Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Bé yêu má đỏ hay hay như tôm luộc, bệnh gì?
(Ngày đăng: 18/12/2020)

Ngày 13 tháng 12 năm 2020, Bé Võ Kim N, 2 tháng tuổi, nhà ở huyện Gò Công Tây, Tiền Giang, được mẹ đưa đến cơ sở y tế vì gò má bé bị đỏ như tôm luộc, ngứa ngáy, quấy khóc.

 

          Mẹ bé N kể cho bác sĩ biết là bé bệnh được một tuần, mới đầu trên hai gò má xuất hiện một nốt màu đỏ, bé nằm ngủ mà hai tay cứ đưa lên mặt quàu quàu, quấy khóc, bú kém. Mẹ bé đã đi mua một loại kem dược thảo bôi lên mặt bé ba ngày nay, nhưng nốt đỏ không giảm, mà trái lại nó lan ra thành mảng đỏ khắp hai bên mặt, da khô tróc vảy, rịn nước, mẹ bé N lo lắng quá, không biết phải làm sao. Bác sĩ khám da mặt của bé thật kỹ, rồi khám toàn thân, bác sĩ hỏi tình hình sanh nở của bé ra sao? Gia đình bé có ai bệnh liên quan tới dị ứng như suyễn, mề đay, ngứa không? Bé bú mẹ hay bú bình? Tắm rửa như thế nào? Môi trường không gian sống ở phòng của bé như thế nào? Mẹ bé N cho biết bé là con so, sanh thường, cân nặng sau sinh 2,9kg, bé bú mẹ xen kẻ với bú bình, gia đình bé không ai bị dị ứng, bé chỉ dùng thuốc thoa dược thảo thôi, phòng ngủ có nhiều gối là thú bông dành cho trẻ sơ sinh. Bác sĩ nói: “Chị rất quan tâm chăm lo cho sức khỏe của bé, tìm cách mua thuốc về thoa cho bé để mong cháu khỏi bệnh, là tốt quá rồi. Tuy nhiên vì bé mới sinh, da bé còn mỏng manh, nên khi thoa thuốc gì trên da phải cẩn thận. Hiện tại cháu bị chàm sữa, bác sĩ cho thuốc cho cháu, vừa bôi, vừa uống, ba ngày sau tái khám. Chị không nên cho bé bú sữa bình nữa, mà hãy cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn trong vòng sáu tháng”.


          Chàm sữa là tên thường dùng của bà con dành cho các bé còn bú mẹ mà bị chàm, trong tây y có nhiều tên gọi khác nhau là chàm thể tạng, viêm da cơ địa, viêm da thể tạng. Đây là một bệnh viêm da mãn tính, tái đi tái lại nhiều lần. Khí bé bị chàm triệu chứng chính là ngứa. Nếu bé không ngứa thì chắc chắn không phải là bệnh chàm. Bệnh này hay gặp ở bé từ một tháng đến sáu tháng tuổi. Ban đầu da bé xuất hiện ban đỏ trên hai gò má, sau đó lan rộng ra hết mặt. Ở trẻ lớn, vết chàm được tìm thấy ở các nếp gấp khớp như khuỷu tay, cổ tay và đầu gối.


          Nguyên nhân chàm sữa phần lớn do di truyền, tức trong gia đình nếu cha hoặc mẹ bị bệnh chàm, thì con cái cũng có nhiều khả năng mắc bệnh này hơn. Những yếu tố góp phần gây bệnh chàm ở các bé có cơ địa dị ứng bao gồm: Do hàng rào bảo vệ da bị tổn thương, lớp bề mặt của da có quá ít tế bào mỡ được gọi là ceramides, nó vai trò kết dính các tế bào da với nhau như cục nam châm, nếu không có đủ tế bào này, các kẻ giữa các tế bào da với nhau bị hở, da sẽ bị mất nước, trở nên khô và là cửa ngỏ để vi trùng, virus,... xâm nhập gây kích thích phản ứng tự bảo vệ của cơ thể; Do nấm mốc, bụi, lông chó mèo bám ở mùng, mền, gối, nệm, thú bông, sàn nhà cũng kích thích phản ứng ở da gây bệnh chàm; Do các yếu tố vật lý như thời tiết, nhiệt độ nóng lạnh thay đổi đột ngột cũng kích thích da gây bệnh chàm. Một nguyên nhân dị ứng quan trọng nữa là dị ứng với thức ăn như sữa bò, trứng, hải sản... chiếm 30% trẻ nhỏ bị chàm nặng. Bệnh chàm sữa không lây, không nghiêm trọng nếu nó không bội nhiễm vi trùng.


          Đề phòng chàm sữa, bà con mình cần cho bé bú sữa mẹ sớm ngay từ lúc bé mới chào đời và kéo dài trong vòng hai năm. Sữa mẹ sẽ giúp bé chống lại các bệnh dị ứng, cũng như nâng cao sức đề kháng của bé. Nên cho bé mặc những loại quần áo mềm, chất liệu cotton dễ thấm, dễ hút mồ hôi. Giữ cho da bé luôn khô ráo, thay tã cho trẻ khi ướt. Giữ môi trường không khí trong phòng của bé thông thoáng, sạch sẽ, không để nhiệt độ phòng thay đổi đột ngột. Không cho trẻ nằm gối bằng thú bông để tránh bụi. Không nuôi chó mèo trong nhà. Ăn uống tránh các loại thực phẩm mà bé bị dị ứng. Khi bé chẳng may mắc bệnh, bà con hãy đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, không tự ý mua thuốc cho bé dùng mà chưa hỏi ý kiến bác sĩ.

 

BS. Nguyễn Thành Úc
Tin liên quan