Trong 7 năm qua, thạc sĩ Phạm Hồng Thơm đã nghiên cứu, sáng chế ra nhiều thiết bị, máy móc ngành cơ khí gắn với tự động hóa có tính hữu dụng cao. Trong đó, dự án sản xuất lưỡi cưa gỗ CD đính hợp kim đã giúp doanh nghiệp từng bước làm chủ công nghệ và đây cũng là lý do chính giúp anh khởi nghiệp thành công khi tuổi đời còn khá trẻ. | |
ThS. Phạm Hồng Thơm và dây chuyền cưa xẻ gỗ tự động chuẩn bị giao cho đối tác ở tỉnh Lâm Đồng. |
Để sáng tạo ra một sản phẩm mới, anh phải mất nhiều thời gian để thiết kế và lập trình mô phỏng trên máy tính. Sau khi hoàn chỉnh mô hình, anh tiến hành kết nối và gia công theo lập trình trên máy tính. Nhờ vậy, việc chỉnh sửa, hoàn thiện các phiên bản được thực hiện nhanh hơn, đỡ tốn kém chi phí hơn so với cách làm mày mò của người thợ thủ công. Khi thiết kế, ngoài chú ý đến tính năng mới của sản phẩm, vấn đề đảm bảo an toàn cho người lao động khi vận hành máy móc, thiết bị được anh đặc biệt quan tâm.
Máy mài biên dạng răng lưỡi cưa.
Giải pháp sáng tạo đầu tay của anh là “Thiết bị hẹn giờ cho quạt ôxy” vừa đảm bảo tiện lợi, vừa đảm bảo an toàn, giảm thiểu những rủi ro có thể xảy ra cho người nuôi tôm (khi một trong số những mô-tơ vận hành quạt ôxy ngưng hoạt động hoặc có sự cố mất điện, còi tín hiệu sẽ báo động để giúp người nuôi kịp thời xử lý). Giải pháp này được trao giải “Khuyến khích” Hội thi sáng tạo kỹ thuật (STKT) tỉnh Tiền Giang lần thứ X (2012 – 2013). Tiếp theo, nhiều giải pháp sáng tạo khác của anh lần lượt ra đời, được nhiều doanh nghiệp, người sử dụng đánh giá cao về hiệu quả cũng như tính năng sử dụng như: Thiết bị cân bằng động, máy mài lưỡi cưa, máy cưa CD tự động, máy cưa dĩa, máy bấm me lưỡi cưa, máy mở lưỡi cưa… Trong đó, máy cưa CD tự động do anh sáng chế có năng suất cao, được lắp thiết bị điều khiển lưỡi cưa tự động di chuyển lên xuống để cưa xẻ gỗ đạt kích thước theo ý muốn với độ chính xác cao, đảm bảo an toàn, năng suất cao gấp nhiều lần so với máy cơ (có người vận hành). Giải pháp này được trao giải Nhất Hội thi STKT tỉnh Tiền Giang lần thứ XII (2016-2017) và đạt giải Khuyến khích Hội thi STKT toàn quốc. Cũng với giải pháp này, Phạm Hồng Thơm được Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng công nhận danh hiệu “Trí thức Khoa học – Công nghệ tiêu biểu tỉnh Tiền Giang năm 2018”.
Sau những thành công bước đầu đó, để giới thiệu cũng như trình diễn các sản phẩm đã được sáng chế, anh Thơm mua đất, đầu tư một Trại thực nghiệm cưa xẻ gỗ gia công tại xã Phú Thạnh (cách trụ sở doanh nghiệp khoảng 200 mét). Tại đây, các công đoạn từ khâu dùng tời kéo gỗ, thiết bị nâng và định vị gỗ lên đường ray đến xẻ gỗ hầu như đã được tự động hóa… Hiện tại, các thiết bị, máy móc do anh sáng chế không chỉ cung ứng cho thị trường trong nước, mà còn được xuất sang Châu Phi cùng một số quốc gia khác như: Lào, Campuchia.
Theo anh Thơm, trong 2 năm 2016, 2017 là cột mốc quan trọng nhất cho sự phát triển doanh nghiệp của anh. Đây là khoảng thời gian anh dành toàn bộ nguồn lực cho dự án đầu tư “Xây dựng nhà xưởng, máy móc, thiết bị chế tạo dây chuyền sản xuất lưỡi cưa gỗ CD đính hợp kim tự động”. Tổng kinh phí đầu tư dự án hơn 1,4 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn từ quỹ khuyến công quốc gia hỗ trợ không hoàn lại 195 triệu đồng. Dự án được Cục Công nghiệp địa phương (thuộc Bộ Công thương) và Sở Công thương, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại Tiền Giang (Sở Công thương) tổ chức tổng kết, nghiệm thu vào cuối năm 2017. Quy trình sản xuất lưỡi cưa gỗ CD đính hợp kim bao gồm các công đoạn như: Dập biên dạng răng (từ thép tấm dạng cuộn); đính (hàn) hợp kim vào đỉnh răng; ram (xử lý nhiệt để đạt độ cứng thích hợp) đầu răng cưa bằng máy ram cao tầng; mài 2 mặt bên; mài biên dạng răng (đây là công đoạn quan trọng nhất). Các máy móc, thiết bị phục vụ quy trình sản xuất lưỡi cưa đều do anh nghiên cứu sáng chế ra và đây cũng là quy trình công nghệ đầu tiên của Việt Nam do doanh nghiệp của anh làm chủ.
Có thể nói, sau dự án này, Tân Phước Đông là doanh nghiệp đầu tiên trong tỉnh cũng như trong cả nước đã làm chủ được công nghệ sản xuất lưỡi cưa gỗ CD đính hợp kim tự động (thép gió) thay thế hàng nhập ngoại. Ưu điểm của lưỡi cưa đính hợp kim tự động theo anh Thơm là năng suất cưa cao gấp 4 lần lưỡi cưa thường, sau thời gian sử dụng chỉ cần mài lại (bằng máy mài tự động), không cần phải bấm me hay mở lưỡi; đặc biệt, gỗ thành phẩm sau khi cưa có độ chính xác cao, bề mặt bóng láng (tùy mục đích sử dụng có thể không cần bào lại) trong khi giá bán chỉ bằng 50% so với hàng nhập ngoại. Dự kiến, sau khi hoàn thiện dự án, mỗi năm, doanh nghiệp của anh sẽ sản xuất hàng ngàn lưỡi cưa CD đính thép gió cung ứng cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến gỗ trong cả nước.
Kỹ sư Phạm Thanh Tâm – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Tiền Giang nhận xét: Nhiều sản phẩm cơ khí do anh Thơm sáng chế như máy cưa gỗ CD, máy mài lưỡi cưa CD tự động… thị trường rất ưa chuộng; đặc biệt, việc triển khai dự án sản xuất lưỡi cưa gỗ CD đính hợp kim bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực như: Lưỡi cưa sắc, lâu mòn, gỗ sau khi cưa có chất lượng cao, bóng láng; qua đó, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng ngành chế biến gỗ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước cũng như đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. |
Được biết, theo đặt hàng của một doanh nghiệp sản xuất than tổ ong (xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành), anh Thơm đã nghiên cứu và đang hoàn thiện thiết bị “Robot gắp than đá”. Theo anh Thơm, thiết bị robot được lập trình thay thế lao động thủ công thực hiện thao tác gắp từng viên than đá từ dây chuyền sản xuất đặt lên pa-lết (khi đầy có xe nâng vận chuyển vào kho). Dự kiến, trong tháng 5-2019, anh sẽ tiến hành lắp đặt và vận hành thử thiết bị này tại dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp (giá trị hợp đồng là 900 triệu đồng cho tổng số 6 thiết bị).
(*) Bài dự thi giải báo chí Nguyễn Đức Cảnh