Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Ứng dụng công nghệ cao cảnh báo vi phạm chiều cao tĩnh không trong giao thông đường thủy
(Ngày đăng: 24/09/2018)

Hệ thống cảnh báo vi phạm chiều cao tĩnh không ứng dụng trong giao thông đường thủy là một giải pháp công nghệ cao hoàn toàn mới của Việt Nam. Giải pháp là sự kết hợp giữa công nghệ laser, công nghệ sóng âm, công nghệ thông tin (điện tử tự động hóa, truyền tín hiệu số, điện toán đám mây) để đưa ra cảnh báo chủ động, không yêu cầu người điều khiển phương tiện phải nắm rõ chiều cao hiện tại của phương tiện. Hệ thống hoạt động tốt trong mọi điều kiện thời tiết nên rất tiện lợi và an toàn cho hoạt động giao thông đường thủy.

 

    Biển LED thông báo chiều cao tĩnh không của phương tiện

tàu thuyền trên sông

 

           Hệ thống cảnh báo vi phạm chiều cao tĩnh không được nghiên cứu thành công bởi nhóm tác giả Trường Đại học công nghệ Giao thông Vận tải và được ứng dụng tại Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, hệ thống bao gồm 2 chức năng chính:

- Phát hiện tàu thuyền vi phạm chiều cao tĩnh không cho phép: Bộ phát và thu nhận tia Laser cắt ngang sông được đặt ở thượng lưu và hạ lưu của cầu, cách cầu khoảng 500 m. Tia Laser có cao độ bằng cao độ của gầm cầu trừ đi một khoảng an toàn là 40 cm. Khi tàu đi qua và cắt tia Laser thì hệ thống sẽ báo động và yêu cầu người lái tàu dừng lại. Khoảng cách  500 m đủ để tàu thuyền có thời gian dừng và quay đầu.

- Cập nhật và thông báo chiều cao thông thuỷ hiện tại của cầu: Thiết bị đo mực nước đặt ở gầm cầu và đo chiều cao thông thuỷ hiện tại của cầu. Giá trị đo được truyền qua sóng RF tới biển LED đặt gần hệ thống thu phát Laser, giúp người điều khiển phương tiện biết được chiều cao thông thuỷ hiện tại của cầu.

Công nghệ cảnh báo vật cản bằng tia Laser đã được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi trên thị trường Việt Nam cũng như trên thế giới. Tuy nhiên, các ứng dụng phổ thông chỉ mới dừng lại ở khoảng cách ngắn và áp dụng cho các công trình dân dụng. Nhóm tiến hành nghiên cứu và đạt được những thành công nhất định, như tối ưu cường độ tia Laser, giảm nguy hiểm tới sức khoẻ con người, giảm chi phí công nghệ và hệ thống hoạt động tốt trong nhiều điều kiện thời tiết khác nhau (mưa, nắng, sương mù). Các thiết bị được kết nối và được quản lý từ xa theo nguyên lý công nghệ IoT. Người quản lý và giám sát lưu thông cầu có thể truy cập thông tin và cập nhật tình hình qua điện thoại thông minh cầm tay.

Hiện nay, trên phạm vi cả nước có gần phân nửa cầu và công trình vượt sông trên các tuyến đường thuỷ nội địa trung ương quản lý có tĩnh không thấp hơn thông số kỹ thuật theo cấp quy hoạch đã được phê duyệt (theo TCVN 5664-2009). Việc áp dụng các giải pháp công nghệ cảnh báo chủ động tới các chủ phương tiện giao thông có chiều cao vượt quá chiều cao tĩnh không cho phép là cần thiết và được các nhà quản lý quan tâm, như: Bộ Giao thông Vận tải; Cục đường thuỷ nội địa; Các đoạn, trạm, công ty tổ chức liên quan tới đường thuỷ; Thuỷ thủ, thuyền trưởng, chủ tàu sông.

Đáp ứng nhu cầu phát triển hiện tại, phương tiện vận chuyển đường thuỷ ngày càng tăng lên cả về kích thước, chủng loại và số lượng. Tuy nhiên, theo thống kê, từ năm 2008-2010 nước ta có khoảng 10-15 vụ phương tiện thủy đâm va vào cầu vượt sông, các vị trí xảy ra thường ở những cầu có chiều cao tĩnh không thấp và khẩu độ khoang thông thuyền hẹp. Đa phần các vụ tai nạn trên đều gây ra hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản, nhiều vụ tai nạn đã làm  giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy bị ngưng trệ.

Việc điều tiết đảm bảo giao thông cho tàu, thuyền khi đi qua cầu vẫn sử dụng phương pháp truyền thống, như bố trí các trạm điều tiêt ở thượng lưu và hạ lưu cầu. Theo khảo sát số liệu cho biết kinh phí bố trí trạm điều tiết tại một trạm trong mùa lũ là 4 tỷ đồng và điều tiết cả năm là 11 tỷ đồng. Áp dụng cảnh báo sớm sẽ làm giảm thiểu tai nạn và nâng cao hiệu quả quản lý giao thông đường thuỷ nội địa trên phạm vi toàn quốc./. 

 

KS. Nguyễn Văn Re
Tin liên quan