do đồng chí Huỳnh Văn Luận làm Trưởng ban. Xác định tính chất cực kỳ quan trọng của thời kỳ này là diệt ác, phá kềm, tiêu diệt bọn ác ôn, bọn mật báo chỉ điểm và đánh phá ấp chiến lược để củng cố lòng tin trong nhân dân. Ban an ninh xã, lực lượng quân dân du kích đã rà soát địa bàn, xây dựng mạng lưới cơ sở trong nhân dân và trong hàng ngũ của địch. Trong đó có việc xây dựng lực lượng an ninh mật trong các ấp, trong đình để tìm diệt số mật báo chỉ điểm bảo vệ cơ sở cách mạng.
Do có cơ sở cách mạng vững chắc nên từ năm 1970 - 1973, lực lượng an ninh xã Ngũ Hiệp đã kết hợp với lực lượng du kích xã và bộ đội huyện đánh nhiều trận gây tiếng vang lớn. Các tên ác ôn gây nhiều nợ máu với nhân dân đều bị tiêu diệt hoặc bị bức hàng phải bỏ địa phương đi nơi khác, số khác bị bắt đưa ra họp dân hạ uy thế, sa sút tinh thần không dám cộng tác với địch.
Năm 2019, đình Hòa An đã được UBND huyện Cai Lậy công nhận là cơ sở thờ tự văn hóa và năm 2020 được UBND tỉnh Tiền Giang công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh.