Tiền Giang không chỉ là một trong những vùng trái cây lớn nhất của cả nước, Tiền Giang còn là nơi có nhiều phong cảnh hữu tình và đặc sản độc đáo. | |
Du khách ngồi xuồng chèo tham quan cù lao Thới Sơn. Ảnh: ST |
1. Tiềm năng phát triển du lịch
- Tài nguyên du lịch sinh thái-du lịch thiên nhiên và biển :
Thiên nhiên và con người Tiền Giang mang nét đặc trưng của nền văn minh sông nước Nam Bộ. Khí hậu Tiền Giang chia làm 2 mùa rõ rệt : mùa khô bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau và mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm. Nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 270C, lượng mưa trung bình 1.467 mm, tạo cho vùng đất ven sông Tiền một không khí ấm áp quanh năm rất thuận lợi cho du lịch, du khách có thể đến bất kỳ mùa nào.
Tiền Giang nằm trải dài theo sông Tiền vươn ra biển Đông, có nhiều kênh rạch chằng chịt, đan xen hình thành nhiều cù lao như: Cổ Lịch, Tân Phong, Ngũ Hiệp, Thới Sơn, Tân Long, Cồn Ngang…đã tạo nên những vườn cây trái xanh tươi tạo ra những sản phẩm nổi tiếng với nhiều giống cây có giá trị xuất khẩu cao như xoài cát Hoà Lộc, vú sữa Vĩnh Kim, nhãn xuồng cơm vàng, sơ ri Gò Công, quýt Cái Bè, bưởi lông Cổ Cò, thanh long Chợ Gạo, sầu riêng Ngũ Hiệp…
Với nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng, đã hình thành 3 vùng sinh thái tự nhiên, rất thuận lợi để phát triển du lịch :
+ Vùng sinh thái nước ngọt : gồm các vùng cây ăn trái trên các cù lao và vùng dân cư dọc sông Tiền của các địa phương Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và TP. Mỹ Tho, với những vườn cây ăn trái xanh tươi 4 mùa, những kênh rạch chằng chịt, mênh mông sông nước. Đã hình thành khu du lịch sinh thái sông nước cù lao Thới Sơn, khu du lịch chợ nổi Cái Bè.
Cù lao Thới Sơn là trung tâm đón khách du lịch của tỉnh Tiền Giang, mỗi năm hơn nửa triệu lượt khách, trong đó có hơn 70% du khách quốc tế. Khu du lịch nầy đã được quy hoạch với diện tích 77 ha gồm 7 khu chuyên đề : khu đón tiếp đường bộ, khu cắm trại dã ngoại, khu thể thao dưới nước, khu làng xã Nam Bộ, khu vườn sinh thái và khu nghỉ dưỡng tạo sản phẩm du lịch sinh thái đặc trưng vùng ĐBSCL. Trên địa bàn hiện có 10 cơ sở làm hàng thủ công phục vụ du khách, hàng chục điểm du lịch sinh thái miệt vườn, nghiệp đoàn đò chèo du lịch hơn 400 chiếc xuồng, thu hút hàng ngàn lao động. Văn minh miệt vườn còn được tô đậm bởi các đội đờn ca tài tử của các gia đình mà nhạc công là các cha, chú, bác ; ca sĩ là các em, cháu trong gia đình. Chính những nhạc công tài tử nầy sẽ dẫn du khách thưởng thức nét văn hoá đặc sắc của nền văn hoá văn nghệ mộc mạc đậm chất Nam Bộ, giàu lòng hiếu khách.
+ Vùng sinh thái ngập mặn : đã hình thành nên khu du lịch biển Tân Thành-Hàng Dương phục vụ nhu cầu tham quan nghỉ biển, trong tương lai sẽ nối tuyến với bãi biển Vũng Tàu và các nơi khác bằng thuyền máy du lịch và thuyền cao tốc. Khu du lịch biển Tân Thành-Hàng Dương đã được quy hoạch 80 ha, xây dựng thành cụm du lịch biển phức hợp, nối tour Luỹ Pháo Đài Trương Định và khu du lịch cồn Ngang ; phát triển nơi đây thành khu nghỉ dưởng, tắm biển, tham quan…
+ Vùng sinh thái ngập phèn : đặc trưng của vùng ĐBSCL sẽ tái hiện vùng ngập phèn Đồng Tháp Mười thuộc huyện Tân Phước với khu trung tâm 100 ha, vùng đệm 1.800 ha, sẽ hình thành khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười. Đây là cánh đồng mênh mông với hệ sinh thái ngập phèn độc đáo ở Việt Nam, những loài động, thực vật đặc hữu như : tràm vó, sao, súng, bàng, lác, chim, cò, trăn, rùa, ong mật… sẽ phục vụ tốt cho công tác nghiên cứu của các nhà khoa học và cũng là nơi tham quan nghỉ dưỡng hấp dẫn.
Trong thời gian tới vẫn xác định điểm du lịch trung tâm là cù lao Thới sơn, khu du lịch biển Gò Công, khu du lịch chợ nổi Cái Bè và khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười.
- Tài nguyên du lịch văn hoá, lịch sử :
Lịch sử Tiền Giang trải qua nhiều thời kỳ với cái tên “Mỹ Tho đại phố” tạo cho Tiền Giang hệ thống lăng mộ, đình chùa, miếu… có giá trị văn hoá.
+ Về các di tích lịch sử văn hoá: cho đến nay trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã có di tích được nhà nước xếp hạng như di tích Ấp Bắc, Rạch Gầm Xoài Mút, bến đò Phú Mỹ, luỹ pháo đài Trương Định, mộ và đền thờ Thủ Khoa Huân, lăng mộ Trương Định, lăng Hoàng Gia, nhà Đốc Phủ Hải, di tích khảo cổ Óc Eo Gò Thành…và đặc biệt là chùa Vĩnh Tràng nơi đón rất đông khách du lịch khi tham quan ở Tiền Giang.
+ Về các lễ hội: lễ hội là một loại hình sinh hoạt văn hoá tổng hợp, đa dạng và phong phú của một cộng đồng dân cư. Một kiểu sinh hoạt tập thể của nhân dân sau thời gian lao động mệt mỏi hoặc là một dịp để con người hướng về một sự kiện lịch sử trọng đại, ôn lại truyền thống cách mạng. Theo số liệu điều tra văn hoá phi vật thể, hiện nay Tiền Giang có 220 lễ hội do 3 cấp quản lý: tỉnh, huyện và xã.
Việc khai thác các lễ hội như một tiềm năng văn hoá cho hoạt động du lịch. Cần nghiên cứu đưa lễ hội vào phục vụ du lịch, làm tăng tính trải nghiệm của du khách khi tham gia vào lễ hội.
+ Về kiến trúc cổ: Tiền Giang có TX. Gò Công còn lại mẫu kiến trúc cổ tại trung tâm thị xã như các ngôi chùa của người Hoa, người Quảng, Hẹ, Tiều, Phúc Kiến, quần thế mộ đá Hoà Bình với kiến trúc mộ táng và chạm khắc tinh vi, kiến trúc nóc Đình Đồng Thạnh, Đình Long Trung…
Ngoài ra, tại huyện Cái Bè còn tồn tại những ngôi nhà cổ mang đậm nét văn hoá kiến trúc của người xưa như nhà ông Cai Huy tại xã Hoà Khánh theo kiến trúc cung đình Huế, nhà ông Ba Đức tại xã Đông Hoà Hiệp theo nét kiến trúc của Pháp, nhà ông Út Kiệt ở xã Đông Hoà Hiệp với kiến trúc Nam Bộ xưa…là điều kiện thuận lợi đa dạng hoá sản phẩm du lịch.
+ Về văn hoá ẩm thực: có những món ăn đặc sản của địa phương mà cả nước nhiều người biết đến, đã đóng góp vào sự phong phú của văn hoá ẩm thực Nam Bộ như hủ tiếu Mỹ Tho, mắm tôm chà Gò Công, bánh giá Chợ Giồng…Bên cạnh những món ăn đầy hương vị quê hương còn có các loại trái cây nổi tiếng như xoài cát Hoà Lộc, vú sửa Lò Rèn Vĩnh Kim, sầu riêng Ngũ Hiệp, quýt Cái Bè, thanh long Chợ Gạo, sơ ri Gò Công…
Đây là thế mạnh phát triển du lịch, là cầu nối giữa du khách với điểm du lịch thông qua tìm hiểu lịch sử, văn hoá, phong tục tập quán của địa phương.
- Du lịch làng nghề:
Những làng nghề của tỉnh Tiền Giang thường tập họp ở những khu dân cư có nhiều lao động phi nông nghiệp, lao động nông nhàn và có bề dầy sản xuất trên 50 năm. Sản phẩm làng nghề nổi tiếng trên thị trường nước ngoài như bánh phồng mì Đông Hoà Hiệp, Cái Bè; chiếu Long Định; nón bàng buông Thân Cửu Nhgĩa và Tân Lý Đông; bánh, bún, hủ tiếu Gò Cát-Mỹ Tho; tủ thờ cẩn xà cừ, cẩn trai Ông Non-Gò Công Đông và gần đây là sản phẩm tủ lục bình ở nhiều địa phương trong tỉnh. Sau thời gian dài lao động sản xuất đã góp phần đáng kể vào quá trình tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động phi nông nghiệp và lao động nông nhàn tại địa bàn dân cư nông thôn và phát triển kinh tế địa phương, đến nay Tiền Giang có 13 làng nghề theo tiêu chuẩn quốc gia, cụ thể như: Làng nghề nón bàng buông, Làng nghề tủ thờ Ông Non, Làng nghề mắm tôm chà Gò Công, Làng nghề hủ tiếu Mỹ Tho, Làng nghề bánh cốm, Làng nghề bánh tráng, Làng nghề bánh phồng, Làng nghề làm kẹo dừa, Làng nghề bó chổi Vĩnh Hựu, Làng nghề dệt chiếu Long Định…
2. Về nhiệm vụ và giải pháp
- Căn cứ định hướng, điều kiện, tiềm năng du lịch, hiện trạng du lịch của tỉnh đề xuất 5 mô hình phát triển du lịch tổng thể có khả năng phát triển hiệu quả và bền vững:
Mô hình du lịch sinh thái, sinh hoạt cộng đồng, văn hoá lễ hội truyền thống
Mô hình du lịch sinh thái, học tập nghiên cứu, văn hoá lễ hội dân gian
Mô hình du lịch sinh thái, về nguồn, lễ hội lịch sử cách mạng
Mô hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khoẻ
Mô hình du lịch sinh thái, festival
Các mô hình du lịch cũng cần phân theo 3 vùng kinh tế - đô thị của tỉnh:
* Vùng trung tâm (Mỹ Tho, Châu Thành, Chợ Gạo): có điều kiện thuận lợi gần TP. HCM, cơ sở vật chất hạ tầng hơn hẳn những khu vực khác, lại có nhiều di tích lịch sử, văn hoá, di tích khảo cổ tập trung ở Châu Thành, Chợ Gạo sẽ thích hợp phát triển các mô hình du lịch sau:
Mô hình du lịch sinh thái, về nguồn, lễ hội lịch sử cách mạng
Mô hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khoẻ
Mô hình du lịch sinh thái, festival
* Vùng kinh tế-đô thị phía Tây (Cái Bè, Cai Lậy, TX Cai Lậy, Tân Phước): là khu vực phát triển du lịch sinh thái ngập phèn và du lịch cộng đồng do các đặc tính cộng đồng như chợ nổi, làng nghề truyền thống, nhà cổ, cúng Đình…, có tài nguyên rừng tràm và các di tích có giá trị thích hợp phát triển mô hình du lịch: Mô hình du lịch sinh thái, sinh hoạt cộng đồng, văn hoá lễ hội truyền thống.
* Vùng kinh tế-đô thị phía Đông (TX. Gò Công, Gò Công Tây, Gò Công Đông, Tân Phú Đông): đặc trưng của vùng nầy là sinh thái nước lợ với nhiều loại thuỷ sản tươi ngon và các lễ hội biển đặc sắc độc đáo, bên cạnh các di tích và các làng nghề thủ công đặc sắc. Với những điều kiện đặc thù như vậy khu vực nầy thích hợp với mô hình sau: Mô hình du lịch sinh thái, học tập nghiên cứu, văn hoá lễ hội dân gian.
- Liên kết với TP. HCM, Hà Nội và liên kết vùng với các tỉnh vùng ĐBSCL và vùng KTTĐPN để tăng cường phát triển du lịch theo các mô hình trên và mô hình du lịch quốc tế.
- Về giải pháp cần quan tâm đến các hoạt động sau:
+ Quảng bá, tuyên truyền dịch vụ sản phẩm du lịch.
+ Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.
+ Triển khai các mô hình dịch vụ du lịch.
+ Tăng cường năng lực cho các Công ty du lịch lữ hành.
+ Tăng cường mô hình liên kết ngành trong hoạt động du lịch.
+ Đẩy mạnh liên kết hợp tác với Hà Nội, TP. HCM.
+ Khai thác tiềm năng, liên kết du lịch với các tỉnh khu vực ĐBSCL và vùng KTTĐPN.
Trong các giải pháp trên địa phương cần nghiên cứu chọn các giải pháp đột phá và hệ thống các giải pháp cũng cần sắp xếp theo thứ tự ưu tiên để có điều kiện tập trung về nguồn lực, đồng thời tạo ra bước nhảy vọt nhằm đạt đươc mục tiêu như tinh thần Nghị quyết 11-NQ/TU của Tỉnh uỷ đề ra./.