Ngày 4-7-2020, bé Nguyễn Tấn Đ, 30 tháng, nhà ở phường 9, thành phố Mỹ Tho bị sốt 3 ngày, bỏ ăn, chảy nước dãi nhiều, hôm nay cháu quấy khóc, mẹ chợt nhìn thấy họng đóng trắng, hoảng hốt nghĩ con mình bị bệnh bạch hầu nên vội đưa đi khám bác sĩ. Sau khi khám bằng cây đè lưỡi và rọi đèn vào họng bé, bác sĩ nói: “Bé bị viêm họng có nhiều mủ đó chị, không phải bệnh bạch hầu. Trong cổ họng của bé bị sưng đỏ, trên bề mặt niêm mạc họng có các chấm màu trắng đục nhưng không bám chắc vào họng, nó dễ tróc ra và không bị chảy máu khi tôi dùng cậy đè lưỡi để cạy nó. Giờ tôi cho toa thuốc 3 ngày rồi khám lại nhé”. | |
Vòm họng bệnh nhân bạch hầu. Ảnh: sưu tầm |
Về chuyên môn, bệnh bạch hầu gây ra do vi khuẩn Corynebacterium diphtheria, có hình que, ưa môi trường có không khí. Khi vi khuẩn xâm nhập hầu họng, nó tấn công niêm mạc hầu họng tạo ra một màng màu trắng nên bệnh có tên là bạch hầu (Vùng hầu họng có màu trắng). Bệnh bạch hầu cũng lây qua đường hô hấp bởi những giọt bắn khi người bệnh ho, hắc hơi, xì mũi; hoặc lây gián tiếp qua bề mặt và nó có vị trí tấn công đầu tiên là vùng hầu họng. Khác với Covid-19, bạch hầu là vi khuẩn chứ không phải virus. Vi khuẩn bạch hầu có có khả năng sống độc lập trong môi trường bên ngoài cơ thể vật chủ, sống lâu hơn, ở môi trường bên ngoài nó sống từ 7 ngày cho đến 6 tháng, nên cơ hội lây nhiễm cao hơn. Nhưng rất may mắn là bạch hầu đã có vaccine từ hơn 100 năm nay và có kháng sinh uống dự phòng cho người tiếp xúc nên chúng ta hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa hiệu quả bệnh này. Triệu chứng ban đầu là mệt mỏi, chán ăn, đau họng và sốt nhẹ 38oC. Trong 2-3 ngày sau thì có một màng màu trắng, hơi xanh hình thành và lan rộng, từ một mụn nhỏ trên a-mi-đan, sau đó nó phủ hết vòm miệng, khi người bệnh tới bác sĩ thì nó đã chuyển sang màu xanh xám hoặc đen vì có chảy máu. Nếu bà con cố gắng chạm vào màng trắng này thì thấy nó bám rất chắc vào họng, nếu cạy nó tróc ra là nó chảy máu. Nếu màng trắng này lan rộng nhiều thì có khả năng bít đường thở gây tác nghẽn đường thở, không thở được. Một số bệnh nhân có thể tự khỏi trong giai đoạn màng giả, một số khác lại biến chứng nặng hơn và chết do độc tố rất độc của vi khuẩn.
Độc tố của bạch hầu có tên là Diptheria Toxin, nó thường tấn công vào các tế bào trong cơ thể, hủy hoại tế bào, đặc biệt là tế bào cơ tim và dây thần kinh ngoại biên. Độc tố bạch hầu có thể gây các tổn thương sau: Viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh dẫn truyền cơ tim, tử vong do đột ngột ngưng tim, trụy tim mạch. Một số bệnh nhân bị viêm cơ tim và van tim, sau nhiều năm gây ra bệnh tim mãn tính và suy tim. Thoái hóa thận, hoại tử ống thận, chảy máu lớp tủy và vỏ thượng thận. Tắc nghẽn đường hô hấp và gây tử vong trong vòng 6-10 ngày. Biến chứng viêm dây thần kinh xảy ra ở dây thần kinh vận động, làm bệnh nhân bị yếu liệt tay chân, cơ hô hấp và thường hồi phục hoàn toàn nếu bệnh nhân không tử vong vì các biến chứng khác. Liệt màn khẩu cái (màn hầu) thường xuất hiện vào tuần thứ ba của bệnh. Liệt các dây thần kinh vận động mắt, cơ tay chân và liệt cơ hoành có thể xảy ra vào tuần thứ năm của bệnh. Viêm phổi và suy hô hấp có thể xuất hiện do hậu quả của liệt cơ hoành. Tỉ lệ tử vong chung của bạch hầu là 5-10%.
Từ năm 1900, vaccine bạch hầu đã được sản xuất và tới năm 1921 thì sử dụng nhưng không rộng rãi. Sau đó vaccine bạch hầu được phối hợp với vaccine uốn ván và ho gà được sử dụng đại trà vào năm 1940, làm cho số ca bệnh hầu giảm đáng kể trên thế giới. Từ năm 1985, vaccine bạch hầu được Việt Nam đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, do đó bệnh bạch hầu ở nước ta chỉ xuất hiện rải rác, thường tăng vào lúc chuyển từ mùa mưa sang mùa lạnh, chủ yếu ở các vùng tỉ lệ tiêm chủng thấp, vùng xa xôi, hẻo lánh đi lại khó khăn.
Để phòng bệnh bạch hầu bà con mình lưu ý: Đưa các cháu đi tiêm đủ 3 mũi vaccine bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT) hoặc vaccine phối hợp có bạch hầu (DPT-VGB-Hib, Td) đủ mũi tiêm và đúng lịch. Nên tiêm nhắc lại DPT cho bé từ 18 tháng trở lên. Thường sau tiêm ngừa khoảng 10 năm, kháng thể bạch hầu trong cơ thể giảm sút, có khả năng mắc bệnh nên lúc cần thiết nên tiêm ngừa trở lại. Đối với những người mắc bệnh, phải nhập viện điều trị, cách ly ít nhất 2 ngày sau điều trị kháng sinh thích hợp, theo dõi và điều trị biến chứng. Vệ sinh phòng ở, đồ dùng cá nhân, đồ chơi… bằng dung dịch sát khuẩn, mang khẩu trang khi tiếp xúc người ho, cảm, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Người dân trong ổ dịch cần thực hiện nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế./.