Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Kinh nghiệm quốc tế về phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và đề xuất bài học cho Tiền Giang
(Ngày đăng: 14/03/2019)

Công nghệ tưới nhỏ giọt kiểu Israel

 

1. Kinh nghiệm quốc tế về phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

1.1. Kinh nghiệm của Israel

Nằm giữa khu vực Trung Đông khô cằn, Israel có diện tích rất nhỏ, trên 20.000 km2, có điều kiện tự nhiên vô cùng khắc nghiệt: 2/3 diện tích lãnh thổ là sa mạc, còn lại là đồi núi đá trọc, khí hậu nơi đây cực kỳ khô hạn và thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ hạn hán. Theo Chính phủ Israel, cách duy nhất để đối phó với vấn đề thiếu hụt nguồn nước tự nhiên cũng như để cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân chính là chấp nhận thích nghi với khí hậu khắc nghiệt; thực hiện các chính sách quốc gia liên quan đến việc quản lý và sử dụng nguồn nước một cách hiệu quả. Chính vì thế, sau khi lập quốc (năm 1948), Israel đã lên kế hoạch, dự báo và xây dựng kết cấu hạ tầng, chính sách, nghiên cứu công nghệ để chống hạn và phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Để đảm bảo nguồn nước, Israel tập trung vào 3 biện pháp: thiết lập cơ sở lớn để khử muối trong nước biển; khuyến khích người dân tiết kiệm nước và đầu tư cải thiện khả năng xử lý nước thải. Trong đó, Israel phát triển một hệ thống tái chế, tinh lọc, tích trữ và chuyển nước thải từ các hộ gia đình ở các khu đô thị đã qua xử lý để đưa vào tưới cho các cánh đồng kế bên, thậm chí, trên cả các vùng sa mạc không hề có giọt mưa nào. Điều đó, góp phần biến sa mạc và những vùng đất khô cằn thành các khu vực nông nghiệp chính của Israel.

Bên cạnh đó, Israel cũng phát triển nhiêu công nghệ tiên tiến nhằm tiết kiệm và tăng tối đa hiệu quả sử dụng nước cho nông nghiệp, trong đó có phương pháp tưới nhỏ giọt được áp dụng tại 75% diện tích canh tác của quốc gia nầy (25% còn lại được tưới phun mưa). Theo các chuyên gia, phương pháp tưới tràn làm lãng phí khoảng nửa lượng nước do bay hơi, trong khi đó tưới nhỏ giọt đạt hiệu quả tới 90-95% lượng nước và tăng sản lượng vụ mùa. Cùng với đó, quốc gia nầy cũng đặc biệt quan tâm đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học và đã nghiên cứu thành công nhiều loại hạt giống “chống hạn há” (tiêu thụ ít nước hơn bình thường). Có thể nói, công nghệ phục vụ nông nghiệp ở Israel đã thay đổi liên tục, không chỉ để đáp ứng cho các giải pháp sản xuất trong nước, mà công nghệ này còn được bán đi khắp nơi trên thế giới. Để đạt được kết quả đó, Israel đã thực hiện các biện pháp sau:

Thứ nhất, tập trung hỗ trợ cho nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào nông nghiệp. Những công nghệ đã làm nên kỳ tích cho nông nghiệp Israel có thể kể đến: (1) Công nghệ tưới nhỏ giọt, có thể nói đây là thành tựu có ảnh hưởng to lớn đến nền nông nghiệp Israel và cả thế giới. (2) Công nghệ tưới nhỏ giọt từ không khí, là công nghệ tưới nước bằng khai nhựa dùng nhiều lần để thu thập sương, hơi nước từ không khí, giúp giảm lượng nước phải tưới cho cây trông nên có thể tiết kiệm 50% lượng nước tưới. (3) Kiểm soát cô trùng theo phương pháp sinh học, các kỹ sư Israel đã lai tạo ra các giống côn trùng có ích nhằm giải quyết vấn đề kiểm soát sâu bệnh tuân theo nguyên lý sinh thái học tự nhiên, đồng thời, họ cũng lai các giống côn trùng chuyên biệt như giống ong vò vẽ chuyên thực hiện thụ phấn tự nhiên trong môi trường nhà kính. (4) Công nghệ bảo vệ thực vật thân thiện với môi trường, để giải quyết vấn đề bảo vệ thực vật mà vẫn thân thiện với môi trường, các nhà khoa học đã phát triển và thương mại hóa các sản phẩm thuốc diệt cỏ chậm phát tán vào đất và thuốc trừ sâu không gây tổn hại cho côn trùng có ích.

Thứ hai, xây dựng các mô hình nông nghiệp thúc đẩy 5 nhà, Israel đã xây dựng các mô hình sản xuất đặc trưng, trong đó tiêu biểu là các kibbutz nông nghiệp mà Chính phủ chú trọng từ khi lập nước. Mô hình kibbutz đã hỗ trợ rất hiệu quả cho phát triển nông nghiệp nói chung và các hoạt động công nghiệp phục vụ nông nghiệp nói riêng. Mặt khác, họ rất chú trọng mối liên kết 5 nhà: Nhà nước, nhà tư vấn, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Trong đó, nhà nước chỉ đạo chung; nhà tư vấn là người tìm hiểu và xây dựng ý tưởng; nhà khoa học nghiên cứu các ý tưởng sao cho nó được thực hiện tối ưu nhất; nhà doanh ngiệp là người tổ chức thực hiện các ý tưởng đó và chịu trách nhiệm buôn bán trên thị trường thế giới; nông dân là người trực tiếp thực hiện. Có thể thấy, ở Israel xuất hiện thêm đối tượng thứ 5 là nhà tư vấn, đây là đối tượng có vai trò rất quan trọng trong việc thương mại hóa các sản phẩm nông nghiệp cho Israel, đưa các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu mạnh ra thị trường thế giới.

Với các biện pháp trên, Israel không chỉ thoát khỏi nguy cơ thiếu nước trong sản xuất nông nghiệp, mà còn trở thành quốc gia có nền nông nghiệp phát triển hàng đầu thế giới. Nhiều “công nghệ” thích ứng với hạn hán của Israel đã được “xuất khẩu” ra nước ngoài.

1.2. Kinh nghiệm của Hà Lan  

Một là, phát triển cơ sở hạ tầng: Hà Lan được mệnh danh là “nước đất trũng”, có ¼ diện tích lãnh thổ thấp hơn mực nước biển, cộng thêm vùng đất trũng cao hơn mực nước biển 1m và 60% dân số của họ chịu sự huy uy hiếp thường xuyên của nước mặn xâm nhập. Để phát triển nông nghiệp trong điều kiện trên, Hà Lan tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, coi đây là điều kiện quan trọng để phát triển nông nghiệp, trong đó, Chính phủ xây dựng các cơ sở sau đây: (1) Xây dựng công trình thủy lợi chống ngập úng. Năm 1995, Chính phủ Hà Lan quyết định xây dựng công trình chỉnh trị dòng sông và hòan thành vào năm 2015 với vốn đầu tư 500 triệu Euro. (2) Điều chỉnh diện tích đất và xây dựng hệ thống tưới tiêu. Nhà nước tài trợ chỉnh lý đất đai, liên kết các thửa đất nhỏ thành thửa lớn liền kề nhau, xây dựng hệ thống kênh rạch vừa bảo đảm cho tưới tiêu vừa đảm bảo yêu cầu cơ giới hóa.

Hai là, ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp. Do quỹ đất ít, Hà Lan áp dụng công nghệ “dùng vốn thay đất”. Để tạo ra hiệu suất cao của đất, Hà Lan đã hình thành hệ thống nhà kính với công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới. Nhà kính vừa tiết kiệm được đất (thậm chí có nơi không dùng đất), vừa có thể khống chế hòan toàn điều kiện tự nhiên. Đồng thời, Hà Lan áp dụng công nghệ “tăng diện tích đất”, tập trung áp dụng các biện pháp thâm canh cao, nâng cao năng suất trên đơn vị diện tích, tạo ra năng suất cao gấp nhiều lần năng suất bình quân thế giới. Hà Lan không những coi trọng “công nghệ cứng” mà còn quan tâm “công nghệ mềm” về quản lý và tổ chức nhằm nâng cao hiệu quả công nghệ cứng, đặc biệt là công nghệ tin học được áp dụng rộng rãi trong sản xuất chăn nuôi và trồng hoa.

Ba là, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện nguồn lực tự nhiên để tạo ra hiệu quả kinh tế. Cơ cấu nông nghiệp được điều chỉnh kịp thời nên hiệu quả tăng lên đáng kể. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế tạo ra tăng trưởng lớn được gọi là “tăng trưởng chuyển dịch”. Mặc dù, tài nguyên thiên nhiên để phát triển nông nghiệp của Hà Lan rất thiếu hụt, đất đai lại trũng, thường xuyên bị uy hiếp của ngập lụt, nhưng Hà Lan đã tìm tòi, tự khẳng định những lợi thế so sánh của chính mình để phát triển nền nông nghiệp hướng ra xuất khẩu. Những diện tích đất không còn thích hợp cho trồng trọt được tận dụng chuyển sang trồng hoa, rau, chăn nuôi heo và gia cầm.

Bốn là, tập trung phát triển các mặt hàng nông sản chủ lục có sức cạnh tranh xuất khẩu. Thành tựu nông nghiệp của Hà Lan được thế giới hâm mộ có liên quan đến các mặt hàng nông sản xuất khẩu. Không tính đồ uống, thuốc lá, thuỷ sản thì hàng nông sản xuất khẩu quan trọng nhất của Hà Lan gồm 3 lĩnh vực: sản phẩm rau-hoa-cây cảnh; thịt; sữa và trứng. Trên thị trường thế giới, Hà Lan có nhiều mặt hàng nông sàn và hàng thực phẩm có sức cạnh tranh cao. Chẳng hạn, ngoài mặt hàng hoa cắt tươi và củ hoa nổi tiếng thế giới, Hà Lan còn xuất khẩu nhiều chồi giâm và hạt giống hoa.

Năm là, tăng giá trị gia tăng nông sản nhờ vào chế biến sâu. Hà Lan thông qua chính sách “nhập lớn, xuất lớn” để phát huy lợi thế so sánh tự thân, tăng sức cạnh tranh quốc tế. Trải qua mấy trăm năm cải tiến, các công nghệ truyền thống về chế biến phó mát, bơ, sữa của Hà Lan đã tạo được uy tín quốc tế. Công nghệ chế biến ca cao, cà phê từ thời kỳ thực dân vẫn còn phát huy tác dụng trong công nghiệp chế biến hiện nay. Nhiều loại nguyên liệu không sản xuất được hoặc thiếu, Hà Lan đã nhập khẩu và thông qua chế biến sâu, đã vươn ra chiếm lĩnh thị trường thế giới với giá trị gia tăng rất lớn.

Sáu là, coi trọng giáo dục và đào tạo để nâng cao trình độ lao động nông nghiệp. Hà Lan có nền giáo dục nông nghiệp rất phát triển. Giáo dục nghĩa vụ ở Hà Lan bắt đầu từ năm 1901, trong đó, mọi công dân, kể cả con em người làm thuê đề được học phổ thông miễn phí. Để truyền bá kỹ thuật, các địa phương thường xuyên mở lớp huấn luyện tại nông thôn. Các thành viên nông thôn bắt buộc phải học các lớp chuyên nghiệp. Các chủ trang trại phải có chứng chỉ về đào tạo chuyên nghiệp. Giáo dục nông nghiệp ở Hà Lan coi trọng thực tế, nâng cao năng lục thực hành, xử lý độc lập các tình huống phát sinh trong thực tiễn.Ngày nay, có thể coi Hà Lan là đại diện cho việc đầu tư nghiên cứu và áp dụng khoa học-công nghệ để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp ở châu Âu.

2. Đề xuất bài học kinh nghiệm rút ra cho Tiền Giang

Một là, chủ động xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật bảo đảm ứng phó với những thay đổi của biến đổi khí hậu, đặc biệt là ứng phó với hiện tượng hạn hán và thiếu nước ngọt được xem là điều kiện quyết định đối với sự phát triển của ngành nông nghiệp Tiền Giang hiện nay. Đồng thời, tỉnh cần xây dựng hệ thống đê kiên cố, hệ thống kênh mương tưới tiêu cho đồng ruộng và hệ thống giao thông đường bộ, đường thuỷ có khả năng vận chuyển kịp thời mặt hàng nông sản ra thị trường trong nước cũng như xuất khẩu ra nước ngoài.

Hai là, tập trung vào hoạt động nghiện cứu để đưa ra các công nghệ phù hợp với lợi thế của Tiền Giang. Đó là sử dụng công nghệ hiện đại như công nghệ nhà kính, công nghệ giống và công nghệ chế biến các sản phẩm của nông nghiệp. Hiện nay, sản xuất nông nghiệp ở Tiền Giang có nguy cơ bị thiếu nước tưới trầm trọng, do đó muốn nông nghiệp Tiền Giang phát triển, tỉnh có thể ứng dụng công nghệ của các nước như công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ nhà kính,…để tăng năng suất và chất lượng nông sản..

Ba là, coi trọng giáo dục và đào tạo đối với lực lượng lao động nông nghiệp. Để Tiền Giang phát triển nông nghiệp ở trình độ hiện đại, quy mô lớn, tỉnh cần chủ động mở lớp đào tạo kiến thức nông nghiệp thường xuyên ở khu vực nông thôn và đặc biệt là các lớp khuyến nông dành cho thành viên của các hợp tác xã nông nghiệp. Trong điều kiện của Tiền giang hiện nay, tỉnh cần trang bị cho người nông dân kỹ năng, kỹ thuật và ý thức làm nghề nông cũng như những hiểu biết về biến đổi khí hậu và kỹ năng ứng phó.

           Bốn là, xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp và thúc đẩy liên kết trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao trình độ và hiệu quả của sản xuất nông nghiệp. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, các mô hình sản xuất nông nghiệp đã hỗ trợ rất hiệu quả cho phát triển nông nghiệp nói chung và các hoạt động công nghệ phục vụ nông nghiệp nói riêng. Ở Tiền Giang đã xây dựng được mô hình liên kết “bốn nhà” và đã thực hiện được trong nhiều năm nhưng hiệu quả còn hạn chế. Vì vậy, để sản xuất nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu, Tiền Giang cần nghiên cứu kinh nghiệm liên kết giữa các “nhà” trong sản xuất nông nghiệp cho phù hợp với điều kiện của địa phương tỉnh nhà./. 

 

KS. Nguyễn Văn Re
Tin liên quan