Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Khoa học công nghệ nâng cao chất lượng vùng sầu riêng chuyên canh
(Ngày đăng: 18/12/2020)

Huyện Cai Lậy hiện có khoảng 9.000 ha sầu riêng chuyên canh, mỗi năm cho sản lượng trên 250.000 tấn quả phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Để phát huy tiềm năng và thế mạnh cây sầu riêng đặc sản trong công cuộc làm giàu nông thôn, bà con địa phương đã đoạn tuyệt với kiểu canh tác cổ truyền dựa vào kinh nghiệm và được chăng hay chớ, chú trọng áp dụng rộng rãi các tiến bộ kỹ thuật mới trong thâm canh nhằm đạt năng suất, sản lượng cao, nâng chất lượng nông sản tham gia thị trường trong nước và xuất khẩu.
Hệ thống tưới phun tự động lắp đặt tại vườn sầu riêng ở Tam Bình

 

          Nông dân quan tâm tuyển chọn giống tốt, trồng đúng kỹ thuật, mật độ trồng vừa phải. Cây trồng sau 5 năm tuổi cho trái bói. Những năm sau, cây càng lớn, năng suất càng cao. Hai giống sầu riêng chất lượng cao đang được trồng phổ biến ở vùng chuyên canh sầu riêng huyện Cai Lậy là giống Mong thong và Ri 6.


          Nhiều kỹ thuật mới đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang được ứng dụng rộng rãi và hiệu quả như: Sản xuất theo tiêu chí GAP, đầu tư lắp đặt hệ thống tưới phun tiết kiệm nước tự động điều khiển từ xa theo công nghệ Israel; Sử dụng các chế phẩm và phân bón vi sinh trong canh tác; Chăm sóc, phun thuốc bằng các bình phun có mô tơ và đường dây dẫn dài cho phép phun thuốc xa, đến tận những đọt cây cao, hiệu quả phòng trừ sâu bệnh cao rồi áp dụng biện pháp phủ bạt nylon kết hợp xử lý rải vụ để tránh tình trạng thu hoạch “trúng mùa, dội chợ”,…


          Ông Nguyễn Văn Của, ấp Bình Hòa B đưa khách đi tham quan khu vườn sầu riêng 3.500 m2 trồng giống Mong Thong cho biết, ông đầu tư gần 30 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới phun tự động. Khi tưới chỉ cần bật công tắc điện lên và sử dụng remote điều khiển là mô tơ vận hành hoạt động tưới nước cho cây. Tưới như thế chỉ mất có 15 phút trong khi trước kia cần phải có từ 1 đến 2 lao động kéo ống dẫn tưới cả khu vườn mất gần một ngày trời. Có nông dân còn cài đặt hệ thống điều khiển tưới phun tự động vào máy điện thoại di động có thể sử dụng tưới theo ý muốn khi đi họp hành hoặc bận việc, đi đám tiệc không có ở nhà. Hết sức tiện lợi, không cần đến công lao động hoặc có mặt trực tiếp tại vườn như trước đây.


          Theo khảo sát của Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang, các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào thâm canh cây sầu riêng giúp giảm chi phí, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế - xã hội lớn, đời sống nhân dân nâng lên. Ví dụ, ứng dụng hệ thống tưới phun tiết kiệm nước tự động điều khiển từ xa theo công nghệ Israel giúp tiết kiệm 50% lượng nước tưới, 90% công lao động và tăng thu nhập bình quân từ 5% đến 10% so với sản xuất truyền thống. Bài toán thiếu lao động nông nghiệp hiện nay ở các vùng nông thôn được giải quyết một cách căn cơ.


          Sự nhạy bén của nông dân trước những thời cơ và vận hội mới đổi đời từ loại cây trồng này mang lại đã mở ra tương lai giàu đẹp cho cả một vùng đất. Sầu riêng là cây ăn quả mỗi năm cho 1 vụ trái. Nếu trước đây, vụ chính vào khoảng tháng 5, tháng 6 âm lịch bà con thu hoạch rộ thường mất giá do trùng với mùa vụ của nhiều loại trái cây khác ở phía Nam thì ngày nay, kỹ thuật xử lý rải vụ được nông dân áp dụng rất thành công và truyền bá ra khắp cả vùng chuyên canh, là giải pháp kỹ thuật mang lại hiệu quả kinh tế lớn, tạo bước ngoặt để cây sầu riêng thăng hoa vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh.


          Cụ thể, để tránh thu hoạch chính vụ, dân địa phương có sáng kiến dùng mũ ny lon đậy gốc sầu riêng kết hợp bơm cạn nước trong vườn (dân gian gọi là siết nước) nhằm kích thích cho cây ra hoa. Người đầu tiên áp dụng là một nông dân Tam Bình: Ông Năm Dước vào thời điểm cách đây khoảng 20 năm. Thường đậy mũ nylon xử lý vào khoảng tháng 3 âm lịch. Sau 4 tuần, dỡ bỏ mũ ny lon và chăm sóc cây sẽ ra hoa. Khi cây ra hoa, nông dân tiếp tục hỗ trợ cây thụ phấn, tỉa thưa trái… để có những trái to, đẹp, chất lượng đồng đều theo yêu cầu thị trường.


          Đến tháng 9, 10 âm lịch sẽ cho thu hoạch vụ nghịch. Sầu riêng vụ nghịch bán giá cao gấp 3 – 4 lần sầu riêng chính vụ. Nhờ vậy, đã thiết thực góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của cây sầu riêng. Sáng kiến trên hiện đã được áp dụng rộng rãi trong vùng chuyên canh.


          Trồng theo tiêu chí Viet GAP, Global GAP là định hướng mới đang được khuyến khích. Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Tam Bình, địa phương được coi là một trong thủ phủ sầu riêng huyện Cai Lậy, có diện tích chuyên canh 1.400 ha. Hiện tại, xã đã thành lập được hai Tổ hợp tác trồng sầu riêng là Bình Hòa B và Bình Hòa A. Các tổ này đóng vai trò tập hợp nông dân, chuyển giao kỹ thuật canh tác tiên tiến theo hướng Viet GAP, Global GAP nhằm đảm bảo an toàn sản phẩm, đảm bảo sức khỏe, khắc phục ô nhiễm môi trường và truy xuất được nguồn gốc. Trong đó, Tổ hợp tác trồng sầu riêng Bình Hòa B đã được cấp chứng nhận Global GAP trên tổng diện tích 21,1 ha và 35 hộ trồng sầu riêng.


          Ông Võ Văn Hăng, tổ viên Tổ hợp tác sầu riêng Bình Hòa B canh tác 3.000 m2. Sầu riêng của gia đình ông trồng nay đã được 15 năm. Khu vườn trên trước đây là ruộng lúa năng suất cao. Làm lúa thu nhập thấp, giá bán bấp bênh, cuộc sống khó khăn. Từ khi chuyển đổi sản xuất sang lập vườn trồng sầu riêng đặc sản, thu nhập tăng lên gấp nhiều lần, cuộc sống ổn định và khấm khá hẳn lên.


          Ông Hăng cho biết, trung bình mỗi năm, gia đình ông thu 5 tấn quả, bán giá 60.000 đ/kg, thu 300 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi ròng trên 200 triệu đồng. Trồng sầu riêng theo tiêu chí Global GAP, ông Hăng thực hiện gần 20 phần việc khắt khe. Đáng kể như: Xây cất kho chứa vật tư nông nghiệp, nơi chứa bao bì, nơi pha chế thuốc, ghi chép sổ sách, nhà vệ sinh, được hướng dẫn sử dụng những chủng loại thuốc trong danh mục cho phép,… cùng những kỹ thuật canh tác tiên tiến khác. Qua đó, giúp nông dân thay đổi tư duy, nhận thức trong quá trình sản xuất hướng tới sản phẩm đạt chất lượng và an toàn.


          Còn ông Nguyễn Văn Nhủ, cư ngụ ấp Bình Hòa B có 5.000 m2 vườn chuyên canh sầu riêng chia sẻ: Thấy cơ hội đổi đời từ cây sầu riêng tôi mạnh dạn chuyển đổi sản xuất từ lúa sang cây trồng đặc sản. Khu vườn sầu riêng hơn 10 năm tuổi mỗi năm thu hoạch được 10 tấn quả, bán giá 60.000 đ/kg, thu 600 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi trên 400 triệu đồng.


          Ông Nguyễn Văn Của, Tổ trưởng Tổ hợp tác sầu riêng Bình Hòa B cho biết, sản xuất theo tiêu chí Global GAP là hướng đi tất yếu đối với nông dân trồng sầu riêng trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Qua áp dụng các tiêu chí, trình độ canh tác cũng như nhận thức về sự phát triển bền vững, bảo vệ môi sinh môi trường, sức khỏe và truy xuất nguồn gốc của nhân dân nâng lên. Trái sầu riêng hàng hóa tăng được khả năng cạnh tranh trên thị trường.


          Tại các xã vùng trọng điểm về chuyên canh sầu riêng của huyện Cai Lậy: Tam Bình, Long Trung, Long Tiên, Ngũ Hiệp, Hội Xuân, Cẩm Sơn,..đều đã hình thành các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp chuyên về cây ăn quả. Các hợp tác xã tổ chức lại sản xuất, khuyến khích nông dân vào làm ăn tập thể, định hướng thâm canh theo tiêu chí GAP và chuỗi giá trị…


          Hợp tác xã Sầu riêng Ngũ Hiệp (xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy) có gần 15 ha sản xuất đạt tiêu chí VietGAP vừa qua được hỗ trợ xây cất nhà sơ chế, đóng gói trái sầu riêng trên diện tích 200 m2 cho phép giảm thất thoát, nâng chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm khi tham gia thị trường. Đồng thời, Hợp tác xã sầu riêng Ngũ Hiệp còn tổ chức theo mô hình chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh bền vững, hiệu quả. Hàng năm, Hợp tác xã cung cấp cho thị trường khoảng 400 tấn sầu riêng an toàn, đạt tiêu chí VietGAP, có dán nhãn tem nhận diện sản phẩm, truy xuất nguồn gốc. Qua đó, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, nâng cao giá trị trái sầu riêng đặc sản trên thị trường.


          Theo lãnh đạo huyện Cai Lậy, địa phương đang phấn đấu trong thời gian tới, mở rộng diện tích liên kết chuỗi giá trị trên trái sầu riêng lên 3.000 ha tại các xã trọng điểm như: Tam Bình, Long Tiên, Ngũ Hiệp, Long Trung, Hiệp Đức, Cẩm Sơn, Tân Phong, Phú An,…Ngoài ra, nhằm xác lập quyền sở hữu trí tuệ, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phầm đặc sản địa phương trên thị trường trong ngoài nước, trong năm 2019 vừa qua, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cũng đã cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Sầu riêng Cai Lậy” cho Hội Làm vườn huyện Cai Lậy. Đây là bước đi quan trọng nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả vùng chuyên canh, đưa trái sầu riêng Cai Lậy lên một tầm cao phát triển mới, góp phần giúp diện mạo nông nghiệp – nông dân – nông thôn nơi đây thay đổi mạnh mẽ và ngày càng phồn vinh./.

 

Minh Trí
Tin liên quan