Trải qua 25 năm, khuyến nông Tiền Giang đã có bước phát triển và đạt được những kết quả đáng trân trọng, đã tập trung đầu tư theo hướng khai thác tối đa tiềm năng phù hợp với đặc điểm tự nhiên của từng vùng. Các hoạt động khuyến nông ngày càng được nâng cao về chất lượng và hiệu quả giúp trình độ sản xuất của nông dân ngày càng cao. Nội dung thực hiện chủ yếu là xây dựng mô hình trình diễn; đào tạo, tập huấn, hội thảo, tham quan học tập; phối hợp với các cơ quan truyền thông trong và ngoài tỉnh tuyên truyền kết quả mô hình. | |
Nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao. |
Thời gian qua, khuyến nông đã xây dựng 3.200 mô hình trình diễn với trên 19.115 hộ nông dân tham gia, tổ chức trên 33.755 cuộc tập huấn, hội thảo cho trên 1.021.000 lượt nông dân dự, tổ chức trên 1.209 chuyến tham quan học tập cho trên 43.857 lượt nông dân, biên soạn và cấp phát trên 1.750.000 ngàn tài liệu khuyến nông các loại, thu âm hộp thư khuyến nông với trên 240 câu hỏi đáp/12 hộp thư/năm, xuất bản Tờ Thông tin Khuyến nông 04 số/năm.
Khuyến nông kịp thời cập nhật các tiến bộ kỹ thuật mới, các nội dung thực hiện đều dựa vào định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh theo từng thời kỳ. Giai đoạn trước đây sản xuất theo kinh nghiệm, nhỏ lẻ, sử dụng giống địa phương, tự cung tự cấp, hiệu quả không cao. Sau 1994, tập trung thực hiện 03 chương trình kinh tế ngành nông nghiệp là: chương trình phát triển kinh tế lúa gạo, chương trình kinh tế vườn, chương trình phát triển chăn nuôi; Xác định 2 cây, 2 con chủ lực để phát triển gồm cây lúa chất lượng cao, cây ăn quả đặc sản, chăn nuôi heo, gia cầm và bò (bò thịt và bò sữa). Từ năm 1999 bắt đầu tập trung vào cơ giới hoá trong sản xuất lúa, sản xuất rau an toàn và phát triển thuỷ sản. Những năm gần đây, thực hiện theo Nghị quyết 10-NQ/TU về phát triển kinh tế đô thị 03 vùng của tỉnh Tiền Giang đến 2020 và định hướng đến năm 2030, Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang thực hiện công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật gắn với các cây, con chủ lực của tỉnh, phù hợp với lợi thế của từng vùng, tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, liên kết chuỗi trong sản xuất giúp nông dân áp dụng đạt hiệu quả cao hơn.
Cây lúa: Sử dụng giống lúa cấp xác nhận, bón phân cân đối, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sạ thưa, sạ hàng, “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, xuống giống tập trung đồng loạt né rầy, trồng hoa sinh thái trên bờ ruộng, ứng dụng cơ giới hóa, máy sấy lúa, sản xuất theo GAP, ứng dụng công nghệ vi sinh, công nghệ cao (cấy lúa kết hợp vùi phân bón thông minh).
Kết quả: giảm lượng giống gieo sạ từ 200-250 kg/ha còn 120-150 kg/ha, 91,7% sử dụng giống cấp xác nhận, 100% diện tích áp dụng cơ giới hóa khâu làm đất, 100% diện tích thu hoạch lúa bằng máy và sấy, năng suất lúa qua các năm đều tăng từ 4-4,5 tấn/ha tăng lên 6-7 tấn/ha, sản lượng lúa hàng năm đạt trên 1,2 triệu tấn, giá trị sản xuất trên một ha lúa tăng từ 10 triệu đồng/ha/vụ lên 19,5 triệu đồng/ha/vụ.
Cây ăn trái: Sử dụng giống chất lượng cao thay thế những giống lạc hậu thoái hóa, bón phân cân đối, sử dụng phân hữu cơ, tỉa cành tạo tán, giữ cỏ trong vườn, quản lý sâu bệnh theo IPM, bao trái, sản xuất theo GAP, công nghệ tưới tiết kiệm, công nghệ vi sinh, trồng thanh long trên giàn,… Đã hình thành các vùng chuyên canh, chiếm 89% diện tích vườn cây ăn trái toàn tỉnh, đạt năng suất và chất lượng cao (xoài cát Hoà Lộc, vú sữa Vĩnh Kim, sầu riêng Ngũ Hiệp, khóm Tân Phước, thanh long Chợ Gạo). Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ cao dần được phát triển: 10.500 ha cây ăn trái ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, công nghệ bao trái với diện tích khoảng 4.000 ha, trồng thanh long bằng giàn với hơn 20 ha, diện tích cây ăn quả chứng nhận GAP là 668,672 ha (thanh long, bưởi da xanh, cam sành, ổi, mãng cầu xiêm, xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng).
Rau màu: Mô hình luân canh 2 lúa - 1 màu, 2 màu - 1 lúa được thực hiện trên những vùng sản xuất 3 vụ lúa; sử dụng màng phủ nông nghiệp. Đến nay, diện tích trồng rau toàn tỉnh là 58.505 ha, năng suất 18 – 20 tấn/ha, đã hình thành những vùng chuyên canh chiếm 70% tổng diện tích Long Hòa, Long Thuận (Thị xã Gò Công); Tân Đông, Tân Tây, Bình Nghị (Gò Công Đông); Long Bình Điền, Bình Phục Nhứt, Bình Phan (Chợ Gạo),… Hầu hết nông dân đều thực hiện khâu vệ sinh đồng ruộng, sử dụng phân hữu cơ (75%), áp dụng IPM (chiếm 75%), trên 80% nông dân trồng rau sử dụng giống lai F1 trong sản xuất rau ăn quả, khoảng 12.000 ha áp dụng tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân, khoảng 26.400 ha sử dụng các chế phẩm sinh học phòng trừ ruồi đục trái; sử dụng nấm đối kháng Trichoderma để phòng trị các nấm hại rễ; đưa vi sinh vật vào trong phân hữu cơ (vi sinh vật cố định đạm, nitơ, phân giải lân). Đặc biệt, trên điạ bàn toàn tỉnh có 128,064 ha diện tích rau được chứng nhận VietGAP, 104 ha đầu tư nhà lưới, nhà màng (18 nhà màng, 100 nhà lưới).
Chăn nuôi: Cải tạo giống bằng phương pháp gieo tinh nhân tạo, chăn nuôi an toàn sinh học; ứng dụng chế phẩm sinh học, hầm khí sinh học, hệ thống chăn nuôi khép kín – tự động hóa, cào phân tự động trong chăn nuôi gà đẻ, sử dụng hệ thống chuồng lạnh, máng ăn, máng uống tự động trong chăn nuôi heo, gà; như máy vắt sữa trong chăn nuôi bò sữa; chuyển giao giống mới năng suất cao thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ đó, nhiều hộ nông dân nhờ nắm vững kỹ thuật đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi với qui mô trang trại từ vài con lên vài chục con đến vài trăm con và cả ngàn con, đã hình thành vùng chăn nuôi tập trung an toàn theo hướng hàng hóa, nhiều trang trại qui mô lớn, nổi lên nhiều điển hình ở huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây… góp phần nâng tổng số đàn heo toàn tỉnh đến nay 583.883 con, đàn bò 120.765 con, đàn gia cầm 13,3 triệu con. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn ODA đã thực hiện các dự án xây dựng hầm khí sinh học giúp khắc phục tình trạng ô nhiễm trong chăn nuôi, đến nay đã xây dựng 05 máy phát điện, 05 máy tách phân trong chăn nuôi, đã xây dựng hơn 12 ngàn công trình khí sinh học cho hơn 12 ngàn hộ chăn nuôi, giúp vừa xử lý chất thải chăn nuôi có hiệu quả, không gây ô nhiễm, còn tạo ra năng lượng sạch, sẵn có như gas làm chất đốt đun nấu hằng ngày, làm nhiện liệu chạy máy phát điện để cung cấp cho sinh hoạt gia đình, mỗi năm tiết kiệm 2,2 triệu tiền chất đốt/hộ, chất thải chăn nuôi qua xử lý từ công nghệ khí sinh học còn tạo ra khối lượng lớn phân hữu cơ tốt để bón cho cây trồng, cải tạo đất.
Thủy sản: Sử dụng giống nhân tạo và thức ăn công nghiệp để ương nuôi. Nuôi tập trung theo mô hình công nghiệp và bán công nghiệp, nuôi theo VietGAP, GlobalGAP, SQF, ASC, ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao trong nuôi, đối tượng nuôi là các loài có giá trị kinh tế cao như cá tra, tôm sú, nghêu, cá bè... để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, sản lượng theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đến nay có 6.4 ha nuôi cá tra đạt chứng nhận GlobalGAP, 15.8 ha nuôi cá tra đạt chứng nhận ASC, 45.9 ha nuôi cá tra đạt chứng nhận VietGAP, 2 ha nuôi tôm thẻ chân trắng đạt chứng nhận VietGAP.
Đặc biệt trong 2 năm trở lại đây có khoảng 180ha mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh hai - ba giai đoạn ứng dụng công nghệ cao (Tân Phú Đông, Gò Công Đông), năng suất tăng từ 10-15 tấn/ha lên 40-60 tấn/ha, số vụ nuôi tăng từ 2 vụ lên 4-5 vụ/năm, lợi nhuận tăng gấp 2-3 lần, nhờ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật đã giúp chất lượng tôm được nâng lên, size tôm lớn hơn, tôm ít bệnh, ít rủi ro, giảm chi phí, bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó lĩnh vực khai thác thủy sản cũng phát triển không ngừng, khoảng 10 năm trở lại đây, qua các dự án do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ, khuyến nông đã chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật như ứng dụng thiết bị hiện đại trên tàu khai thác hải sản xa bờ (máy dò ngang, lưới rê cá dưa, đèn tiết kiệm điện, máy định vị, hầm bảo quản) giúp tăng hiệu quả khai thác 30-50%/chuyến so với chưa lắp máy.
Nhìn chung, nội dung hoạt động khuyến nông thời gian qua đã bám sát các chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp trọng điểm của tỉnh, chuyển giao thành công nhiều tiến bộ kỹ thuật mới, các biện pháp tổ chức sản xuất phù hợp đã được khuyến cáo, chuyển giao tới bà con nông dân, góp phần tăng năng suất, chất lượng nông sản, giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế theo hướng bền vững:
- Sản xuất lương thực, nhất là đầu tư thâm canh cây lúa đã thành công lớn vượt bậc về diện tích, năng suất, sản lượng và phẩm chất lúa gạo, từ chỗ thiếu đói đã ổn định, giữ vững an ninh lương thực và tham gia xuất khẩu, góp phần cùng cả nước đưa lượng gạo xuất khẩu của nước ta đứng hàng đầu thế giới.
- Hoạt động khoa học công nghệ ngày càng đi vào chiều sâu theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả và chú ý môi sinh góp phần phát triển nền nông nghiệp theo hướng bền vững. Sản xuất nông nghiệp đã sử dụng nhiều giống mới, là giống cải tiến và giống lai có năng suất, chất lượng cao... hàm lượng khoa học công nghệ trong nông sản được tăng lên, góp phần đưa sản lượng, chất lượng nông sản tăng, tạo nên thành tựu to lớn của ngành nông nghiệp tỉnh nhà, trong đó thế mạnh của tỉnh là kinh tế vườn, lúa gạo, chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản.
- Sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn từ chỗ sản xuất tự cấp, tự túc đã chuyển mạnh sang sản xuất hàng hoá gắn với thị trường tiêu thụ, hình thành những vùng chuyên canh, thâm canh theo hướng mở rộng dần về quy mô, khối lượng hàng hoá lớn, tập trung và cải thiện dần chất lượng sản phẩm từng bước đáp ứng được yêu cầu và thị hiếu của thị trường; nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh đã tham gia xuất khẩu như gạo, thịt heo, rau quả, thuỷ sản… đã mang về cho tỉnh nhà một nguồn ngoại tệ quan trọng, thật sự tạo động lực kích thích nông dân đầu tư tái sản xuất.
- Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp vài năm gần đây đã góp phần làm thay đổi tập quán canh tác, tư duy sản xuất của nông dân hướng dần đến quy trình canh tác, kỹ thuật thâm canh tiên tiến để giảm chi phí đầu vào và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, đã tạo ra hiệu ứng bước đầu, làm đòn bẩy để phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản, khẳng định tính đúng đắn, hiệu quả của hướng sản xuất này.
- Các nội dung tuyên truyền quảng bá về các mô hình khuyến nông thành công đã tác động tích cực và hiệu quả đến đời sống kinh tế - xã hội của bà con nông dân và đã tác động thực sự vào công cuộc "xóa đói giảm nghèo" ở vùng sâu, vùng xa. Những hoạt động này đã góp phần làm tăng tốc độ tăng trưởng của ngành Nông nghiệp và PTNT trung bình 6% mỗi năm.
Tuy nhiên, so với yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, những kết quả ứng dụng KHCN nêu trên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển, việc ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp còn gặp một số khó khăn:
- Các đề tài, dự án, mô hình chỉ dừng lại ở mức mô hình chưa nhân rộng do thiếu kinh phí; có ít hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm nên đầu ra bấp bênh; Khâu chế biến nâng cao giá trị nông sản ở địa phương còn hạn chế.
- Có ít doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC.
- Sản xuất đầu tư cho nông nghiệp ứng dụng CNC lớn hơn rất nhiều so với sản xuất nông nghiệp truyền thống nên nông dân không có đủ năng lực đầu tư, trong khi đó, nguồn lực từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn tín dụng trong đầu tư phát triển nông nghiệp CNC còn hạn chế; chính sách hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC vẫn chưa được cụ thể hóa để thu hút được các nguồn lực cần thiết trong phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC.
Để góp phần thực hiện thắng lợi đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, trong thời gian tới Trung tâm Khuyến nông đẩy mạnh việc đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp giúp thu nhập tăng thêm từ 20-30% góp phần xây dựng nền nông nghiệp giá trị tăng cao và phát triển bền vững.
Các nội dung hoạt động thực hiện theo định hướng Tái cơ cấu ngành, phải đáp ứng nhu cầu của người sản xuất và dựa vào quy hoạch, kế hoạch phát triển nông nghiệp - nông thôn của ngành:
- Chuyển giao theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, công nghệ sinh học thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Chứng nhận VietGAP, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
- Xây dựng cánh đồng lớn, hợp tác xã, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung phục vụ chế biến và xuất khẩu.
- Sản xuất gắn với liên kết chuỗi, tập trung sản xuất hàng hóa với chất lượng cao, an toàn, chi phí thấp, bảo vệ môi trường, hướng tới một nền nông nghiệp bền vững.
Để thực hiện được những nội dung trên, khuyến nông cần phải tham gia thực hiện các đề tài, dự án để tìm ra và nắm bắt các tiến bộ kỹ thuật mới; Phối hợp với các cơ quan nghiên cứu để kịp thời tiếp nhận các kết quả nghiên cứu khoa học ứng dụng vào sản xuất, qua đó cũng góp phần nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ khuyến nông; Xây dựng kế hoạch hoạt động khuyến nông hàng năm, 5 năm theo định hướng của ngành, đổi mới nội dung và phương pháp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho phù hợp với điều kiện và trình độ của nông dân theo hướng đơn giản, dễ hiểu, dễ làm, hiệu quả và bền vững; Xây dựng mô hình phải chú ý giải pháp nhân rộng, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết tiêu thụ, sản xuất theo yêu cầu thị trường; Tăng cường sự phối hợp với các Viện, Trường, các doanh nghiệp, các cơ quan, đoàn thể và các cấp chính quyền địa phương để tham gia thực hiện công tác khuyến nông.