Trong 06 tháng đầu năm 2020, ngành nông nghiệp Tiền Giang đã đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Trước diễn biến tình hình hạn mặn đã diễn ra rất gay gắt và phức tạp, ảnh hưởng đến tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh, gây khó khăn cho sản xuất; tình hình tiêu thụ một số mặt hàng nông sản bị ảnh hưởng bởi thị trường Trung Quốc do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 và có thời gian cách ly xã hội do dịch Covid-19 nên phần nào đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các hoạt động nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên với sự lãnh, chỉ đạo tập trung quyết liệt sâu sát của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay các nội dung công việc cơ bản đã được triển khai thực hiện và đạt kết quả nhất định. | |
Hội thảo Trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất cây ăn trái thích ứng biến đổi khí hậu tại xã Tam Bình, huyện Cai Lậy. |
Lĩnh vực trồng trọt: Do ảnh hưởng hạn, mặn, diện tích gieo trồng và sản lượng một số loại cây trồng thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái (CKNN): Cây lúa: Diện tích xuống giống 136.187 ha, đạt 80,07 % KH, bằng 86,6 % so CKNN; diện tích thu hoạch 79.289 ha, năng suất 64,5 tạ/ha, sản lượng 511.426 tấn, đạt 49,26 % KH, bằng 76,9 % so CKNN. Rau, màu các loại: Diện tích xuống giống 37.150 ha, đạt 64,4 % KH, bằng 87,4 % so CKNN; thu hoạch 32.029 ha, sản lượng 614.957 tấn, đạt 52,9 % KH, bằng 84,3 % so CKNN. Cây ăn trái: Diện tích hiện có 80.157 ha, đạt 97,08 % KH, tăng 3,9 % so CKNN; sản lượng thu hoạch 772.258 tấn, đạt 50,02 % so KH, bằng 97,9 % so CKNN(nguồn: Sở NN&PTNT). Hiện việc tiêu thụ hầu hết các loại trái cây vẫn còn chịu sự tác động của tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và áp lực về sản lượng vào mùa thu hoạch chính vụ. Giá các sản phẩm trái cây phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu như sầu riêng, mít, thanh long ruột đỏ,... thấp hơn 12.000-21.000 đ/kg so với CKNN.
Lĩnh vực chăn nuôi: Đàn heo 323.001 con, đạt 67,47 % KH, bằng 65,6 % so CKNN; đàn bò 118.875 con, đạt 98,7 % KH, bằng 98,8 % so CKNN và đàn gia cầm 16 triệu con, đạt 105,9 % KH, tăng 8,9 % so CKNN(số liệu của Cục Thống kê tỉnh thời điểm 6/2020). Giá heo thịt xuất chuồng dao động 8,2-9,2 triệu đồng/tạ, tương đương so với cuối năm 2019; giá gà giảm từ 5.000-19.000 đ/kg tùy loại.
Mô hình Nuôi xen canh tôm càng xanh toàn đực – lúa thích ứng biến đổi khí hậu
tại xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông.
Lĩnh vực thủy sản: Diện tích thả nuôi 11.466 ha, đạt 73,03 % KH, bằng 94,4% so CKNN; sản lượng nuôi và khai thác 142.872 tấn, đạt 46,47 % KH, bằng 99,7 % so CKNN(nguồn: Sở NN&PTNT). Tình hình xâm nhập mặn chưa ảnh hưởng trực tiếp đến vùng sản xuất, ương dưỡng giống nhưng đã gián tiếp gây ảnh hưởng đến mùa vụ sản xuất, ương dưỡng giống chậm hơn so với cùng kỳ hàng năm. Diện tích thả nuôi thủy sản11.466 ha thấp hơn so với CKNN (bằng 94,4 %). Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid- 19, giá nhiều loại thủy sản vẫn ở mức thấp, trong đó giá nguyên liệu phục vụ chủ yếu cho xuất khẩu như tôm nước lợ và cá tra bị ảnh hưởng nhiều nhất từ dịch Covid-19 do nhiều doanh nghiệp chế biến bị hoãn, hủy hoặc không có đơn hàng mới. Giá cá tra nguyên liệu hiện dao động từ 17.500 – 19.000 đ/kg (thấp hơn giá thành từ 1.000-4.500 đ/kg và thấp hơn CKNN từ 5.000-7.000 đ/kg), các hộ nuôi gia đình khó xuất bán cá trong thời điểm này; giá cá điêu hồng thương phẩm hiện ở mức thấp, từ 31.500-32.000 đ/kg (giá thành từ 31.000-33.000 đ/kg), người nuôi không có lãi.Hiện tại, một số nước như Trung Quốc, Mỹ đã bắt đầu mua tôm lại nhưng người nuôi vẫn cân nhắc việc thả nuôi, nuôi rải vụ trong thời điểm này.Về khai thác, thời tiết khá thuận lợi cho việc đánh bắt thủy hải sản, nhất là đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc đánh bắt, tiêu thụ thủy sản của ngư dân, giá bán nguyên liệu có giảm so với trước nhưng nhiều ngư dân vẫn phải bám biển, duy trì đánh bắt để có nguồn thu, đảm bảo cuộc sống.
Lĩnh vực an toàn thực phẩm: qua thẩm định, kiểm tra không có cơ sở xếp loại C,tỷ lệ cơ sở xếp loại C hiện đã giảm 9,1% theo kết quả xếp loại C cuối năm 2019 (KH năm 2020 là giảm ít nhất 10%). Cụ thể cuối năm 2019 có 22 cơ sở xếp loại C, đến nay còn 20 cơ sở loại C, có 02 cơ sở loại C đã được nâng lên hạng A/B và được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Tỷ lệ mẫu không đạt chiếm 1,6 % (KH tỷ lệ mẫu không đạt ≤6%).
Lĩnh vực nông thôn mới: Trong 6 tháng đầu năm 2020, có 08 xã được công nhận và tổ chức lễ công bố đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh 99/143 xã, đạt 67,83% tổng số xã trên địa bàn tỉnh. Số tiêu chí đạt bình quân toàn tỉnh là 16,97 tiêu chí/xã (tăng thêm 0,27 tiêu chí so với thời điểm năm 2019). Công tác kiểm tra, hỗ trợ các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, huyện đạt chuẩn nông thôn mới, thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020 đã được thực hiện thường xuyên.
Các lĩnh vực khác như: khuyến nông, thú y, bảo vệ thực vật... được thực hiện tốt, đảm bảo yêu cầu cho phục vụ sản xuất.
Trước tình hình diễn biến thời tiết, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, vì vậy, 6 tháng cuối năm ngành nông nghiệp sẽ tập trung thực hiện nhiệm vụ để đạt mục tiêu đặt ra. Cụ thể:
- Cây lúa: Tiếp tục chăm sóc 55.289 ha lúa vụ Hè thu đã xuống giống, phấn đấu đạt năng suất kế hoạch đề ra; theo dõi tiến độ xuống giống vụ Thu đông (dự kiến xuống giống 2.200 ha) theo đúng lịch thời vụ và cơ cấu giống khuyến cáo.
- Cây màu thực phẩm: Tiếp tục xuống giống 20.540 ha; sản lượng thu hoạch còn lại 546.543 tấn.
- Cây ăn trái các loại: Chăm sóc tốt vườn cây hiện có để đạt sản lượng thu hoạch còn lại là 771.512 tấn.
- Chăn nuôi: Ước cuối năm 2020, đàn heo 478,75 ngàn con, đàn bò 120,34 ngàn con và ổn định đàn gia cầm 16 triệu con.
- Thủy sản: Tiếp tục thả nuôi 4.234 ha, sản lượng nuôi và khai thác đạt thêm 164.573 tấn.
- Nông thôn mới: Phấn đấu có 25 -28 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; thị xã Gò Công và thị xã Cai Lậy hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; huyện Gò Công Đông và huyện Chợ Gạo đạt chuẩn huyện nông thôn mới./.