Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Kết quả một năm hoạt động của ngành nông nghiệp Tiền Giang
(Ngày đăng: 06/01/2021)

Năm 2020, nông nghiệp Tiền Giang đã đối diện với nhiều khó khăn thử thách nhưng với sự nỗ lực của toàn ngành đã hoàn thành nhiệm vụ, sản xuất nông, ngư nghiệp tiếp tục phát triển ổn định trên cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Kết quả thực hiện Nghị quyết 27/NQ-HĐND ngày 06/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh nổi bật như sau:
Máy cấy 3 trong 1 thuộc dự án lúa công nghệ cao

 

          Tốc độ tăng trưởng GRDP khu vực nông, lâm, ngư nghiệp bằng 99% so với CKNN. Đến cuối năm 2020 có 26 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới vượt 01 xã so kế hoạch; nâng toàn tỉnh có 117/143 xã, đạt 81,82 %; Số tiêu chí đạt bình quân toàn tỉnh 17,34 tiêu chí/xã (tăng thêm 0,73 tiêu chí so với thời điểm cuối năm 2019). Có 08 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 100%); Có 02 huyện đạt chuẩn nông thôn mới là Chợ Gạo và Gò Công Đông và 02 đô thị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là thị xã Gò Công và thị xã Cai Lậy (đạt 100 %); Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh 100%, trong đó sử dụng từ hệ thống cấp nước tập trung đạt 95 % (đạt 100%).


          Về tình hình sản xuất: Sản lượng lúa: 801.122 tấn, đạt 86,6% KH, bằng 71,3% so với CKNN (đạt 66,57 % so với mục tiêu kế hoạch 5 năm nhưng chỉ tiêu này đạt do mục tiêu giảm dần); Sản lượng rau, đậu: 1.068.851 tấn, đạt 92% KH, bằng 93% so với CKNN (vượt 9,5% so với mục tiêu kế hoạch 5 năm); Sản lượng trái cây: 1.443.657 tấn, đạt 93,5 % KH, bằng 97,1 % so với CKNN (vượt 9,3% so với mục tiêu kế hoạch 5 năm); Đàn heo: 262.646 con, đạt 54,8 % KH, bằng 99,1 % so với CKNN (bằng 40,5% so với mục tiêu kế hoạch 5 năm); Đàn bò: 119.493 con, đạt 99,3 % KH, tương đương so với CKNN (vượt 37,8% so với mục tiêu kế hoạch 5 năm); Đàn gia cầm: 17.613 ngàn con, đạt 116,5 % KH, tăng 8,3 % so với CKNN (vượt 125 % so với mục tiêu kế hoạch 5 năm); Tổng sản lượng thủy sản thu hoạch từ nuôi và khai thác: 294.948 tấn, đạt 95,9 % KH, bằng 95 % so với CKNN (vượt 17,8 % so với mục tiêu kế hoạch 5 năm); Trồng mới 10,63 ha rừng, đạt 100 % KH, tổng diện tích đất có rừng 1.906,6 ha, giảm 72,3 ha so với cuối năm 2019 chủ yếu do người dân khai thác rừng sản xuất.


          Kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU về phát triển kinh tế - đô thị 03 vùng của tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030: Tiếp tục thực hiện các giải pháp tổ chức lại sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, thực hiện liên kết sản xuất - tiêu thụ trên các sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của từng vùng, cụ thể:


          - Tại vùng phía Tây: Thông qua Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững-VnSAT đã triển khai 1.343 lớp đào tạo 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm có 50.182 lượt nông dân tham gia; có 11 tổ chức nông dân/HTX được hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị, các công trình thủy lợi, giao thông nông thôn đã đầu tư tại các tiểu dự án thực hiện năm 2018 đã bước đầu phát huy hiệu quả tốt, đáp ứng nhu cầu của người dân nông thôn; mức gia tăng lợi nhuận trung bình mỗi ha sản xuất lúa theo quy trình canh tác bền vững là 29,2% so với vùng sản xuất lúa ngoài dự án; Theo dõi tiến độ thực hiện Đề án phát triển cây sầu riêng tỉnh Tiền Giang đến năm 2025; Chuẩn bị thẩm định Đề án Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nuôi thủy sản trên đất trồng lúa khu vực phía Bắc quốc lộ 1 tỉnh Tiền Giang; Tổng hợp ý kiến của thành viên Hội đồng phản biện độc lập về 02 dự án chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ sầu riêng, xoài; Triển khai thực hiện VietGAP đối với Tổ hợp tác chăn nuôi heo Lộc Thành. Thường xuyên khảo sát tình hình nuôi cá bè, cá tra và khuyến cáo cho người nuôi các biện pháp bảo vệ thủy sản nuôi. Kết quả giá trị sản xuất đạt 22.930 tỷ đồng, chiếm 45,79 % tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh, tăng 0,17% so với năm 2019.


          - Tại vùng Trung tâm:
Tiếp tục phát triển vùng trồng thanh long tại huyện Chợ Gạo, ngành hàng rau ở huyện Châu Thành; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu vú sữa rà soát lại mã code vùng trồng (vụ 2019-2020 đã xuất khẩu 104,32 tấn). Thực hiện áp dụng VietGAP đối với 02 cơ sở chăn nuôi gà. Triển khai lập dự án chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ sản phẩm gà ác và sản phẩm chim cút trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030. Tổng hợp ý kiến của thành viên Hội đồng phản biện độc lập về dự án chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ thanh long. Thường xuyên khảo sát hoạt động nuôi cá bè cồn Tân Long, cồn Thới Sơn và khuyến cáo cho người nuôi các biện pháp bảo vệ thủy sản nuôi. Kết quả giá trị sản xuất đạt 14.058 tỷ đồng, chiếm 28,07% tổng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư của tỉnh, bằng 97,74 % so với năm 2019.


          - Tại vùng phía Đông:
Đã thực hiện cắt vụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng với diện tích 21.567 ha, trong đó cắt vụ Thu đông 21.284 ha và chuyển sang cây trồng khác 283 ha (lũy kế 44.520 ha). Phối hợp với ICAFIS thực hiện các hoạt động hỗ trợ đánh giá chứng nhận MSC cho nghề nghêu huyện Gò Công Đông (Dự kiến Tổ chức đánh giá tại Tây Ban Nha sẽ thực hiện đánh giá trực tuyến do tình hình dịch Covid-19); hỗ trợ huyện Gò Công Đông xây dựng Dự án khu bảo tồn nghêu giống, nghêu bố mẹ tại xã Tân Thành 30 ha. Thực hiện lấy mẫu quan trắc môi trường tại khu vực nuôi tôm nước lợ và nuôi nghêu. Kết quả giá trị sản xuất đạt 13.087 tỷ đồng, chiếm 26,14 % tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh, bằng 97,01 % so với năm 2019.


          Phát huy những kết quả đạt được trong năm 2020, ngành nông nghiệp đã đề ra kế hoạch hoạt động năm 2021 với mục tiêu tiếp tục thực hiện Đề án Tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp gắn với Nghị quyết 10-NQ/TU; phát triển chuỗi giá trị ngành hàng, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Đẩy mạnh sản xuất, tạo vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng, số lượng và an toàn thực phẩm cung cấp cho các doanh nghiệp xuất khẩu và chế biến nông sản; Ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, từng bước giảm thiểu ô nhiễm môi trường lĩnh vực nông nghiệp; Tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp, các hợp tác xã; Nghiên cứu đề xuất chính sách mới phù hợp thực tiễn và hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Các chỉ tiêu chủ yếu ngành phấn đấu đạt được trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp là: GRDP khu vực nông, lâm, thủy sản tăng từ 3-3,7 %; Phấn đấu có ít nhất 11 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (nâng số xã đạt chuẩn đến cuối năm 2021 là 130/143 xã); 10 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; 01 huyện được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới; Tỉ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước từ hệ thống cấp nước tập trung là 96%.


          Để đạt được mục tiêu trên, ngành nông nghiệp đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm:


          - Thực hiện mục tiêu phát triển sản xuất:
Tiếp tục thực hiện các đề án, dự án như Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU; Đề án Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang đến năm 2025; Đề án phát triển cây thanh long, sầu riêng tỉnh Tiền Giang đến năm 2025; Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nuôi thủy sản khu vực phía Bắc quốc lộ 1 tỉnh Tiền Giang và các dự án chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ các nông sản chủ lực: thanh long, sầu riêng, xoài cát Hòa Lộc, chim cút, gà ác. Thực hiện công tác hỗ trợ sản xuất như xây dựng dự án, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân áp dụng tiêu chuẩn GAP; Tiếp tục chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, chủ yếu là công nghệ cao và công nghệ sinh học; Thực hiện 08 mô hình trình diễn và 07 dự án khuyến nông; Kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi.


          - Công tác phòng chống thiên tai: Kiểm tra chặt chẽ diễn biến chất lượng nguồn nước, mực nước, mặn trên sông Tiền, sông Năm Thôn; Tận dụng các ô bao ngăn lũ và triều cường của các địa phương để ngăn mặn, trữ ngọt; Đóng các cống, đắp các đập thép ngăn mặn trên ĐT.864; Phối hợp với tỉnh Long An đắp các đập ngăn mặn trên QL62. Về nước sinh hoạt: Đối với các huyện phía Tây: Khoan giếng khai thác nước dưới đất thay thế nguồn nước mặt, đảm bảo duy trì hoạt động cấp nước; Đối với khu vực thành phố Mỹ Tho và các huyện phía Đông: Khi mặn xuất hiện đến khu vực xã Bình Đức, huyện Châu Thành mở vận hành 12 giếng khoan dự phòng; đồng thời bơm bổ cấp nguồn nước ngọt từ Kênh Sáu Ầu – Xoài Hột đảm bảo lượng nước thô để sản xuất nước sinh hoạt tại 02 Nhà máy nước Đồng Tâm và Bình Đức; Lắp đặt các tuyến ống chuyển tải tiếp nhận nguồn nước từ Nhà máy nước Đồng Tâm phân phối đến các trạm hiện hữu trên địa bàn các huyện phía Đông.


          - Về phát triển kinh tế nông thôn:
Tiếp tục củng cố, hỗ trợ nâng chất hoạt động ở các THT, HTX; Tổ chức 22 cuộc tập huấn tư vấn các quy định của pháp luật về HTX; Triển khai thực hiện hỗ trợ HTX theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg và hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho HTX nông nghiệp; Thực hiện hỗ trợ khoảng 20 dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Tiếp tục hỗ trợ các sản phẩm có lợi thế, đặc sản của địa phương phát triển thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh (đạt từ 3-4 sao), hỗ trợ nâng chất các sản phẩm 3-4 sao thành sản phẩm OCOP cấp quốc gia (5 sao); Hỗ trợ đào tạo phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP; Hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp cho 1.000 lao động nông thôn.


          - Về an toàn thực phẩm: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản; Đẩy mạnh công tác vận động, hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản áp dụng các mô hình sản xuất tiên tiến; Phấn đấu giảm 100% cơ sở của năm 2020 về trước xếp loại A/B - đủ điều kiện ATTP; tỷ lệ mẫu không đạt chiếm tỷ lệ dưới 6% trên tổng mẫu giám sát; cấp mới 10 giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.


          - Tiếp tục thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới: Theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ các xã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và huyện đăng ký phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2021 thực hiện đạt các tiêu chí./.

 

Mỹ Ngọc
Tin liên quan