Với 5 năm không phải là dài nhưng lĩnh vực trồng trọt tỉnh nhà đã có sự chuyển dịch tích cực, nổi bật nhất là ngành hàng lúa gạo, đã góp phần thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. | |
Mô hình trình diễn “Ứng dụng máy cấy lúa kết hợp vùi phân bón” |
Với diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả hoặc đất lúa đan xen trong vùng cây ăn trái đã chuyển dần sang cây trồng khác thích nghi, hình thành và phát triển vùng chuyên canh các loại rau quả chủ lực của tỉnh, phù hợp từng vùng sinh thái. Từ năm 2016 đến nay đã có 17.843ha đất lúa chuyển sang cây trồng khác thích nghi, trong đó chuyển sang trồng rau màu chuyên canh 2.625 ha, hiệu quả cao gấp 2,2-10,5 lần so với lúa; trồng cây ăn trái 15.218 ha, hiệu quả cao gấp 2,0-16,4 lần so với lúa; về diện tích luân canh cây rau màu trên đất lúa duy trì từ 10.400 - 11.000 ha mỗi năm, hiệu quả cao gấp 2,9-5,8 lần so với trồng lúa. Từ đó giúp diện tích, năng suất và chất lượng sản phẩm trồng trọt được tăng lên, tăng hiệu quả kinh tế, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế.
Hiện nay, diện tích đất trồng lúa chuyên canh còn khoảng 70.000 ha, ngành nông nghiệp đang tập trung đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trên cây lúa như sử dụng giống xác nhận, giống chất lượng cao; sản xuất theo chương trình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”; sử dụng công nghệ sinh thái để quản lý rầy nâu và bệnh virus trên lúa,... nên năng suất bình quân tăng. Bên cạnh đó, việc cơ giới hóa các khâu làm đất, chăm sóc, thu hoạch, sấy lúa đã được ứng dụng mạnh mẽ từ năm 2010 đến nay (đã đạt 100% diện tích). Trong những năm gần đây, máy cuốn rơm, máy sạ hàng, máy phun thuốc và máy cấy lúa bắt đầu được ứng dụngnhanh (máy sạ hàng đạt trên 70%, máy phun thuốc đạt trên 98%), đây là sự chuyển biến mạnh mẽ trong ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa góp phần giảm chi phí, giảm tổn thất sau thu hoạch.
Mô hình trình diễn “Ứng dụng máy cấy lúa kết hợp vùi phân bón”
(Dự án "Vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2018-2020 và
định hướng đến năm 2025")
Đặc biệt, tỷ lệ sử dụng giống lúa cấp nguyên chủng và xác nhận là 85,9% (cấp nguyên chủng 3,9% và cấp xác nhận 81,9%). Hiện có 78,9% diện tích sử dụng giống lúa thơm, lúa chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (tập trung là vùng lúa ở các huyện phía Tây (Cái Bè, Cai Lậy, Thị xã Cai Lậy, Gò Công Tây và Gò Công Đông). Đây là sự chuyển biến tích cực trong cơ cấu giống lúa của tỉnh, góp phần nâng cao phẩm chất gạo, đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu thụ lúa, gạo trong và ngoài nước.
Từ kết quả trên cho thấy, việc thực hiện kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp các năm qua về mặt sản lượng phát triển vững chắc trong điều kiện nhiều khó khăn như thời tiết bất lợi, hạn hán, xâm nhập mặn sâu kéo dài; dịch bệnh diễn biến phức tạp; chi phí đầu vào sản xuất nông nghiệp tăng. Công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới liên tục được triển khai và truyền thông rộng rãi trong nhân dân, người dân có nhu cầu tiếp thu cao và hăng hái ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; Từ đó đã thúc đẩy sự gia tăng năng suất sản xuất và hiệu quả lao động nông thôn, phát triển kinh tế của địa phương. Một số mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ có hiệu quả cao; đã gắn hợp tác xã, doanh nghiệp với các mô hình liên kết chuỗi sản xuất - tiêu thụ đã góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Hoạt động xúc tiến, quảng bá sản phẩm, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, công tác tìm kiếm và mở rộng thị trường ngày càng được chú trọng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, còn có tồn tại là chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành có bước biến chuyển nhưng còn chậm. Tư duy và trình độ sản xuất của một số nông hộ chưa đáp ứng kịp với các ứng dụng sản xuất mới, sản xuất theo công nghệ cao; sức cạnh tranh của sản phẩm còn thấp. Diện tích đạt chứng nhận theo tiêu chuẩn GAP còn thấp. Kết cấu hạ tầng khu vực nông nghiệp nông thôn dù đã tập trung đầu tư nhưng so với thực tế vẫn còn yếu; kết cấu hạ tầng phục vụ bảo quản, chế biến, kho, bến bãi chậm phát triển, công nghệ chế biến quy mô nhỏ, thiết bị chưa theo kịp tình hình mới. Năng lực sản xuất mạnh về sản lượng nhưng yếu tố chất lượng còn bất cập, thị trường tiêu thụ bấp bênh. Liên kết phát triển sản xuất - tiêu thụ chưa bền vững; chuỗi cung ứng còn bất cập nên những tổn thất trong quá trình thu hoạch, chế biến, lưu trữ vận chuyển còn cao.
Nguyên nhân của các tồn tại là do diện tích canh tác của nông dân vẫn còn ở quy mô nhỏ lẻ, chưa tập trung, rất khó chuyển giao khoa học kỹ thuật và khó tạo thành vùng sản xuất đồng bộ tạo ra sản lượng đủ lớn để phục vụ yêu cầu thu mua của doanh nghiệp. Tư duy, tập quán sản xuất của một bộ phận nông dân chậm đổi mới, chạy theo phong trào, chưa chủ động tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất, tính liên kết thấp, chưa quen với hình thức hợp đồng liên kết cũng như tuân thủ các điều khoản hợp đồng. Các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp do có tỷ suất sinh lợi thấp mà rủi ro cao. Nguồn lực để triển khai thực hiện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa đảm bảo. Thị trường xuất khẩu thiếu ổn định, sức mua thị trường nội địa khá lớn nhưng chưa chú trọng.
Bài học kinh nghiệm rút ra qua 5 năm thực hiện tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo là cần giải quyết tốt vấn đề thị trường tiêu thụ là tiền đề quyết định cho phát triển sản xuất và thúc đẩy tăng trưởng; kế đến là tổ chức lại sản xuất, tạo liên kết ngang và liên kết dọc bền vững, sản xuất theo chuỗi giá trị; Có sự phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm cao giữa các ngành, các đoàn thể và địa phương; Phát huy vai trò của người đứng đầu trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị đoàn thể và phát huy vai trò chủ thể của người dân.
Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới ngành hàng lúa gạo thực hiện các mục tiêu là xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo truy xuất nguồn gốc cho trên 50% diện tích; Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất đạt ít nhất 30% diện tích; Thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, gắn kết chuỗi sản phẩm hàng hóa từng bước tham gia sâu vào chuỗi giá trị; Chú trọng công nghiệp chế biến; Xác định biến đổi khí hậu và nước biển dâng là xu thế tất yếu phải thích nghi để từ đó có giải pháp tương ứng.
Để thực hiện được các mục tiêu trên, cần tập trung các giải pháp như phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung theo chuỗi giá trị; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh. Tiếp tục mời gọi, thu hút đầu tư gắn với củng cố, phát triển các mô hình kinh tế hợp tác đảm bảo hiệu quả và phát triển bền vững. Tăng cường các biện pháp bảo vệ thương hiệu hàng hoá xuất khẩu, nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Tăng cường, khuyến khích các hoạt động về đầu tư chế biến, xúc tiến thương mại và phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ. Tiếp tục thực hiện các đề án, dự án của tỉnh nhất là dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa; Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nuôi thủy sản khu vực phía bắc Quốc lộ 1 tỉnh Tiền Giang; Đề án Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông, tỉnh Tiền Giang đến năm 2025./.