Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Tiền Giang: Phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới – Một năm nhìn lại
(Ngày đăng: 02/02/2021)

Năm 2020 được xem là một năm đầy khó khăn, thế nhưng với sự lãnh, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo các ngành, các cấp đặc biệt là ngành nông nghiệp và sự nỗ lực quyết tâm của toàn thể nhân dân nên lĩnh vực phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới đã đạt được những kết quả đáng trân trọng.
Mô hình trình diễn “Ứng dụng máy cấy lúa kết hợp vùi phân bón” tại xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè

 

          Trong năm, đã thành lập mới 27 HTX, giải thể 02 HTX do hoạt động không hiệu quả, nâng toàn tỉnh hiện có 154 HTX nông nghiệp với 38.887 thành viên, đạt 102,6 % so mục tiêu năm 2020. Trong đó, có 39 HTX được xếp loại khá, tốt (chiếm 25,3%, tăng 16 HTX so với năm 2019), 70 HTX trung bình (chiếm 45,5%), 02 HTX ngừng hoạt động (chiếm 1,3%) và 43 HTX mới thành lập nên chưa đủ cơ sở đánh giá tình hình hoạt động (chiếm 27,9%).


          Trong năm cũng đã hỗ trợ đầu tư 23 công trình cơ sở hạ tầng cho 21 HTX và 01 công trình chuyển tiếp của năm 2019 từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, có 17 công trình đã thi công xong. Tiếp tục thực hiện chương trình hỗ trợ cán bộ trẻ về làm việc cho các HTX (08 người/08 HTX, tính từ khi triển khai đến nay đã hỗ trợ 17 người/17 HTX) đã góp phần củng cố, nâng chất hiệu quả hoạt động của các HTX.

 

Xã viên HTX DVNN Mỹ Quới nhận lúa giống sản xuất


          Triển khai đến các địa phương thực hiện Kế hoạch “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm”; biên soạn, in ấn 20.000 tờ gấp cấp phát cho các địa phương để nghiên cứu và tổ chức tuyên truyền về Chương trình; in ấn 100.000 tem sao OCOP hỗ trợ cho sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh (mỗi sản phẩm hỗ trợ 5.000 tem); tổ chức 7 lớp tập huấn nội dung, hồ sơ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2020 cho công chức phụ trách Chương trình OCOP cấp huyện, cấp xã và chủ thể sản xuất tại các địa phương, có 266 người dự; tổ chức Hội nghị công bố kết quả đánh giá, phân hạng và trao giấy Chứng nhận sản phẩm OCOP tỉnh Tiền Giang cho 04 sản phẩm năm 2019 và 10 sản phẩm năm 2020. Đồng thời đưa thông tin sản phẩm OCOP cấp tỉnh lên sàn giao dịch thương mại điện tử http://postmart.vn của Bưu điện tỉnh.


          Bên cạnh đó, lĩnh vực xây dựng nông thôn mới cũng có những chuyển biến tích cực. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 117/143 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 81,82 %; Số tiêu chí đạt bình quân toàn tỉnh là 17,34 tiêu chí/xã (tăng thêm 0,73 tiêu chí so với thời điểm cuối năm 2019); có 08 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt chỉ tiêu Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh); có 04 huyện, thị xã được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (năm 2019 có 1 đơn vị); chất lượng và mức độ đạt được các tiêu chí tại các xã được công nhận nhìn chung đạt cao hơn so với các năm trước đây; việc bố trí và hỗ trợ nguồn lực từ ngân sách được thực hiện rất sớm so với các năm trước nên tạo điều kiện thuận lợi cho các xã có điều kiện về đích sớm trong năm. Đến nay, tỉnh Tiền Giang đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh đề ra đến năm 2020 (có 50% số xã đạt chuẩn) và vượt chỉ tiêu của Trung ương giao tại Quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 (chỉ tiêu giao đến năm 2020 tỉnh Tiền Giang phải đạt 70 xã).


         
Phát huy những kết quả đạt được, năm 2021 sẽ tập trung vào các nhiệm vụ và giải pháp sau:


          Ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp địa phương thực hiện củng cố, hỗ trợ nâng chất hoạt động ở các THT, HTX; tổ chức 22 cuộc tập huấn (dài, ngắn hạn) tư vấn các quy định của pháp luật về HTX tại các xã hiện chưa có HTX và bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ quản lý các THT, HTX. Tiếp tục triển khai thực hiện hỗ trợ HTX theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg (hỗ trợ 07 người về làm việc tại 07 HTXNN) và hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho HTX nông nghiệp (hỗ trợ cho 15 HTX).


          Thực hiện hỗ trợ khoảng 20 dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cho các Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn với nội dung hỗ trợ như: Hỗ trợ chi phí tư vấn liên kết, hạ tầng phục vụ liên kết, xây dựng mô hình khuyến nông, tập huấn, đào tạo bồi dưỡng và hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; hỗ trợ vốn, giống vật tư bao bì nhãn mác sản phẩm.


          Tiếp tục hỗ trợ các sản phẩm có lợi thế, đặc sản của địa phương phát triển thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh (đạt từ 3-4 sao); hỗ trợ nâng chất các sản phẩm 3-4 sao thành sản phẩm OCOP cấp quốc gia (5 sao). Hỗ trợ đào tạo phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP.


          Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nông thôn: Hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp (dưới 3 tháng) cho 1.000 lao động nông thôn.


          Theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ các xã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và huyện đăng ký phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2021 thực hiện đạt các tiêu chí. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới./.
 

Mai Ngọc
Tin liên quan