Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Tiền Giang: Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD) khảo sát lập dự án hỗ trợ 2 xã khó khăn ứng phó với biến đổi khí hậu
(Ngày đăng: 02/07/2019)

Sáng ngày 26-6-2019, bà Vũ Thị Bích Hợp – Chủ tịch Hội đồng Trung tâm SRD (trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cùng các thành viên đã có buổi làm việc với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang (Liên hiệp Hội) về triển khai dự án hỗ trợ 2 xã khó khăn của tỉnh ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Tiếp và làm việc với Trung tâm SRD, TS. Nguyễn Văn Khang – Chủ tịch Liên hiệp Hội cùng đại diện các sở, ngành liên quan, đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Gò Công Đông, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Phú Đông cùng lãnh đạo xã Tân Phước (huyện Gò Công Đông) và xã Phú Tân (huyện Tân Phú Đông) - 2 xã khó khăn được chọn để lập dự án hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bà Vũ Thị Bích Hợp – Chủ tịch Hội đồng Trung tâm SRD cung cấp thông tin về những dự án do Trung tâm thực hiện trong thời gian qua.

 

          Bà Vũ Thị Bích Hợp cho biết, mục đích của buổi làm việc là Trung tâm muốn nghe đại biểu trình bày bức tranh tổng thể về tình hình BĐKH ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng như trên địa bàn tỉnh Tiền Giang thời gian qua, những tác động và những rủi ro do BĐKH gây ra để Trung tâm tiến hành có cơ sở tiến hành khảo sát, lập dự án hỗ trợ.

 

TS. Nguyễn Văn Khang – Chủ tịch Liên hiệp Hội Tiền Giang

phát biểu tại buổi làm việc với Trung tâm SRD


          TS. Nguyễn Văn Khang, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và PTNT đã thông tin về những thiệt hại do BĐKH gây ra ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng như trên địa bàn tỉnh Tiền Giang thời gian qua. Đặc biệt, theo TS. Nguyễn Văn Khang, đợt xâm nhập mặn năm 2016, Tiền Giang có hơn 2/3 diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng (trong đó, 2 huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông bị ảnh hưởng nặng nề nhất), tổng thiệt hại ước tính trên 100 tỷ đồng (gần 4.000 ha lúa bị mất trắng; nhiều diện tích rau màu, cây ăn trái bị thiệt hại; người dân thiếu nước sinh hoạt trong 4 tháng…). Nếu dự án hỗ trợ người dân trữ nước ngọt vào mùa khô gắn với với chuyển đổi cây trồng ngắn hạn, sử dụng nước tiết kiệm sẽ góp phần đảm bảo sinh kế, nâng cao đời sông cho người dân ở nông thôn.


          Đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Gò Công Đông cho biết, cuối vụ Đông xuân 2015-2016, Gò Công Đông là một trong hai huyện của tỉnh bị thiệt hại nhiều nhất do hạn mặn; trong đó, xã Tân Phước có 447 ha lúa, trên 10ha hoa màu, cây ăn trái bị thiệt hại. Huyện đề nghị ngành chức năng nghiên cứu lai tạo giống lúa chịu được hạn, mặn; đồng thời, quan tâm phục tráng những giống lúa mùa xưa của địa phương. Đại diện Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện tân Phú Đông đề nghị Trung tâm hỗ trợ người dân ở xã Phú Tân về nước sinh hoạt (xã hiện có 75% hộ dân tiếp cập hệ thống cấp nước tập trung); hỗ trợ địa phương khắc phục tình trạng sạt lỡ bờ sông, bờ biển; đồng thời, nghiên cứu một số giống cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng địa phương vì đến năm 2025, Tân Phú Đông sẽ không còn đất sản xuất lúa do thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.


          Chiều cùng ngày, Trung tâm SRD cùng Liên hiệp Hội Tiền Giang tiến hành khảo sát thực tế tại một số ấp của xã Tân Phước và xã Phú Tân làm cơ sở để triển khai bước lập dự án hỗ trợ cho 2 địa phương này ứng phó với biến đổi khí hậu từ nguồn vốn tài trợ của Chính phủ Đức.

 

 

Huỳnh Văn Xĩ
Tin liên quan