Những ngày qua chứng ta chứng kiến dịch Covid-19 xâm nhập vào nước ta từ một nguồn lây ngoài Trung Quốc, đã tạo ra một không khí hoảng loạn trong xã hội từ Bắc chí Nam, người người đổ dồn đi mua sắm tích trữ lương thực thực phẩm, tâm lý bất an thể hiện rõ trên mặt của mọi người, vì sao vậy? Chúng ta thử tìm hiểu một số nguyên nhân và có thể đưa ra một ứng xử thích hợp. | |
Tại sao chúng ta hoảng loạn?
Con người dễ hoảng loạn khi đối mặt với những dịch bệnh lây lan nhanh và có tỷ lệ tử vong cao hơn bình thường. Một phần vì họ không rõ chính phủ và ngành y tế có thể ngăn chặn và đẩy lùi được dịch bệnh hay không, một phần là phản xạ tự vệ trước những nguy cơ mà ta chưa hiểu biết tường tận. Về khoa học, sự sợ hãi có thể liên quan đến hạch hạnh nhân (amygdala) – một bộ phận nằm sâu trong não người, đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý cảm xúc (như nỗi sợ) và những mối nguy hiểm mới. Khi gặp nguy hiểm, lo lắng, bất an thì não sẽ tiết nội tiết tố kích thích tuyến thượng thận tiết ra Adrenaline, nó có tác dụng kích thích các hoạt động trong cơ thể con người như nó làm giản nở đường thở để phổi hấp thu nhiều oxy hơn, nhịp thở nhanh hơn, tim đập nhanh hơn và huyết áp tăng lên, để bơm máu nhiều hơn giúp cơ thể có sức mạnh đối đầu với hiểm nguy. Chúng ta từng chứng kiến một người khi bình thường rất yếu đuối, nhưng khi gặp biến cố sợ hãi có thể phóng một cái qua hàng rào trên hai mét, hay nhảy qua con mương hai đến ba mét để chạy thoát thân, vì sao người ta tự nhiên lại có sức mạnh tức khắc như vậy? Chính là nhờ tác dụng của Adrenaline, một bản năng tự vệ của con người.
Để chiến thắng nỗi sợ hãi chứng ta nên làm gì?
Chỉ còn một cách là đối đầu với nó. Hiểu nó và chiến thắng nó. Vấn đề ở đây là đối đầu bệnh tật mới xuất hiện. Chúng ta thường sợ hãi, hoảng loạn trước những gì chưa biết rõ. Dịch Covid-19 mới xuất hiện chưa được 4 tháng nhưng đã lan ra trên100 nước toàn Thế giới, hàng trăm ngàn người mắc bệnh, trên năm ngàn người tử vong và vẫn tiếp tục tăng hàng ngày. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố Covid-19 là đại dịch. Đại dịch hay Pandemic là một từ có nguồn gốc từ Hy Lạp, trong đó Pan ("tất cả") và demos ("người"), là thuật ngữ được sử dụng khi dịch bệnh lây lan tới nhiều quốc gia và lục địa cùng một lúc, không phải chỉ vì mức độ lây lan của nó mà còn là sự nguy hiểm của nó đối với toàn cầu. Rõ ràng đại dịch lần này là rất nguy hiểm, rất nghiêm trọng. Ai nghe cũng sợ, cũng phải lo lắng, có người tâm thế hoảng loạn. Chúng ta không thể ngăn bản thân cảm thấy sợ hãi, vì đó là một phần trong cơ chế sinh học của con người. Nỗi sợ giúp chúng ta cảnh giác và đề phòng hơn. Tuy nhiên, chúng ta cần phải ứng xử như thế nào trước nỗi sợ và cảm xúc của mình một cách đúng đắn? Để ứng xử đúng với nỗi sợ, điều quan trọng nhất đó là phải xử lý thông tin thật tốt. Chúng ta tránh tâm lý hùa theo đám đông, tức là những suy nghĩ hoặc hành vi của mình chịu ảnh hưởng của những người khác. Người ta thường chạy theo những cái mà số đông cho là hay, là đúng, nhưng bản thân lại không suy nghĩ về ý nghĩa của sự việc đó là đúng hay sai, thấy người ta làm gì thì mình bắt chước làm theo. Thấy người ta đổ xô đi mua sắm lương thực, thực phẩm, vơ vét hết các của hàng để dự trữ, thì tự nhiên mình làm theo mà không đắn đo suy nghĩ. Hậu quả là trong một thời gian ngắn hàng hóa tự nhiên thiếu hụt, những người buôn bán gian dối tranh thủ tăng giá, sản xuất hàng giả, găm hàng, thu lợi bất chính, xã hội bất an.
Để tránh tình trạng hoảng loạn hiên nay, chúng ta cần suy nghĩ lại. Chúng ta sẽ bị thiếu đói không?
Chắc chắn là không thiếu. Vụ lúa Đông Xuân 2020 đã và đang thu hoạch ở các tỉnh Miền Tây, vụ này bà con trúng mùa. Riêng các tỉnh ven biển chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn thì khó khăn hơn, nhưng bà con và chính quyền đã chủ động ứng phó từ trước tết nên đã chủ động giảm thiệt hại. Còn một tháng nữa là bước vào mùa mưa, bà con Miền Tây có thể bước vào gieo sạ vụ hè thu, với các giống lúa ngắn ngày hiện nay từ 95 – 110 ngày thì thu hoạch, khoảng tháng 9-10 là chúng ta có lúa để ăn. Việt Nam là nước xuất khẩu lúa gạo lớn của thế giới, từ giống, phân đều không phụ thuộc vào nguyên liệu sản xuất nước ngoài, cho nên khả năng sản xuất tự cung tự cấp hoàn toàn có thể giúp dân mình không thiếu đói. Thực tế trong nhiều năm qua nước mình chứng kiến biết bao thiên tai, bão lụt, nhiều làng mạc bị chia cắt, cuộc sống người dân nơi thiên tai bị mất nhà cửa, ruộng vườn, nhưng rõ ràng không có người dân nào bị chết đói, chết rét. Lúc đó chính phủ và mọi người dân đều chung tay góp công, góp của cứu trợ, cung cấp lương thực, quần áo, nhu yếu phẩm cho đồng bào vượt qua hiểm nghèo. Ngay lúc xã Sơn Lôi, Vĩnh Phúc hay phố Trúc Bạch của Hà Nội, người dân bị cách ly cũng không thiếu thốn bất cứ thứ gì, từ tiền ăn chính phủ cấp hàng ngày, đến nhu yếu phẩm của mọi người gửi vào. Tinh thần thương người như thể thương thân, lá lành đùm lá rách của dân tộc mình luôn được thể hiện từ Nam ra Bắc. Vậy chúng ta sợ gì mà phải cố tích trữ lương thực? Còn các nhu yếu phẩm khác thì hiện nay các nhà máy, xí nghiệp, siêu thị đều có hàng hóa dự trữ ít nhất trong 3 tháng nữa, đó là sự khẳng định của Chính phủ khi có cuộc họp thống nhất của các nhà doanh nghiệp sản xuất trong nước vừa qua. Sau 3 tháng tất nhiên chúng ta không những vẫn tiếp tục sản xuất mà còn tăng cường sản xuất để đáp ứng nhu cầu người dân ngày càng lớn.
Sự sợ hãi thứ hai là sợ bệnh. Chúng ta có sợ bệnh không?
Tất nhiên là có, ai cũng sợ bệnh. Nhất là bệnh Covid-19 hiện nay. Tuy nhiên chúng ta có thể phòng tránh được khi chúng ta hiểu biết thấu đáo. Chúng ta biết ai cũng có thể mắc bệnh, nhưng có người nhẹ, có người nặng, có người không bị nhiễm dù tiếp xúc gần với người bệnh. Nó phụ thuộc vào phương pháp phòng ngừa đúng cách và khả năng đề kháng của cơ thể chúng ta. Chính phủ, ngành y tế và các đơn vị truyền thông đã hướng dẫn chi tiết các thông tin Covid-19 đến tận từng người dân, Bộ y tế thường xuyên nhắn tin vào hàng triệu điện thoại cá nhân để hướng dẫn mọi người phòng dịch, trên mạng Bộ lập hẳn một trang chuyên về Covid-19 để cập nhật tin tức của nước ta và toàn Thế giới, đó là thông tin rõ ràng, minh bạch, giúp mọi người phòng chống bệnh hiệu quả. Chúng ta thấy có rất nhiều thông tin chi tiết, cụ thể, như đường lây bệnh là đường nào, khi nào mắc bệnh, triệu chứng bệnh ra sao, làm gì khi mắc bệnh, điều trị ở đâu, số điện thoại tư vấn, cách ly như thế nào, phòng bệnh như thế nào, rửa tay như thế nào, trong bao lâu, rửa bằng nước gì, còn mang khẩu trang cũng vậy, mang khi nào, khẩu trang gì, cách mang, cách tháo khẩu trang, tiếp xúc gần là bao xa... Chưa bao giờ mọi người có nguồn thông tin thiết thực và chính xác như thế. Chính phủ và các ngành chức năng đang ra sức bảo vệ chúng ta, quyết liệt ngăn chặn và đẩy lùi dịch Covid-19, chúng ta đã làm tốt giai đoạn đầu, giờ là giai đoạn hai, khi nguồn lây không phải chỉ một nước, mà từ nhiều nước khác, kể cả nguồn lây trong cộng đồng chúng ta. Mỗi người dân phải có ý thức trách nhiệm với cộng đồng, không được vì sự ích kỷ cá nhân, sợ cách ly, sợ ảnh hưởng tới công việc làm ăn của mình mà hại thân và hại cả cộng đồng. Chúng ta đặt niềm tin vào chính phủ và các ngành chức năng, thì chúng ta sẽ không còn hoảng sợ nữa. Hãy góp tay chung sức cùng mọi người ngăn chặn dịch Covid-19 và chiến thắng nó.
Hết sức bình tĩnh, không hoảng loạn là chúng ta đã góp phần không nhỏ vào công cuộc chống dịch Covid-19 hiện nay./.