Sáng ngày 25-9-2020, tiến sĩ Nguyễn văn Khang, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật chủ trì cuộc họp Hội đồng phản biện Đề án “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nuôi thủy sản khu vực phía Bắc quốc lộ 1 tỉnh Tiền Giang” | |
TS. Nguyễn Văn Khang phát biểu tại cuộc họp |
Đề án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) làm chủ đầu tư, đơn vị tư vấn lập Đề án là Phân viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp – PTNT).
Các chuyên gia phản biện đến từ Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh, Đại học Cần Thơ, Viện Cây ăn quả miền Nam, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh, Trường Đại học Tiền Giang đã có nhiều ý kiến phản biện, đóng góp thiết thực cho nội dung của Đề án như: Cần điều chỉnh tên gọi của Đề án cho phù hợp với sự chuyển đổi cơ cấu đất đai; quan tâm về mối liên kết giữa khu vực nghiên cứu với với tiểu vùng Đồng Tháp Mười; đề nghị bổ sung bản đồ xâm nhập mặn kết hợp đánh giá cụ thể về nội dung ngăn lũ và chống xâm nhập mặn; cần bổ sung thông tin và có giải pháp ưu tiên về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản khi đưa vào mô hình chuyển đổi; khi phân tích swot, chú ý đánh giá chính xác các yếu tố cơ hội, điểm yếu; đề nghị bổ sung bản đồ khu vực đất phèn, bản đồ sinh thái, xã hội; việc đề xuất các nhóm giải pháp phải xuất phát từ mục tiêu, từ việc phân tích thực trạng các yếu tố liên quan nhằm đảm bảo tính lô-gíc, tránh trùng lắp...
Các chuyên gia phản biện đóng góp ý kiến cho Đề án.
Phát biểu tại cuộc họp, TS. Nguyễn Văn Khang – Chủ tịch Hội đồng phản biện cho rằng, các chuyên gia phản biện đã nghiên cứu kỹ và đóng góp ý kiến rất sâu đối với nội dung Đề án. Căn cứ vào quy hoạch phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng của tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, vùng nghiên cứu của Đề án thuộc vùng phía Tây (khu vực phía Bắc quốc lộ 1) với tổng diện tích trên 99.000 ha nhưng nội dung Đề án chỉ tập trung nghiên cứu chuyển đổi sản xuất nông nghiệp cho phần diện tích kẹp giữa Bắc quốc lộ 1 - Nam cao tốc (diện tích hơn 16,9 ngàn ha) là chưa đầy đủ, cần cập nhật, bổ sung hiện trạng khu vực từ Bắc cao tốc đến giáp ranh tỉnh Long An (vùng Đồng Tháp Mười). Ngoài ra, trong từng khu vực nghiên cứu, độ phèn của đất khác nhau sẽ thích ứng với từng loại cây trồng khác nhau. Về bản đồ đất, nếu đã cập nhật phải dẫn ra thời gian; việc đánh giá thích nghi đất đai phải chồng bản đồ có cập nhật và cần bổ sung bản đồ xâm nhập mặn...