Việc ứng dụng nông nghiệp thông minh với phương thức tiếp cận tổng hợp, có thể giúp đạt đồng thời đảm bảo an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), hướng tới 3 mục tiêu chính là: đảm bảo tăng năng suất và thu nhập từ nông nghiệp một cách bền vững, xây dựng khả năng phục hồi với BĐKH và giảm hoặc loại bỏ phát thải khí nhà kính nếu có thể là vấn đề cấp thiết nhất hiện nay. | |
Sản xuất dâu tại Lâm Đồng - Một mô hình nông nghiệp thông minh - Ảnh: sggp.org.vn
Khái niệm " Nông nghiệp thích ứng thông minh với khí hậu hay nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu" gọi là CSA, được FAO khởi xướng năm 2010. Các công nghệ mới CSA, trong đó có công nghệ thông tin có thể góp phần nâng cao năng suất, sản lượng nông nghiệp từ 7 - 15% tại những nơi có BĐKH, gia tăng thu nhập và giảm thiểu phát thải khí nhà kính GHG. Tuy vậy, cho đến nay, tỷ lệ áp dụng các công nghệ CSA còn rất khiêm tốn do đặc điểm kinh tế - xã hội của nông dân, môi trường vật lý - sinh học của nông nghiệp rất đa dạng đòi hỏi phải điều chỉnh các công nghệ một cách phù hợp, cũng như các đặc tính của công nghệ mới đòi hỏi để sử dụng được.
Các nhà khoa học đã gợi ý cần có ưu tiên trong việc lựa chọn công nghệ CSA phù hợp cho việc xây dựng nông nghiệp như sau:
1. Công nghệ quản lý nước thông minh
- Công nghệ quản lý nước mưa (RH): thu gom nước mưa để không cho thất thoát và sử dụng trong nông nghiệp ở những nơi hạn hán hoặc ít mưa.
- Công nghệ tưới nước nhỏ giọt (DI): tưới nước trực tiếp, có kiểm soát, trực tiếp vào gốc cây để giảm thiểu tổn thất nước.
- Công nghệ quản lý thoát nước (DM) loại bỏ việc dư thừa nước thông qua cấu trúc kiểm soát nước.
- Công nghệ phủ đất (CCM) giảm việc bốc hơi nước từ đất.
2. Công nghệ quản lý năng lượng thông minh: các công nghệ nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng: giảm thiểu năng lượng sử dụng trong quá trình chuẩn bị đất, cải thiện việc thấm nước và chất hữu cơ vào trong đất.
3. Dinh dưỡng thông minh: các công nghệ cải thiện việc sử dụng hiệu quả chất dinh dưỡng, bao gồm:
- Công nghệ quản lý dinh dưỡng tích hợp thông minh phù hợp với các đối tượng cụ thể (SINM): tối ưu hóa việc cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng theo thời gian và không gian phù hợp với các yêu cầu của thời vụ với đúng sản phẩm, tỷ lệ, thời gian và địa điểm.
- Công nghệ phân xanh (GM): trồng cây họ đậu trong hệ thống cây trồng.
4. Carbon thông minh:
- Công nghệ trồng rừng (AF): thúc đẩy việc hấp thụ carbon bằng việc quản lý sử dụng đất và trồng rừng bền vững.
- Công nghệ quản lý thức ăn trong chăn nuôi gia súc (CF) giảm thiểu phát thải khí nhà kính (GHG).
- Công nghệ quản lý hóa chất trong nông nghiệp (FM) để giảm sử dụng hóa chất.
5. Thời tiết thông minh:
- Nhà thông minh cho gia súc phù hợp thời tiết (CSH): bảo vệ gia súc khỏi những thời điểm thời tiết cực đoan (stress nóng/lạnh).
- Hệ thống tư vấn nông nghiệp, thời vụ dựa trên thời tiết (CA): cung cấp tư vấn về nông nghiệp giá trị gia tăng trên cơ sở thông tin về thời tiết.
6. Bảo hiểm mùa màng (CI): bảo hiểm thời vụ theo thời tiết cụ thể để bồi thường tổn thất thu nhập do bất thường của thời tiết.
7. Trí thức thông minh: sử dụng kết hợp khoa học và trí thức địa phương như:
- Lập kế hoạch dự phòng (CC): lập kế hoạch quản lý rủi ro do thời tiết để đối phó các rủi ro như hạn hán, lụt, sốc nóng/lạnh trong thời vụ.
- Nâng cao đa dạng cây trồng, vật nuôi (ICV): đa dạng cây trồng, vật nuôi có sức chịu đựng với những biến đổi thời tiết như hạn hán, lũ lụt, ngập mặn, sốc nóng/lạnh.
- Ngân hàng giống và thức ăn (SFB): bảo quản hạt giống và thức ăn cho gia súc để hạn chế rủi ro thời tiết.
- Các công nghệ/phương pháp nói trên cần kết hợp một cách phù hợp sẽ góp phần trực tiếp hoặc gián tiếp cho việc nâng cao năng suất, hiệu quả, khả năng phục hồi của nền nông nghiệp cũng như giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
Như vậy, việc ứng dụng CSA vào sản xuất nông nghiệp sẽ góp phần đạt được 3 mục tiêu cốt lõi: tăng trưởng sản xuất, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, thích ứng BĐKH để đảm bảo an ninh lương thực lâu dài và giảm thiểu ảnh hưởng của BĐKH. Tuy nhiên, trong nhiều bối cảnh thực tiễn trên thế giới rất khó đạt được cùng lúc 3 mục tiêu nầy. Vì vậy, tùy thuộc vào bối cảnh cụ thể của địa phương, 3 mục tiêu trên được xếp ưu tiên khác nhau.
Có như vậy, nông nghiệp thông minh mới thực sự là mục tiêu cho phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH đang và sẽ diễn ra trong tương lai./.