Sản xuất và tiêu thụ lương thực, thực phẩm an toàn là nhu cầu bức xúc của người sản xuất, người tiêu dùng hiện nay, vì nó liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe con người thông qua bữa ăn hàng ngày và môi trường sống. | |
Sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap |
Rau là một lọai thực phẩm tuy không phải chủ yếu nhưng không thể thiếu được trong bữa cơm của mọi gia đình, nó cung cấp vitamin, chất khoáng…giúp ngon miệng, tiêu hóa tốt hơn, vì vậy sản xuất rau an toàn để cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho mọi người là mối quan tâm của người sản xuất.
Sau đây là những vấn đề chúng ta cần biết về sản xuất rau an toàn để trang bị thêm những kiến thức bổ ích nhằm đảm bảo tốt sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng:
I. KHÁI NIỆM
- Rau an toàn là rau đạt phẩm cấp, chất lượng, rau phải tươi sạch, không bụi bẩn, không dập nát, lẫn tạp, sâu bệnh.
- Sản phẩm rau an toàn phải có 4 yếu tố không được vượt quá ngưỡng cho phép theo tiêu chuẩn vệ sinh y tế của FAO và WHO là:
1. Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV);
2. Vi sinh vật gây bệnh (E.coli, Samonella,…) và ký sinh trùng đường ruột (trứng giun, sán,…);
3. Hàm lượng Nitrat;
4. Hàm lượng kim loại nặng (chì, Cadium, Asen, thủy ngân,…).
II. ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT
1. Đất trồng:
Không chịu ảnh hưởng trực tiếp của các chất thải công nghiệp, khu dân cư tập trung, bệnh viện, nghĩa trang, khu chăn nuôi…, không nhiễm các chất độc hại cho sức khỏe con người.
2. Nước tưới:
Chỉ sử dụng nước giếng khoan, giếng đào, nước sông rạch…không bị nhiễm hóa chất và vi sinh vật gây hại.
Tuyệt đối không tưới rau từ nước thải chăn nuôi, nước thải công nghiệp, bệnh viện, khu dân cư, nước mương tù đọng.
Đối với đất trồng và nước tưới nên lấy mẫu tiến hành phân tích định kỳ đảm bảo đạt theo quy chuẩn quy định.
3. Phân bón:
- Phân hữu cơ: cần bón nhiều để đất tơi xốp và tăng độ phì cho đất. Tuy nhiên, phân phải được ủ hoai, tuyệt đối không dùng phân chuồng chưa hoai để bón, tưới cho rau.
- Phân vô cơ: sử dụng đầy đủ, cân đối phân NPK để cây đạt năng suất, chất lượng cao nhất.
Cần lưu ý không được lạm dụng phân đạm để tăng năng suất rau, không được bón đạm vượt quá yêu cầu của cây và phải ngưng bón đạm trước khi thu hoạch 10-15 ngày đối với rau ăn lá, trái, ăn củ.
Hạn chế tối đa việc sử dụng chất kích thích sinh trưởng trên rau.
4. Phòng trừ sâu bệnh:
Quản lý dịch hại bằng phương pháp tổng hợp, tăng cường sử dụng thuốc BVTV sinh học, chỉ sử dụng thuốc hóa học trong danh mục cho phép và sử dụng khi thật cần thiết, đảm bảo nguyên tắc 4 đúng (đúng lọai, đúng lúc, đúng cách, đúng liều lượng và nồng độ) để ít gây hại thiên địch vừa giúp đảm bảo năng suất vừa ít gây độc hại cho người. Tuyệt đối tuân thủ quy định ngưng sử dụng thuốc trước khi thu họach đối với từng loại rau, từng loại thuốc.
III. THU HỌACH VÀ BAO GÓI
Tùy theo từng loại rau mà có biện pháp thu hoạch và bảo quản khác nhau, nhưng phải đảm bảo các quy tắc chung sau đây:
- Thu hoạch rau đúng độ chín, loại bỏ lá già héo, trái bị sâu bệnh và dị dạng.
- Rửa kỹ rau bằng nước sạch, dùng bao túi sạch để chứa đựng. Bao bì cần phải có phiếu kiểm tra chất lượng, địa chỉ nơi sản xuất.
- Vận chuyển đến nơi tiêu thụ hoặc bảo quản với thời gian nhanh nhất.
- Cần lấy mẫu kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất để đảm bảo rau đạt “an toàn”.