Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Sản xuất thông minh là sản phẩm của cách mạng công nghiệp 4.0
(Ngày đăng: 09/03/2020)

Khác với các cuộc cách mạng công nghiệp trước, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có đặc điểm: Hoạt động đổi mới sáng tạo diễn ra và lan tỏa nhanh hơn, làm cho tốc độ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển theo cấp số nhân; chi phí sản xuất giảm và nền tảng sản xuất tích hợp liên ngành trở nên phổ biến; tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến tất cả các nước và ở tầm hệ thống trong nhiều lĩnh vực từ sản xuất, quản trị doanh nghiệp cho đến quản lý nhà nước. Từ đó, nền sản xuất thông minh dựa trên công nghệ số dần được hình thành, đây là thành quả cũng là sản phẩm trung tâm của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư 4.0.
Nhà máy sản xuất công nghiệp thông minh

 

          Cơ hội và thách thức


          Cách mạng công nghiệp 4.0 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Đổi mới sáng tạo công nghệ sẽ giúp tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ mới, năng suất lao động tăng. Chi phí truyền thông, vận tải, thương mại giảm, chuỗi cung ứng và dịch vụ hậu cần hiệu quả giúp mở ra nhiều thị trường mới, sẽ mang đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp. Người tiêu dùng trở thành trung tâm của thị trường khi nền kinh tế phát triển theo xu hướng phục vụ theo yêu cầu của từng người dùng.


          Tuy nhiên, theo các nhà khoa học và quản lý Tp. Hồ Chí Minh, bên cạnh đó cách mạng công nghiệp 4.0 cũng tạo ra nhiều thách thức lớn. Các công việc hàng ngày ngày càng được thay thế bằng robot (một số tính toán dự báo sẽ có khoảng gần 50% công việc hiện nay bị thay thế bằng robot) sẽ dẫn tới sự phân hóa của thị trường lao động theo xu hướng kỹ năng cao/trả lương cao, kỹ năng thấp/trả lương thấp. Mặt khác, vì đổi mới sáng tạo là động lực chính thúc đẩy sự phát triển (hơn cả vốn và lao động) nên các nhà đổi mới sáng tạo, nhà đầu tư và cổ đông sẽ hưởng lợi nhiều nhất. Điều nầy lại càng phân hóa bất bình đẳng trong thu nhập không chỉ giữa nhóm thu nhập cao với nhóm thu nhập thấp mà cả giữa nhóm thu nhập cao với nhóm thu nhập khá (tầng lớp trung lưu) trong xã hội.


          Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tác động toàn diện lên các ngành kinh tế nhưng mạnh mẽ hơn trong tương lai, gồm: Nhóm ngành năng lượng, công nghiệp chế tạo, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, y tế, giáo dục - đào tạo.


         
Tác động đến doanh nghiệp


          Các nền tảng công nghệ mới tạo ra các thách thức mới để đáp ứng yêu cầu và phục vụ thị trường; đồng thời, phá vỡ chuỗi giá trị hiện hữu của các ngành công nghiệp. Nhiều nhà sáng tạo - là đối thủ cạnh tranh - nhờ tiếp cận các nền tảng thế giới số sẽ nhanh chóng nghiên cứu, phát triển, chế tạo, tiếp thị, bán hàng, phân phối những sản phẩm mới chất lượng hơn, đáp ứng nhanh hơn và giá cả hợp lý hơn, sẽ loại bỏ những đối thủ trên thị trường. Khách hàng cũng ngày càng đòi hỏi sự minh bạch, yêu cầu cao và đặc thù nên doanh nghiệp phải thay đổi cách thức thiết kế, tiếp thị, phân phối và thực hiện dịch vụ hậu mãi. Một trong những xu thế chính gọi là nền kinh tế chia sẻ (hay nền kinh tế theo yêu cầu) đang phát triển và tiếp tục lan rộng, dựa trên nền tảng công nghệ số kết nối bên cung và bên cầu của thị trường. Điều này làm thu hẹp ranh giới giữa doanh nghiệp cung cấp với cá thể cung cấp, dẫn đến phá vỡ cấu trúc nền công nghiệp hiện hữu.


          Nhìn chung, có 4 tác động chính đến doanh nghiệp. Đó là nhu cầu của khách hàng; cải tiến sản phẩm; hợp tác đổi mới sáng tạo và cấu trúc tổ chức sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.


          Tác động đến chính quyền


          Nền tảng công nghệ mới giúp nâng cao vai trò người dân trong xã hội. Người dân ngày càng thể hiện chính kiến, yêu cầu chính sách, liên kết với nhau, thậm chí có thể giám sát chặt chẽ hoạt động của chính quyền. Nhiều quy định luật pháp, chính sách hiện hữu sẽ không còn đáp ứng trong giai đoạn phát triển với tốc độ nhanh chóng này. Các vấn đề về an ninh cũng nổi lên như an ninh thông tin, an ninh mạng.


           Các thách thức trên đòi hỏi chính quyền phải nắm bắt xu thế phát triển, dự báo những tác động sẽ xảy ra, hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, người dân trong xây dựng pháp luật, hoạch định chính sách và cùng phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh.


         
Tác động đến con người


          Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động lớn đến con người như tính riêng tư, quan niệm về sở hữu, cách thức tiêu dùng, thời gian dành cho công việc và nghỉ ngơi, phát triển nghề nghiệp và kỹ năng, quan hệ giao tiếp.


          Một trong những vấn đề hiện rất được quan tâm là tính riêng tư khi mà toàn bộ thông tin về một người đều có trên không gian ảo. Hoặc về vấn đề phát triển nghề nghiệp, việc làm, khi mà sau 4 năm học đại học thì hơn một số kiến thức đã lạc hậu, hoặc hơn một số kỹ năng nghề nghiệp hiện nay không còn đáp ứng cho yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0./.

 

KS. Nguyễn Văn Re
Tin liên quan