Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Tại sao cần phải xây dựng chỉ dẫn địa lý cho hàng hoá nông sản lưu thông trên thị trường?
(Ngày đăng: 09/08/2018)

Mặc dù cơ cấu kinh tế của nước ta ngày càng thay đổi theo hướng tỷ lệ khu vực II và III tăng và khu vực I giảm, Việt Nam cơ bản vẫn còn là môt nước nông nghiệp và nông sản phần lớn đều được xuất ở dạng thô với giá cả bấp bênh, thường thấp hơn giá của một số nước trong khu vực và trên thế giới. Thu nhập hàng năm của nông dân chỉ bằng khỏang từ một phần ba đến phân nửa GDP bình quân đầu người cả nước.

 

Trong khi đó, giá trị sản lượng nông nghiệp tăng hàng năm với tốc độ từ 4 đến 4,5%. Việt Nam có nhiều lọai nông, lâm, thủy sản xuất khẩu chủ lực như gạo, cà phê, hồ tiêu, điều, lạc nhân, nước mắm...Nhiều mặt hàng gắn liền với vùng lãnh thổ và nổi tiếng như gạo tám Hải Hậu, gạo nàng thơm Chợ Đào, chè Thái Nguyên, nhãn lồng Hưng Yên, vãi Thanh Hà, thanh long Bình Thuận, xòai cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn- Vĩnh Kim (Tiền Giang), cá ba sa An Giang, bưởi, bưởi Da Xanh Bến Tre, tiêu sọ và nước mắm Phú quốc, muối Cà Ná...Việt Nam lại còn nhiều làng nghề truyền thống mà sản phẩm được người nước ngòai ưa chuộng như gốm Bát Tràng, gốm Đồng Nai, lụa Hà Đông, nón lá Bài Thơ Huế,...

Thật vậy, Chỉ dẫn địa lý là quyền sở hữu trí tuệ mang tính chủ quyền về hình ảnh, khác với các quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế hay nhãn hiệu. Chỉ dẫn địa lý là quyền sở hữu trí tuệ được hơn 140 quốc gia thành viên của WTO công nhận thông qua Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại (Hiệp định TRIPS năm 1996) áp dụng cho lĩnh vực Chỉ dẫn địa lý.

Chỉ dẫn địa lý bảo hộ các sáng tạo của người sản xuất có khả năng xác lập giá trị của mối quan hệ giữa một vùng đất đặc biệt với một sản phẩm đặc trưng.

Theo WTO, Chỉ dẫn địa lý được hiểu là một chỉ dẫn nhằm xác định một sản phẩm có xuất xứ từ lãnh thổ của một nước thành viên hoặc từ một vùng, một khu vực địa lý của nước đó, với điều kiện chất lượng, danh tiếng hay các đặc tính khác của sản phẩm chủ yếu do nguồn gốc địa lý mang lại (Điều 22- Hiệp định TRIPS).

Định nghĩa trên cho thấy rằng, Chỉ dẫn địa lý không chỉ là một tên gọi, mà là một khái niệm bao gồm một xuất xứ đặc biệt gắn liền với các đặc thù của một sản phẩm nhất định. Vùng đất, tức là nơi xuất xứ cùng với điều kiện khí hậu và yếu tố con người đã hóa thân vào sản phẩm mang tên vùng đất đó. Chỉ dẫn địa lý nhằm chỉ một sản phẩm và phân biệt nó với các sản phẩm khác cùng tính chất, chủng lọai. Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu phân biệt về mặt địa lý có quyết định cơ bản đến chất lượng của một sản phẩm.

Như vậy, Chỉ dẫn địa lý không thể nhầm lẫn với chứng nhận xuất xứ, vì chứng nhận xuất xứ chỉ đưa thông tin về nơi sản xuất hay chế biến ra sản phẩm nhưng không đảm bảo về chất lượng đặc thù của sản phẩm gắn với vùng đất và với truyền thống sản xuất. 

Khái niệm vùng đất là sự tổng hợp của các yếu tố địa lý (điều kiện tự nhiên, môi trường, khí hậu, động thực vật...) và bí quyết sản xuất của con người tạo nên giá trị của sản phẩm. Chỉ dẫn địa lý chỉ rõ một sản phẩm mang tên địa danh của vùng đất tạo ra sản phẩm đặc thù:

- Sản phẩm gắn liền với địa danh đó; 

- Sản phẩm được tạo ra bởi truyền thống, bởi tinh hoa mà con người ở đây đúc kết lại, với tập tục địa phương, được làm ra một cách trung thực và có tính lưu truyền.

Truyền thống này đã tạo nên danh tiếng của sản phẩm. Vì vậy, một Chỉ dẫn địa lý không phải tự nhiên được sáng tạo ra mà nó đã tồn tại và cần phải được thừa nhận và được bảo hộ.

- Việc bảo hộ tại nước xuất xứ là điều cốt lõi, là nền tảng cho việc tồn tại và bảo hộ các Chỉ dẫn địa lý. Việc bảo hộ tại nước xuất xứ là điều kiện tiên quyết cho sự bảo hộ trên phạm vi quốc tế;

- Chỉ dẫn địa lý là quyền sử dụng tập thể dành cho những người tuân thủ các quy trình kỹ thuật, bao gồm những quy trình và điều kiện bắt buộc liên quan đến khu vực địa lý được ấn định ranh giới cụ thể. Chỉ dẫn địa lý gắn với việc khai thác mặt đất. Chỉ dẫn địa lý không thể chuyển nhượng và không sẵn có. Thời hạn của quyền sử dụng phải tồn tại cùng với sản phẩm.

 

CHỈ DẪN ĐỊA LÝ NHẰM MỤC ĐÍCH GÌ ?

1. Là sự bảo hộ dành cho người tiêu dùng và nhà sản xuất

Chỉ dẫn địa lý, quyền sở hữu trí tuệ trước hết bảo vệ yêu cầu, nguyện vọng của những người sản xuất làm ra các sản phẩm gắn liền với một vùng đất và nhằm thông tin một cách chính xác nhất cho người tiêu dùng về xuất xứ và chất lượng của sản phẩm.

Sự bảo hộ đối với người sản xuất được bảo đảm bằng cách ngăn chặn việc làm giả và chiếm đọat tên gọi. Tên gọi và Chỉ dẫn địa lý được các cơ quan công quyền đứng ra bảo hộ. 

Cùng với sự phát triển của xã hội, người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến thực phẩm mà người ta ăn. Sự chú trọng nầy ngày càng rõ nét hơn so với trước đây. Nó đòi hỏi:

- Các bảo đảm về mặt vệ sinh, an toàn thực phẩm; 

- Các thông tin đầy đủ, chính xác về sản phẩm: xuất xứ, phương pháp sản xuất, các biện pháp kiểm sóat đã được thực hiện;

- Việc truy nguyên nguồn gốc sản phẩm phải được đảm bảo; 

- Sản phẩm có đặc trưng riêng gắn với vùng đất.

Nếu một sản phẩm hội đủ những điều kiện nầy, người tiêu dùng ở Châu Âu và nhiều nước trên thế giới công nhận nó với một giá trị vượt trội so với các sản phẩm khác, họ mua sản phẩm với lòng tin và chấp nhận trả giá cao hơn các sản phẩm thông thường.

 

2. Là công cụ xúc tiến và giấy thông hành cho xuất khẩu

Ngay khi một sản phẩm được công nhận và được bảo hộ về Chỉ dẫn địa lý sẽ được chấp nhận ở phạm vi quốc tế kể từ khi Hiệp định TRIPS của WTO có hiệu lực. Chỉ dẫn địa lý trở thành một công cụ chiến lược trong thương mại và là tấm giấy thông hành cho xuất khẩu các sản phẩm gắn liền với một vùng đất.

 

3. Chỉ dẫn địa lý tạo ra sản phẩm khác biệt

Ở Pháp cũng như ở Châu Âu hay trên tòan thế giới, Chỉ dẫn địa lý là những công cụ kinh tế để quy họach lãnh thổ, đa dạng hóa và tăng giá trị các sản phẩm nông nghiệp. Chỉ dẫn địa lý cho phép duy trì và phát triển các họat động, các ngành chất lượng tại các vùng nông thôn khó khăn thông qua việc tôn vinh giá trị của các bí quyết, tinh hoa của con người và nâng cao chất lượng sản phẩm.  

Trong nhiều trường hợp, việc tạo ra các sản phẩm mang Chỉ dẫn địa lý cho phép nhà sản xuất:

- Gìn giữ được sản xuất vì thu lợi được nhiều hơn do giá cả được cải thiện;

- Duy trì và phát triển được họat động của mình và vì vậy giữ được gia đình ở lại địa phương do đảm bảo được thu nhập đầy đủ.

 

4. Là cán cân công lý trong kinh tế 

Trong các diễn đàn về sở hữu trí tuệ và phát triển, Chỉ dẫn địa lý được giữ ở vị trí đặc biệt với vai trò là cán cân công lý trong họat động kinh tế và xã hội. 

Trong các lĩnh vực khác của sở hữu trí tuệ, nhất là các sáng chế, các nước khu vực Bắc bán cầu tập trung chú trọng đến quyền - kết quả của lịch sử phát triển công nghiệp và kỹ thuật của họ. Trong khi đó các Chỉ dẫn địa lý- tài nguyên tiềm tàng của sở hữu trí tuệ lại dựa trên truyền thống nông nghiệp, thủ công hoặc nghệ thuật ẩm thực của các nước, được phân bổ một cách phù hợp hơn và các nước khu vực Nam bán cầu chiếm giữ một phần quan trọng. 

Ngoài ra, được quốc tế công nhận thông qua các Hiệp định về lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại (ADPIC) của WTO, sự bảo hộ giành cho các Chỉ dẫn địa lý được các quốc gia cam kết đảm bảo. Các nhà sản xuất bị hàng giả xâm phạm không phải trả các chi phí tố tụng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Nhận thức được từ các  lợi ích  như trên, các tỉnh ĐBSCL đã tiến hành  xây dựng Chỉ dẫn địa lý cho các lọai nông sản nổi tiếng và đặc trưng của khu vực và đã được chứng nhận như: Bưởi Năm Roi Bình Minh - Vĩnh Long và Gạo Hồng Dân một bụi đỏ của Bạc Liêu. Ngòai ra, các tỉnh trong vùng cũng đang xúc tiến lập hồ sơ xin công nhận Chỉ dẫn địa lý cho nhiều nông sản hàng hóa khác. 

Cùng với các tỉnh ĐBSCL, Tiền Giang cũng đã hoàn tất hồ sơ xin Cục Sở hữu Trí tuệ chứng nhận Chỉ dẫn địa lý, trước mắt cho Xoài Cát Hòa Lộc và Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim; sắp tới sẽ đăng ký cho sầu riêng Ngũ Hiệp, thanh long Chợ Gạo, bưởi lông Cổ Cò, Khóm Tân Lập và một số loại nông sản khác mà Tiền Giang có ưu thế.

Tóm lại, Chỉ dẫn địa lý cho nông sản hàng hóa Việt Nam là giấy thông hành, là điều kiện để các nhà doanh nghiệp xuất khẩu quãng bá, mỡ rộng thị trường nâng cao giá trị hàng hóa, giúp cho bà con nông dân có cuộc sống ổn định và ngày càng được cải thiện để cùng cả nước hoàn thành thắng lợi công cuộc hội nhập vào nền kinh tế thế giới./.

 

Nguyễn Văn Re
Tin liên quan