Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Đề xuất giải pháp chuyển đổi cây trồng, nuôi thủy sản trên nền đất lúa tại các huyện phía tây, tỉnh Tiền Giang
(Ngày đăng: 25/05/2019)

Ngày 15 tháng 5 năm 2019, Sở NN&PTNT phối hợp với UBND TX. Cai Lậy tổ chức Hội thảo “Đánh giá tình hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nuôi thuỷ sản trên nền đất lúa tại các huyện phía Tây, tỉnh Tiền Giang”. Mục đích Hội thảo giúp nông dân nắm cụ thể hiện trạng chuyển đổi và các vấn đề phát sinh, tình hình thị trường, nguyện vọng của bà con nông dân… để đề xuất biện pháp và giải pháp cho thời gian sắp tới nhằm tạo điều kiện cho việc chuyển đổi phát huy hiệu quả và bền vững.

 

          Các huyện phía Tây của tỉnh bao gồm các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, Châu thành và thị xã Cai Lậy có tổng diện tích đất nông nghiệp là 11.522 ha, với 66 xã, phường, thị trấn. Trong đó, đất trồng lúa 42.849 ha, đất trồng cây lâu năm 66.775 ha và đất trồng cây hang năm khác là 1.896 ha.


           Tổng diện tích đất nông nghiệp phía Bắc Quốc lộ 1A là 63.494 ha, chiếm 56,9% diện tích toàn vùng, trong đó, vùng giữa Quốc lố 1A và đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có diện tích 11.210 ha thuộc địa bàn 29 xã các địa phương trên.


           
THỰC TRẠNG CHUYỂN ĐỔI


           Giai đoạn 2016-2018 toàn vùng chuyển đổi 5.832,31 ha, trong đó chuyển đổi sang cây ăn trái các loại 4.853,6 ha và nuôi thủy sản 978,63 ha, trong đó:


           - Vùng giữa Quốc lộ 1A và đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chuyển đổi 1.679,25 ha.


          - Phía Bắc đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận 4.153,06 ha (theo quy hoạch: 1.853,98 ha; không theo quy hoạch tại vùng chuyên canh lúa: 2.299,08 ha.


         
 Hiệu quả kinh tế trong thời gian chuyển đổi (2016-2018)


           Đối với rau màu và cây ăn trái các loại: Chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm với diện tích hàng năm khá lớn, đặc biệt là cây mít. Tuy nhiên, đến nay chưa thể đánh giá hiệu quả do cây trồng chưa cho thu hoạch ổn định, ngoại trừ một số cây có thời gian kiến thiết cơ bản ngắn, lợi nhuận đem lại gấp 8 đến 10 lần so với trồng lúa, như năm 2018: xoài gấp 12,4 lần, bưởi da xanh 11,4 lần, sầu riêng 17 lần, mít 10,9 lần.


           Đối với thủy sản: Trong 2 năm trở lại đây người sản xuất cá giống, đặc biệt là ương giống cá tra đem lại lợi nhuận cao. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sau khi đào ao 1 - 2 năm đầu nuôi thủy sản đạt hiệu quả cao, những năm sau (ao cũ, ô nhiễm môi trường đất, nước,…) thủy sản nuôi thường xảy ra dịch bệnh, người nuôi bị thua lỗ.


           
Các vấn đề bất cập phát sinh trong chuyển đổi


           Ở lĩnh vực trồng trọt:


           - Đối với khu vực quy hoạch trồng lúa, chỉ kiểm soát lũ để thu hoạch xong vụ Hè Thu trước 15/9 thường là lúc lũ lên cao và đạt đỉnh. Vì vậy, biện pháp thủy lợi trước đây đối với nơi nầy là kiểm soát lũ không triệt để. Do vậy, việc chuyển đổi tự phát tại vùng nầy dẫn đến rất nhiều rủi ro, nguy cơ ngập lũ rất cao, dẫn đến khả năng thiệt hại hoàn toàn.


           - Sự chuyển đổi ngoài quy hoạch dẫn đến sự không hài hòa về lợi ích giữa sản xuất lúa và cây trồng chuyển đổi trong bộ phận nhân dân, việc điều tiết nước tưới không đồng bộ của các loại cây trồng, khó kiểm soát côn trùng gây hại, ảnh hưởng đến sản xuất trong nội bộ ngành.


           - Chuyển đổi rời rạc, không tập trung, khó ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, chi phí sản xuất cao.


         - Các cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến sản phẩm cây trồng chuyển đổi tại vùng mới còn hạn chế về số lượng cũng như quy mô và công nghệ.


           - Theo dõi, quản lý chuyển đổi cây trồng trên nền đất lúa ở dịa phương chưa đầy đủ, khó khăn trong công tác thống kê, rà soát diện tích cây trồng chuyển đổi.


           - Một số cây trồng chuyển đổi mới chưa được đánh giá khả năng thích nghi.


           Ở lĩnh vực thủy sản:


           - Do người dân tự phát nuôi thủy sản nên diện tích sản xuất thường nhỏ lẻ, không tập trung và nằm xen trong vùng trồng lúa, trồng cây ăn trái nên nguy cơ nhiễm thuốc bảo vệ thực vật.


           - Biên độ triều các kênh, rạch nơi sản xuất thủy sản thường thấp nên chất lượng nước không tốt, có khả năng dễ phát sinh dịch bệnh.


           - Người dân sản xuất giống nuôi thủy sản chưa được đào tạo, tập huấn kỹ thuật, chủ yếu học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, nên trong quá trình nuôi dịch bệnh thường xảy ra, xổ sả nước thải không qua xử lý khả năng lây lan dịch bệnh cao.


           - Cơ sở hạ tầng, điều kiện sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định.


           - Giá cá tra giống không ổn định, lúc thiếu giống thì giá cao, lúc giống nhiều khó bán, giá rẻ khiến người dân bị thua lỗ.


           DỰ BÁO TÌNH HÌNH CHO THỜI GIAN TỚI


           1. Về khí hậu, thủy văn:


           - Vùng phía Tây của tỉnh phía Bắc Quốc lộ 1A thuộc huyện Cái Bè, Cai Lậy hàng năm chịu ảnh hưởng của lũ từ tượng nguồn đổ về.


           - Biến đổi khí hậu, nước biển dâng là một trong những thách thức lớn đối với sản xuất trồng trọt của vùng. Việc xây dựng hệ thống các công trình thủy lợi để kiểm soát lũ và triều cường là giải pháp cấp bách cần phải tiếp tục đầu tư và xây dựng hoàn chỉnh để tăng cường khả năng dẫn ngọt, tiêu úng, bảo vệ sản xuất, nhất là trong điều kiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng rau, cây ăn trái như hiện nay.


           2. Thị trường:


           - Nhu cầu tiêu thụ rau, quả ngày càng tăng, tính trung bình tăng khoảng 3,6%/năm. Tuy nhiên, yêu cầu của thị trường ngày càng cao đối với chất lượng nông sản, cần đảm bảo an toàn thực phẩm và cải tiến chất lượng cũng như mẫu mã sản phẩm.


           - Thị trường Trung Quốc có khả năng sẽ giảm vào những năm tới do đã dần tự chủ được nguồn rau, quả trong nước và yêu cầu nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc.


           3. Về quản lý sâu bệnh:


          Sâu bệnh gây hại trên các loại cây trồng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát nếu không thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý hữu hiệu giữa cây lúa và các loại cây ăn trái.


           CÁC NHÓM GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM


           Trước tình hình bất cập như trên và dự báo tình hình cho thời gian sắp tới, Hội thảo thống nhất đề xuất các giải pháp như sau:


           
1. Công tác tuyên truyền:


         - Tổ chức tuyên truyền, vận động người nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng đúng quy hoạch, hình thành vùng chuyển đổi tập trung gắn với việc đầu tư cơ sở hạ tầng tương ứng.


           - Đối với vùng lúa chuyên canh, vận động nông dân tiếp tục duy trì và phát triển vùng lúa chất lượng cao, hình thành vùng sản xuất lúa tập trung, an toàn, sản xuất theo chuỗi cung ứng - sản xuất - tiêu thụ và thực hiện luân canh cây rau màu các loại để tăng thu nhập, cải tạo đất.


         
 2. Về quy hoạch, đề án, dự án:


           - Khuyến cáo không mở rộng diện tích cả cây ăn quả và thủy sản để tập trung đầu tư hạ tầng và kỹ thuật cũng như gắn kết với thị trường tiêu thụ, cụ thể;


           - Giữ vững vùng sản xuất lúa ổn định (lúa chất lượng cao và đặc sản) với ứng dụng công nghệ cao để nâng cao chất lượng lúa gạo;


           - Rà soát, điều chỉnh phát triển thủy lợi tỉnh Tiền Giang đến năm 2020;


           - Lập Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại khu vực Bắc Quốc lộ 1A các huyện phía Tây tỉnh Tiền Giang;


           3. Về giải pháp kỹ thuật:


          - Tăng cường chuyển giao giống cây trồng mới, các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, sản xuất an toàn và truy xuất nguồn gốc;


           - Hướng dẫn nông dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc, quản lý tốt các đối tượng sâu bệnh hại.


           4. Về khoa học và công nghệ:


           - Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao vào phục vụ sản xuất.


         - Xây dựng và phát triển thương hiệu đối với các sản phẩm hàng hóa, tập trung thế mạnh trên địa bàn nhằm nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.


           5. Tổ chức sản xuất, xúc tiến thương mại:


          - Khuyến khích, hướng dẫn doanh nghiệp hình thành liên kết dọc; phát triển liên kết ngang, tạo điều kiện hỗ trợ để hình thành chuỗi giá trị.


          - Phân tích, tìm hiểu thị trường tiêu thụ, hỗ trợ quảng bá sản phẩm; khuyến khích, hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến nông, thủy sản gắn với sản xuất công nghiệp và thị trường tiêu thụ ổn định.

 

 

KS. Nguyễn Văn Re
Tin liên quan