Hưởng ứng chủ trương của Nhà nước về giải cứu nông sản nhằm góp phần hỗ trợ đầu ra cho nông dân trước tình hình dịch bệnh Covid-19, từ đầu năm 2020, lò bánh mì Trường Phú (số 14, đường Giồng Dứa, P.7, TP. Mỹ Tho, Tiền Giang) cùng một số cơ sở sản xuất bánh mì khác trên địa bàn TP. Mỹ Tho bắt tay vào sản xuất bánh mì có sử dụng nguyên liệu là thanh long ruột đỏ. | |
Ông Đặng Trí Trung với mẻ bánh mì thanh long ruột đỏ mới ra lò |
HIỆU QUẢ BƯỚC ĐẦU
Anh Đặng Trí Trung - chủ lò bánh mì Trường Phú cho biết, sau khi sản xuất thành công bánh mì thanh long lạt, anh tiếp tục mày mò cho ra nhiều dòng bánh mì thanh long ngọt (được tạo hình những con vật dễ thương như: tôm, cua, rùa, cá…) rất được khách hàng ưa chuộng. Hiện tại, mỗi ngày, Trường Phú cho ra lò đều đặn 1.000 ổ bánh mì thanh long ruột đỏ (và trên 10.000 ổ bánh mì truyền thống) với giá bán lẻ từ 5-10 ngàn đồng/ổ, gồm: Bánh mì thanh long ruột đỏ lạt (không sữa, đường); bánh mì thanh long ruột đỏ ngọt và bánh mì thanh long ruột đỏ chấy đường.
Bánh mì thanh long ruột đỏ lạt
Theo anh Trung, khi bắt tay vào thực hiện, do chưa có kinh nghiệm nên anh phải mất thời gian thử nghiệm để điều chỉnh các thành phần nguyên liệu đầu vào sao cho phù hợp. Nhưng với sự quyết tâm của mình, cuối cùng, anh cũng đã tạo ra những ổ bánh mì thanh long ruột đỏ với hương vị và chất lượng rất khác biệt. Theo anh Trung, quy trình sản xuất một ổ bánh mì thanh long cũng tương tự như bánh mì truyền thống, nguyên liệu cũng bao gồm: Bột mì cao cấp, bột nổi, muối, bơ, sữa, đường… chỉ khác là sử dụng nước ép từ trái thanh long để trộn bột thay cho nước lọc và thời gian nướng cũng ngắn hơn so với bánh mì truyền thống (trong cùng điều kiện nhiệt độ). Tuy nhiên, để tạo ra một ổ bánh mì thanh long phù hợp với thị hiếu, khẩu vị của thực khách (chỉ phần ruột bánh có màu đỏ tím tự nhiên với vị thơm, ngọt đặc trưng của thanh long trong khi bánh không bị khô, cứng khi để nguội…) theo anh Trung là cả một nghệ thuật.
Lúc đầu, nhiều khách hàng cảm thấy lạ lẫm với thông tin về “Bánh mì thanh long” nhưng khi nhìn thấy sản phẩm khá lạ mắt và mong muốn chia sẻ khó khăn với nông dân qua sản phẩm “giải cứu” này nên một số người cũng muốn dùng thử, sau thấy ngon lại dùng nhiều và thường xuyên hơn.
Anh Trung cho biết, hiện tại có nhiều khách hàng muốn đăng ký làm đại lý tiêu thụ bánh mì thanh long ruột đỏ do cơ sở anh sản xuất, trong khi đó, qua khảo sát của chúng tôi, một số lò bánh mì khác trên địa bàn TP. Mỹ Tho cũng có sản xuất bánh mì thanh long ruột đỏ xen kẽ với bánh mì truyền thống nhưng số lượng còn khá ít, nguyên nhân chủ yếu có thể là do khách hàng chưa có thông tin về sản phẩm hoặc có thể do chất lượng chưa phù hợp với khẩu vị của họ…
LUẬN BÀN VỀ VẤN ĐỀ “GIẢI CỨU”
Theo tính toán của anh Trung, để làm ra 20 ổ bánh mì, anh cần khoảng 1kg thanh long. Như vậy, mỗi ngày, để sản xuất ra 1.000 ổ bánh mì, cơ sở của anh sử dụng khoảng 50kg thanh long. Sản lượng thanh long tiêu thụ như thế cũng còn khá khiêm tốn.
Trái cây ở Đồng bằng sông Cửu Long xuất thô hoặc chỉ sơ chế chiếm tỷ lệ còn cao.
Chúng tôi hy vọng mô hình sản xuất bánh mì thanh long như Trường Phú sẽ tiếp tục được nhân rộng; đồng thời, mong muốn mọi người hãy một lần dùng thử bánh mì thanh long ruột đỏ để cảm nhận và cùng hưởng ứng, chia sẻ về chủ trương giải cứu của Nhà nước. Nếu mỗi ngày, chỉ cần 30% dân số của tỉnh Tiền Giang (trên 1,7 triệu người) ăn bánh mì thanh long hoặc sử dụng bánh mì thanh long thay thế bánh mì truyền thống (mỗi người ăn 1 ổ), thì lượng thanh long tiêu thụ có thể đạt trên 2,5 tấn/ngày (chưa kể người tiêu dùng là khách du lịch). Sau đó nhân rộng ra các tỉnh, thành khác thì hiệu quả “giải cứu” nông sản cho nông dân, trước hết là đối với thanh long sẽ mang lại hiệu quả thiết thực hơn.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn kinh tế, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng , “giải cứu” nông sản chỉ là giải pháp tình thế và không thể kéo dài mãi (căn bệnh trầm kha này đã kéo dài hơn 10 năm nay rồi và không khéo sẽ trở thành mãn tính).
Theo chúng tôi, để chữa căn bệnh trầm kha trên (thay vì “giải cứu”), trong dài hạn, cơ quan chức năng cần phối hợp triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, bao gồm: Quy hoạch vùng trồng nguyên liệu gắn với dự báo nhu cầu thị trường; liên kết trong sản xuất, tiêu thụ (thành lập HTX nông nghiệp kiểu mới) gắn với đa dạng hóa các sản phẩm chế biến theo chuỗi giá trị xuất khẩu (doanh nghiệp); sản xuất, chế biến nông sản theo hướng an toàn (GAP) và nên ưu tiên thực hiện theo hình thức hợp đồng; hạn chế cung ứng hay xuất khẩu nông sản thô dưới hình thức tiểu ngạch (rủi ro cao như hiện nay)…
Rõ ràng sản xuất nông nghiệp mà phải giải cứu xét trên tổng thể là chưa đạt hiệu quả và chưa vận hành theo cơ chế thị trường. Thế nhưng, nếu không muốn dùng liều thuốc “giải cứu” để chữa căn bệnh mãn tính về tiêu thụ nông sản, đòi hỏi Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp phải vào cuộc một cách quyết liệt hơn, sao cho trong điều kiện bình thường hay trong trường hợp bất khả kháng (thiên tai, dịch bệnh…), người dân vẫn có bánh mì thanh long (hay khoai môn), bánh tiêu sầu riêng, trà xoài (hay bánh xoài)… để dùng và nông sản thì ít bị tác động, phụ thuộc vào thị trường, giá cả…