Tiền Giang nằm ở hạ lưu sông Cửu Long, có thế mạnh về phát triển nông nghiệp và cây ăn trái. | |
Nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao |
Là tỉnh không có nhiều lợi thế tự nhiên như các tỉnh ĐBSCL khác chỉ với bờ biển dài 32km cùng với diện tích gần 16.000 ha cồn bãi nuôi tôm, cá; nhưng nhờ có hệ thống giao thông thủy bộ thuận lợi, đặc biệt là sự nổ lực, năng động, sáng tạo trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của bà con ngư dân, của các doanh nghiệp cũng như vai trò quản lý của Nhà nước nên ngành thủy sản đã có những chuyển biến vượt bậc, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh. Chính vì thế, ngành thủy sản Tiền Giang được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Trước năm 1997, ngành thủy sản chủ yếu là khai thác ven bờ dựa vào nguồn lợi tự nhiên phong phú; hoặc thả nuôi quãng canh bằng con giống tự nhiên và sử dụng thức ăn có sẵn trong ao, quy mô nhỏ, nuôi các loài cá bản địa như rô phi, mè, trôi, trắm; nuôi theo kinh nghiệm. Sản phẩm chủ yếu để cải thiện bữa ăn gia đình và đem trao đổi buôn bán trong phạm vi hẹp. Hoạt động chế biến trong giai đoạn này chưa được hình thành.
Bắt đầu từ năm 1997, tỉnh được hỗ trợ thực hiện dự án READ (Dự án khuyến ngư nông thôn để phát triển nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL) do Ủy hội Mê Kông tài trợ. Thông qua tập huấn, tham quan, hội thảo, xây dựng mô hình thì người dân có ý thức quan tâm hơn đến nuôi thủy sản để phát triển kinh tế gia đình, từ đây đã có sự chuyển biến rõ nét trong sản xuất thủy sản ở địa phương, khởi đầu là phát triển mô hình cá - lúa, nuôi cá rô phi dòng GIFT, nuôi cá trong vùng nhiễm phèn Tân Phước và dần dần sau đó phát triển nhiều mô hình với chủng loại phong phú có giá trị hơn. Việc sản xuất giống bắt đầu phát triển, chủng loại thủy sản nuôi cũng được nghiên cứu và phát triển đa dạng hơn, công tác xã hội hóa sản xuất giống thủy sản cũng được thực hiện hàng năm thông qua các cuộc tập huấn chuyển giao công nghệ sản xuất giống thủy sản các loại cho người dân ở địa phương và thành công hơn là đã chuyển giao công nghệ sản xuất giống cá rô đồng cho 10 tỉnh trong cả nước. Giai đoạn này các nhà máy chế biến đã phát triển, sản phẩm xuất khẩu với số lượng và chủng loại ngày càng phong phú và đa dạng hơn.
* Lĩnh vực nuôi thủy sản: diện tích và sản lượng nuôi thủy sản của tỉnh liên tục tăng qua các năm cả về số lượng và chất lượng, phù hợp với chủ trương chung của ngành, năm 2018 diện tích nuôi thủy sản đạt 16.000 ha, sản lượng nuôi 167.000 tấn và khai thác 120.000 tấn.
Trong giai đoạn này, sản xuất giống thủy sản đã phát triển mạnh, người dân tự làm chủ kỹ thuật, đã hình thành nhiều vùng chuyên sản xuất cá giống ở Cái Bè, Cai Lậy - đây là trung tâm cung cấp cá giống nước ngọt cho các tỉnh ĐBSCL và Đông Nam bộ. Song song đó các vùng nuôi thủy sản tập trung đã được qui hoạch (vùng nuôi cá tra, cá bè, tôm sú...) và các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng nuôi được triển khai thực hiện như: vùng sản xuất theo mô hình lúa + cá tại xã Hậu Mỹ Bắc A - Cái Bè, vùng sản xuất cá giống ở Tân Hội - Cai Lậy, vùng nuôi tôm sú công nghiệp ở Gò Công (Nam Gò Công, Bắc Gò Công và Cồn Cống)... đã thúc đẩy phong trào nuôi thủy sản trong mỗi vùng phát triển. Trong đó nổi bật là nuôi cá tra cung cấp nguyên liệu cho xuất khẩu năng suất khoảng 300 tấn/ha/vụ, thậm chí có hộ đạt 400-500 tấn/ha/vụ lợi nhuận 400 – 500 triệu/ha và là sản phẩm thủy sản đầu tiên của tỉnh được chứng nhận SQF Đến 2018, có 6.4 ha nuôi cá tra đạt chứng nhận GlobalGAP, 15.8 ha nuôi cá tra đạt chứng nhận ASC, 45.9 ha nuôi cá tra đạt chứng nhận VietGAP, 2 ha nuôi tôm thẻ chân trắng đạt chứng nhận VietGAP.
Các tiến bộ kỹ thuật được chuyển giao: sử dụng giống nhân tạo và thức ăn công nghiệp để ương nuôi; Nuôi tập trung theo mô hình công nghiệp và bán công nghiệp; nuôi theo VietGAP, GlobalGAP, SQF, ASC; ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao trong nuôi, đối tượng nuôi là các loài có giá trị kinh tế cao như cá tra, tôm sú, nghêu, cá bè... để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, sản lượng theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Đặc biệt trong 2 năm trở lại đây có khoảng 180ha mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh hai - ba giai đoạn ứng dụng công nghệ cao (Tân Phú Đông, Gò Công Đông), năng suất tăng từ 10-15 tấn/ha lên 40-60 tấn/ha, số vụ nuôi tăng từ 2 vụ lên 4-5 vụ/năm, lợi nhuận tăng gấp 2-3 lần, nhờ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật đã giúp chất lượng tôm được nâng lên, size tôm lớn hơn, tôm ít bệnh, ít rủi ro, giảm chi phí, bảo vệ môi trường.
* Lĩnh vực khai thác thủy sản: tập trung chuyển sang khai thác xa bờ, công suất máy và số lượng tàu thuyền khai thác xa bờ hàng năm đều tăng với các loại nghề chủ lực là lưới kéo đơn, lưới vây kết hợp ánh sáng, lưới rê cá dưa, câu mực; đã ứng dụng thành công các tiến bộ kỹ thuật trên tàu khai thác hải sản xa bờ như: máy dò ngang Sonar (sản lượng khai thác tăng hơn 50%); bóng đèn tiết kiệm điện (tiết kiệm được 60% nhiên liệu dùng cho thắp sáng - khoảng 50 lít dầu/đêm); hầm bảo quản sản phẩm bằng công nghệ PU foams (giúp kéo dài thời gian bảo quản hơn từ 7 – 10 ngày vẫn duy trì được chất lượng sản phẩm, giảm lượng nước đá hao hụt từ 20% xuống còn 2 - 4%/chuyến biển); lắp đặt máy Rada hàng hải (giúp thuyền trưởng quan sát tốt các chướng ngại vật trong mọi điều kiện thời tiết) và máy thông tin liên lạc tầm xa có tích hợp với định vị vệ tinh GPS (giúp ngư dân chủ động liên hệ với các tàu đang đánh bắt ngoài biển và với đất liền).
Đến năm 2018, ngư dân Tiền Giang đã ứng dụng được trên 20 máy dò ngang Sonar trong đó khuyến nông hỗ trợ xây dựng mô hình 8 máy/8 tàu (từ nguồn kinh phí TTKN Quốc Gia) và hàng trăm bóng đèn tiết kiệm điện công suất 200W để thay thế cho đèn cao áp công suất 1.000W trên các tàu nghề lưới vây và chong đèn dẫn dụ cá. Riêng đối với mô hình lưới rê cá dưa và lưới rê hỗn hợp đã giúp ngư dân ở 02 xã Tân Phước và Tân Tây huyện Gò Công Đông chuyển đổi nghề đúng hướng, mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt thành lập được các tổ đội sản xuất đã nâng cao hiệu quả kinh tế trên từng chuyến biển và tạo được sự đoàn kết của các thành viên trong đội tàu khai thác xa bờ bám biển dài ngày hơn. Hiệu quả của việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong khai thác đã giúp ngư dân yên tâm và mạnh dạn đưa tàu vươn khơi khai thác. Đến cuối năm 2018 số tàu cá trên địa bàn tỉnh là 1.438 tàu với tổng công suất 548.000CV. Ngư dân từng bước ứng dụng và làm chủ các thiết bị, công nghệ tiên tiến, hiện đại góp phần thực hiện chủ trương hiện đại hóa đội tàu khai thác thủy sản xa bờ ở địa phương.
* Lĩnh vực chế biến thủy sản xuất khẩu: Nhờ có các chính sách ưu đãi, thu hút các nhà đầu tư phát triển thủy sản của tỉnh, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, ngành chế biến thủy sản của tỉnh phát triển mạnh vào năm 2003. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 50 doanh nghiệp và cơ sở chế biến thủy sản, trong đó có khoảng 20 doanh nghiệp lớn. Các doanh nghiệp lớn hiện nay đã và đang đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại, xây dựng quy trình sản xuất khép kín từ “trang trại đến bàn ăn”, tập trung đầu tư vào sản phẩm giá trị gia tăng và mở rộng thị trường.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay ngành thủy sản tỉnh nhà đang đứng trước không ít khó khăn: Thời tiết, khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng bất lợi nhiều hơn đến hoạt động thủy sản; việc liên kết theo chuỗi giá trị để tiêu thụ sản phẩm còn nhiều bất cập; cơ sở hạ tầng chưa theo kịp sự phát triển; thông tin chưa đến người dân kịp thời; công tác đảm bảo an toàn thực phẩm cho các sản phẩm thủy sản có đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng trước những yêu cầu nghiêm ngặt đối với các thị trường xuất khẩu, cùng với các rào cản thương mại khác của các nước nhập khẩu trong thời hội nhập đã, đang và sẽ là một thách thức lớn cho Ngành thủy sản Tiền Giang nói riêng và thủy sản Việt Nam nói chung.
Để phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới ngành thủy sản tỉnh nhà tích cực thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, cần quan tâm:
* Đối với lĩnh vực nuôi:
- Nông dân cần lựa chọn qui trình công nghệ phù hợp cho chính mình; Thường xuyên phối kết hợp với các ngành liên quan nắm vững quy trình kỹ thuật từ đó vận dụng một cách có hiệu quả nhất phục vụ cho sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng một cách bền vững;
- Thiết kế xây dựng ao nuôi thâm canh bao gồm ao lắng và ao xử lý. Đây là vấn đề ít được người nuôi quan tâm, nên đó cũng là những trở ngại lớn, là thách thức lớn trong việc bảo vệ môi trường nuôi thủy sản bền vững;
- Xây dựng mô hình sản xuất theo hình thức quản lý cộng đồng, tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm giảm bớt rủi ro và gắn với bảo vệ môi trường. Tập trung sản xuất thâm canh theo quy trình thực hành nuôi tốt (GAP), ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học đối với các đối tượng nuôi chủ lực (cá tra, tôm, nghêu…); tiếp tục đa dạng hóa các đối tượng nuôi, chú ý phát triển nuôi theo hướng luân canh, xen canh, ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao vào quá trình nuôi và phù hợp với điều kiện canh tác của từng vùng;
- Đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của tất cả các thành viên tham gia từ người sản xuất giống, người nuôi cho đến các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.
* Đối với lĩnh vực khai thác: Thực hiện chủ trương của Nhà nước chuyển dịch cơ cấu từ khai thác ven bờ ra khai thác xa bờ kết hợp với tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trên tàu khai thác xa bờ. Nâng cao chất lượng sản phẩm sau khai thác giúp nâng cao giá trị sản phẩm và hiệu quả khai thác. Đầu tư kịp thời cơ sở hạ tầng tại các cảng cá, khuyến khích phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần, các hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá nhằm phát huy tốt hơn vai trò đầu mối trong phân phối cũng như nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm khai thác.
* Đối với lĩnh vực chế biến xuất khẩu: khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mới các dây chuyền chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu để nâng cao hiệu quả chế biến xuất khẩu. Giữ vững thị trường truyền thống và phát triển thị trường tiềm năng trong đó có thị trường nội địa. Để tạo được uy tín vững vàng của sản phẩm thủy sản, cần quản lý chặt hơn về chất lượng an toàn thực phẩm.
Nhìn lại chặng đường xây dựng phát triển và hội nhập, ngành thủy sản Tiền Giang đã để lại cho chúng ta rất nhiều bài học kinh nghiệm, đã có những bước tiến vượt bậc, đạt những kết quả rất đáng tự hào. Trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế đã mở ra khả năng tiêu thụ sản phẩm của ta là rất lớn, hội nhập thúc đẩy kinh tế phát triển, song để có thể phát triển bền vững cần có sự đồng tâm hợp lực của tất cả những người có liên quan để đưa sản phẩm thủy sản vươn xa đến khắp năm châu.