Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Nhà khoa học của nông dân
(Ngày đăng: 10/07/2012)
Sau 25 năm không ngừng tìm tòi, học hỏi, một nắng hai sương cùng bà con nông dân bám ruộng, TS. Lê Hữu Hải đã thành công trong việc từng bước thay đổi tập quán sản xuất cây lúa theo lối truyền thống lạc hậu mở hướng đi mới cho nền sản xuất lúa nước trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới, theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu (Global GAP).

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân thuộc huyện Cai Lậy, vùng sản xuất lúa tập trung của tỉnh Tiền Giang, nên sau khi tốt nghiệp Trường đại học Nông nghiệp Cần Thơ (năm 1984), chàng kỹ sư trẻ Lê Hữu Hải hăm hở trở về công tác tại quê nhà với hoài bão đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào đồng ruộng, giúp nông dân bớt khó khăn, vươn lên khá, giàu ngay trên mảnh đất của mình. Với bản chất thật thà, chất phác, chịu khó và rất mực khiêm tốn đã giúp Lê Hữu Hải chiếm được tình cảm quý mến, tin tưởng và sẵn sàng hỗ trợ của đồng nghiệp, của bà con nông dân trong quá trình anh thực nghiệm, trải nghiệm khoa học trên đồng ruộng. Anh Hải tâm sự: Tôi may mắn được công tác trong ngành nông nghiệp huyện từ năm 1984 đến nay, nhờ vậy, đã giúp tôi hiểu được những khó khăn mà nông dân gặp phải trong quá trình sản xuất. Từ kiến thức học ở trường giúp tôi nhận biết được những kỹ thuật canh tác nông dân đang áp dụng có đúng không, từ đó tôi tiến hành nghiên cứu, đưa ra giải pháp điều chỉnh phù hợp. Ðồng thời, để có những giải pháp kỹ thuật giúp nông dân khắc phục khó khăn trong sản xuất, trước hết phải tìm hiểu quy luật phát sinh những vấn đề khó khăn đó; xem những khó khăn của nông dân cũng chính là khó khăn của bản thân mình. Sau đó, tôi cố gắng tìm đọc các tài liệu có liên quan từ tất cả các nguồn: sách, báo, in-tơ-nét để tìm ra biện pháp giải quyết. Nếu tự mình không giải quyết được, tôi tham khảo ý kiến đồng nghiệp, những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực đó, kể cả nông dân.

Với sự miệt mài, gắn bó cùng nhà nông trên ruộng lúa, anh Hải đã rút ra được quy luật sinh trưởng, phát triển của cây trồng, của các loại côn trùng dịch hại. Từ đó, anh mày mò, nghiên cứu tìm ra biện pháp, lập kế hoạch định hướng, dự báo cho sự phát triển của cây trồng và cách phòng trừ bệnh hại. Rồi đưa ra nhiều giải pháp khoa học giúp nông dân áp dụng rộng rãi. Không những bà con nông dân ở Cai Lậy mà cả tỉnh Tiền Giang, thậm chí cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long đều mến mộ anh, xem anh như một nhà khoa học đồng hành cùng họ trong quá trình sản xuất cây lúa.

Ðó là vào năm 1997, 1998, trà lúa của huyện Cai Lậy liên tục bị chuột phá hại, khiến các nhà khoa học đau đầu, nông dân lo lắng. Qua quá trình nghiên cứu tập tính sinh hoạt và sự tinh khôn của chuột, anh Hải đã đề xuất biện pháp: Cộng đồng tham gia đánh bả đồng loạt để diệt chuột phá hại lúa, bằng cách sử dụng bả mồi là lúa mộng, dùng thuốc diệt chuột gây chết chậm và tiến hành đánh bả trên quy mô cả cánh đồng. Và biện pháp này đã ngăn chặn được nạn chuột phá lúa, đem lại các vụ mùa bội thu cho nông dân... Kế đến là dịch rầy nâu - tác nhân truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hoành hành dữ dội trên cây lúa vào thời điểm năm 2006, khiến người trồng lúa rất lo lắng, vì loại bệnh này chưa có thuốc đặc trị. Một lần nữa, anh Hải lại lao vào nghiên cứu và anh tìm ra quy luật sinh trưởng và phát triển cũng như nguyên nhân rầy nâu có thể truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá là khi cây lúa còn dưới hai mươi ngày tuổi. Anh nói: Muốn phòng trừ dịch hại phải quản lý được dịch hại. Cũng như muốn trị rầy nâu, phải có biện pháp quản lý rầy nâu. Sau đó, anh mạnh dạn đề xuất và thực hiện  thành công "Biện pháp gieo sạ đồng loạt né rầy" trên quy mô toàn huyện. Giải pháp này đã ngăn chặn được dịch vàng lùn, lùn xoắn lá, và được áp dụng rộng rãi ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài việc nổi tiếng là "dũng sĩ" diệt các loại côn trùng và bệnh hại trên cây lúa, có thể nói "chiến công" vang dội nhất của anh Hải chính là, anh là một trong những người đề xuất và tổ chức thực hiện thành công "Quy trình sản xuất lúa chất lượng cao, an toàn" đối với vùng sản xuất thâm canh ba vụ lúa/ năm ở Cai Lậy. Và đây cũng chính là tiền đề quan trọng để giúp HTX Mỹ Thành áp dụng thành công quy trình sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn Global GAP (sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu) - chứng nhận đầu tiên của Việt Nam và các nước sản xuất lúa gạo ở Ðông - Nam Á. Ðể đạt được thành công trên, tiến sĩ Hải đã bỏ bao tâm huyết, kiên trì, nhẫn nại ròng rã hơn mười năm trời để hướng dẫn bà con nông dân thực hiện từng chi tiết trong quy trình sản xuất lúa theo hướng bền vững, từ việc thực hiện chương trình FPR (không phun thuốc trừ sâu sớm); chương trình IPM; chương trình "Sức khỏe hạt giống"; chương trình "Cánh đồng sạch" và chương trình "Ba giảm, ba tăng". Trên cơ sở đó, tiếp tục thực hiện  thành công "Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao, an toàn, tiến đến thành lập hợp tác xã gắn kết "bốn nhà", để hạt lúa người nông dân Cai Lậy sản xuất ra có chất lượng cao, an toàn, đạt chứng nhận toàn cầu, tăng khả năng cạnh tranh khi xuất khẩu và tăng lợi nhuận cho nông dân.

Thật vậy, khi quy trình sản xuất lúa chất lượng cao, an toàn thực hiện thành công, từ 50 ha thử nghiệm ở xã Mỹ Thành Nam (Cai Lậy) được nông dân ủng hộ nhân rộng ra 500 ha và hiện nay là trên một nghìn ha trên địa bàn toàn huyện. Nói về hiệu quả của việc áp dụng quy trình sản xuất lúa nói trên, nông dân Nguyễn Văn Ðồ (ấp 7, Mỹ Thành Nam, Cai Lậy), tâm sự: "Ðến nay hầu hết nông dân trong xã đều ý thức được phương pháp sản xuất lúa chất lượng cao, an toàn đã đem lại hiệu quả, lợi ích thiết thực, giúp nông dân giảm chi phí trong sản xuất, giảm ngày công lao động trên đồng ruộng, bảo vệ sức khỏe, môi trường, nên họ sẵn sàng làm theo. Cụ thể, năng suất lúa tăng hơn phương pháp sản xuất lúa thông thường hơn 10%, chi phí sản xuất giảm hơn 50%, ngày công lao động trước đây một ha phải tốn ít nhất 20 ngày, nay tối đa chỉ 5, 7 ngày nên thực lãi trên cùng một diện tích giữa hai phương pháp là rất cao. Ðặc biệt, từ khi áp dụng quy trình này, nông dân còn có thời gian để đầu tư mở rộng chăn nuôi gia súc, gia cầm... tạo thêm thu nhập".

Hơn nữa, trong thời điểm giá lúa hè thu năm 2008 thấp, khiến nhiều nông dân điêu đứng, nhưng những nông dân áp dụng theo quy trình lúa chất lượng cao, an toàn và Global GAP lại đều "an toàn". Chủ nhiệm HTX Mỹ Thành (xã Mỹ Thành Nam, Cai Lậy) Trương Văn Bảy phấn khởi cho biết: Vụ hè thu chính vụ năm 2008, trước áp lực của chi phí sản xuất tăng cao, cộng với giá lúa giảm mạnh, nhưng xã viên HTX Mỹ Thành và những nông dân Mỹ Thành Nam nhờ áp dụng phương pháp sản xuất mới nên đều thực lãi từ 8 đến 9 triệu đồng/ha. Riêng toàn bộ số lúa của 15 xã viên, với 11,4 ha sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP đã được Công ty TNHH ADC bao tiêu với giá cao hơn giá thị trường 20%. Và từ khi HTX chính thức được cấp chứng nhận Global GAP, điều đáng mừng là nông dân không chỉ ở Mỹ Thành Nam mà cả xã Mỹ Thành Bắc, Phú Nhuận đều tin tưởng nộp đơn xin gia nhập HTX.

Hiện nay, vùng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn Global GAP đã được UBND tỉnh Tiền Giang mở rộng diện tích bước đầu 100 ha thuộc hai xã Mỹ Thành Nam, Mỹ Thành Bắc và tỉnh cũng đã hoàn thành dự án cho nông dân vay vốn không lãi để xây nhà kho, sân phơi sản xuất lúa theo tiêu chuẩn Global GAP. Công ty TNHH ADC cũng đã ký hợp đồng hỗ trợ kinh phí đầu tư cho nông dân thực hiện mở rộng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn Global GAP và bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường 20%.

Anh Hải tâm sự: Tôi rất vui khi thấy bà con nông dân đã tin tưởng vào những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, bỏ hẳn lối canh tác lạc hậu. Việc người nông dân Cai Lậy nói chung và HTX Mỹ Thành nói riêng thành công trong sản xuất hạt gạo đạt tiêu chuẩn Global GAP là bước đột phá, mở hướng đi mới cho cây lúa, hạt gạo Tiền Giang. Ðiều đó không những tạo ra điều kiện để hạt lúa của bà con tiếp cận rộng rãi ở các thị trường trên thế giới, mà cái lâu bền nhất vẫn là vấn đề bảo vệ môi trường sản xuất, bảo vệ độ phì nhiêu của đất và bảo vệ sức khỏe của người nông dân, người tiêu dùng... Ðánh giá cao kết quả này, GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng: HTX Mỹ Thành có được thành công là cả quá trình gắn kết có hiệu quả của ba thành viên trong liên minh, tổ hợp, đó là sự hưởng ứng của bà con nông dân xã viên, sự đầu tư và tận tình giúp đỡ của Công ty TNHH ADC, và sự tạo điều kiện của chính quyền địa phương.

Với những đóng góp tích cực cho nghiên cứu khoa học, cho ngành nông nghiệp và cho nông dân, TS Lê Hữu Hải được bà con coi là nhà khoa học của nông dân.

Nguồn tin : Nhân dân 01/3/2009
Tin liên quan