Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Câu chuyện về ý tưởng sáng tạo cây ATM gạo Cái Bè
(Ngày đăng: 13/05/2020)

Trên 108 tấn gạo, 87 triệu đồng, 1.100 đô-la (800 USD và 300 AUD) cùng nhiều nhu yếu phẩm khác là thành quả mà Chi hội Doanh nghiệp huyện Cái Bè phối hợp với chính quyền địa phương vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm ở trong và ngoài huyện cùng kiều bào đóng góp để trao tặng trên 31 ngàn phần quà cho những hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Tình nguyện viên hướng dẫn người dân sát khuẩn trước khi nhận quà

 

          Với mong muốn hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn, người lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Chi hội doanh nghiệp huyện Cái Bè nảy sinh sáng kiến tạo ra cây ATM gạo; đồng thời, phối hợp với Ủy ban nhân dân (UBND) thị trấn Cái Bè vận động các nhà hảo tâm ở trong và ngoài huyện cùng góp sức để triển khai sáng kiến trên. Sau 3 ngày đi vào hoạt động (từ ngày 17 đến ngày 19-4-2020), Ban tổ chức đã cấp phát 5.000 phần quà (mỗi phần quà gồm: 3,5kg gạo kèm 1 phần nhu yếu phẩm) cho những hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp bởi dịch bệnh Covid-19.

 

Tình nguyện viên hướng dẫn người dân vận hành cây ATM gạo


          Ông Lê Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn bật mí cho chúng tôi biết về quá trình nghiên cứu cho ra đời cây ATM gạo như sau: Đầu tiên, Chi hội doanh nghiệp huyện Cái Bè đề nghị UBND thị trấn cùng phối hợp thực hiện cây ATM gạo. Lúc đầu, Chi hội dự kiến đặt mua máy ATM gạo do một doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh chào bán với giá 20 triệu đồng nhưng phải 10 ngày sau bên bán mới giao máy. Do đã vận động được một số đơn vị tài trợ gạo, thực phẩm cũng như đã định ngày 17-4-2020 sẽ khai trương nên Chi hội quyết định giao anh Phạm Linh Quốc (thành viên Chi hội) nghiên cứu tạo ra cây ATM gạo trong thời gian ngắn nhất có thể. Với óc sáng tạo, nhạy bén và tinh thần trách nhiệm cao, chỉ hơn 2 ngày, anh Quốc đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, giúp đơn vị phối hợp tổ chức khai trương cây gạo ATM theo đúng kế hoạch đề ra.


          Anh Phạm Linh Quốc chia sẻ: “Khi được giao nhiệm vụ nghiên cứu tạo ra cây ATM gạo trong thời gian khá ngắn (trước ngày khai trương dự kiến 3 ngày), tôi gần như chạy đua với thời gian. Theo đó, trong ngày 15-4 phải lên bản vẽ thiết kế, tính toán chi tiết; ngày 16-4, lắp ráp, chạy thử và hoàn thiện trong đêm để đến sáng ngày 17-4 đưa vào vận hành”.

 

Trao quà cho người dân.


          Ông Phan Kha, Phó Chủ tịch Chi hội Doanh nghiệp huyện Cái Bè thông tin: “Sau sau khi kết thúc đợt cấp phát gạo tại UBND thị trấn Cái Bè, với mong muốn tiếp tục chia sẻ yêu thương để không hoàn cảnh khó khăn nào bị bỏ lại phía sau, từ ngày 21-4 đến ngày 5-5, chúng tôi quyết định di chuyển cây ATM gạo đến 5 khu vực khác thuộc huyện Cái Bè gồm: Mỹ Lợi A, Hậu Mỹ Bắc A, Thiện Trí, Tân Thanh, Hậu Mỹ Phú nhằm hỗ trợ người dân các xã còn lại trong huyện cùng một số địa phương tiếp giáp với huyện Cái Bè”.


          Điểm nổi bật khác của cây ATM gạo Cái Bè qua quan sát của chúng tôi cho thấy, công tác tổ chức được thực hiện khá chu đáo, bài bản. Cặp hành lang phía trước trụ sở UBND thị trấn, trong khi lực lượng công an, quân sự làm nhiệm vụ giữ trật tự, đoàn viên thanh niên của thị trấn cùng các tình nguyện viên trực tiếp hướng dẫn người dân xếp hàng (trong các sạp che nắng) đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2 mét, mang khẩu trang và rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn theo đúng quy định trước khi nhận quà; đồng thời, Trạm Truyền thanh thị trấn mở loa tuyên truyền liên tục hướng dẫn người dân cách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 khi đến nhận quà. Việc cấp phát quà không phân biệt thành phần, địa bàn cư trú, không tổ chức nhận dạng qua camera… Đặc biệt, trường hợp người cao tuổi, người khuyết tật… không đi lại được, Ban tổ chức phân công người mang quà đến trao tại nhà.


          Qua cách làm của Ban tổ chức cây ATM gạo ở huyện Cái Bè cho thấy tính sáng tạo trong triển khai; đồng thời, công tác tổ chức được thực hiện bài bản, khoa học; đặc biệt, đơn vị phối hợp đã khơi dậy đúng lúc tính tương trợ, sự cộng đồng trách nhiệm trong mỗi người dân và doanh nghiệp. Chỉ trong một thời gian ngắn, Ban tổ chức đã vận động được hàng trăm doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, kiều bào cùng đồng hành với hoạt động thiện nguyện trên. Và hoạt động mang ý nghĩa nhân văn này đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa sâu rộng, để rồi nhiều cây ATM gạo sau đó được nhân rộng ra nhiều địa phương khác trong tỉnh mang theo thông điệp: “Chia sẻ yêu thương để không ai bị bỏ lại phía sau”.

 

Huỳnh Văn Xĩ
Tin liên quan