Việt Nam là nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 trên thế giới sau Thái Lan với sản lượng xuất khẩu hơn 6 triệu tấn mỗi năm. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong một thời gian dài đã làm mất đi sự đa dạng sinh học và tính cân bằng sinh thái trong tự nhiên. | |
Nông dân phun xịt nấm xanh trừ rây nâu. |
I. MỞ ĐẦU:
Việt Nam là nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 trên thế giới sau Thái Lan với sản lượng xuất khẩu hơn 6 triệu tấn mỗi năm. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong một thời gian dài đã làm mất đi sự đa dạng sinh học và tính cân bằng sinh thái trong tự nhiên. Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật về tình hình dịch rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa từ năm 2006 đến 2011 ở phía Nam cho thấy tổng diện tích đất trồng lúa bị nhiễm rầy nâu là rất lớn và gây thiệt hại cho nông dân do khả năng truyền bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá. Hiện nay, rầy nâu hại lúa không còn là dịch lớn nhưng vẫn còn rải rác khắp các vùng nông thôn trong cả nước ảnh hưởng trực tiếp đến năng xuất và chất lượng hạt gạo xuất khẩu làm cho đời sống người trồng lúa đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Tiền Giang là một trong những tỉnh có diện tích trồng lúa trọng điểm của Đồng bằng sông Cưu Long (ĐBSCL). Với diện tích đất tự nhiên của tỉnh là 250.830 ha thì diện tích đất trồng lúa đã chiếm hơn 32% (khoảng 82.000 ha). Trong những năm qua, rầy nâu luôn có mật số khá cao và gây hại liên tục cho ruộng lúa ở Tiền Giang. Lượng thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng khá nhiều để phòng trừ rầy nâu đã gây ảnh hưởng trầm trọng đến hệ sinh thái, môi trường và sức khoẻ con người.
Để khắc phục các vấn đề trên, việc xây dựng và áp dụng quy trình Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) là một hướng đi đúng đắn nhằm bảo vệ cây trồng nói chung và cây lúa nói riêng. Sử dụng chế phẩm Ometa là một trong các biện pháp sinh học có hiệu quả trong quản lý tổng hợp đối với rầy nâu hại lúa. Chế phẩm sinh học Ometa đã được ứng dụng để trừ rầy nâu, bọ xít hại lúa tại các tỉnh Sóc Trăng, An Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Kiên Giang, Tp. Cần Thơ…Kết quả cho thấy chế phẩm Ometa có hiệu lực bền lâu, nên chỉ cần phun 01 đế 02 lần trong 01 vụ là có thể duy trì hiệu quả trừ rầy cho suốt vụ.. Đặc biệt, chế phẩm Ometa không gây ảnh hưởng xấu tới thiên địch của sâu hại, hệ sinh thái, con người và môi trường.
Để có số lượng lớn chế phẩm trừ sâu sinh học Ometa phục vụ cho công tác phòng chống rầy nâu đồng bộ tại ĐBSCL, Bộ môn Phòng trừ sinh học (Viện Lúa ĐBSCL) đã nghiên cứu quy trình sản xuất nhanh chế phẩm Ometa ở quy mô nông hộ. Quy trình sản xuất Ometa tươi nầy rất đơn giản, dễ thực hiện. Giá chế phẩm Ometa tươi để phun cho 1 ha lúa giảm hơn nhiều so với thuốc hoá học nên đem lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người nông dân. Giải pháp được nhiều nông dân tại các địa phương ở ĐBSCL hưởng ứng và là cơ sở chỉ đạo thống nhất của Bộ NN&PTNT cùng với chính quyền các tỉnh phía Nam trong công tác bảo vệ thực vật đối với cây lúa hiện nay.
Thấy rõ những ưu điểm của quy trình sản xuất nhanh chế phẩm Ometa ở quy mô nông hộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã cho phép Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long phối hợp với các cơ quan chuyên ngành ở địa phương triển khai thực hiện đề tài “Chuyển giao quy trình Sản xuất nhanh chế phẩm nấm xanh Ometa ở quy mô nông hộ và Ứng dụng Ometa trừ rầy nâu hại lúa tại tỉnh Tiền Giang” nhằm tạo ra số lượng lớn chế phẩm Ometa để quản lý rầy nâu, bệnh vàng lùn-lùn xoắn lá một cách có hiệu quả, đồng bộ và theo hướng sinh thái bền vững. Đề tài được triển khai từ tháng 06/2012, nghiệm thu kết thúc vào tháng 10/2014 và được Hội đồng Kho học công nghệ của tỉnh xếp loại A. Kết quả đề tài được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhân và giao cho các địa phương trong tỉnh ứng dụng nhân rộng.
II. MỤC TIÊU:
- Xây dựng 6 mô hình (Câu lạc bộ) để chuyển giao quy trình tại 6 xã của 3 huyện Cái Bè, Cai Lậy và Gò Công Tây;
- Xây dựng 30 mô hình thực nghiệm (Ứng dụng Ometa trừ rầy nâu hại lúa” có hiệu quả kinh tế cao;
- Nhân rộng 120 ha mô hình (Ứng dụng Ometa trừ rầy nâu hại lúa” tại 3 huyện Cái Bè, Cai Lậy và Gò Công Tây.
III. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP THỰC HIỆN:
1. Xây dựng mô hình để chuyển giao “Quy trình sản xuất nhanh chế phẩm Ometa ở quy mô nông hộ” tại 3 huyện Cái Bè, Cai Lậy và Gò Công Tây:
- Khảo sát chọn nông hộ để chuyển giao quy trình tại 3 huyện trên: Tiêu chí chọn xã, tiêu chí chọn nông dân, tiêu chí chọn nơi thành lập câu lạc bộ, mua sắm thiết bị, dụng cụ cần thiết.
- Tập huấn chuyển giao quy trình tại 3 huyện cho nông dân trong 7 nhóm nông hộ.
2. Nghiên cứu xây dựng mô hình thực nghiệm (Ứng dụng Ometa trừ rầy nâu hại lúa” tại 6 xã của 3 huyện Cái Bè, Cai Lậy và Gò Công Tây:
- Xây dựng mô hình thực nghiệm trên đồng ruộng tại 6 xã của 3 huyện Cái bè, Cai Lậy và Gò Công Tây:
Mô hình được bố trí theo kiểu trắc nghiệm trên diện rộng với diện tích từ 5-12 ha/xã. Chọn 8-10 hộ nông dân có diện tích trồng lúa liền kề nhau, mỗi hộ khoảng 0,5-1,0 ha để áp dụng quy trình “Ứng dụng Ome ta trừ rầy nâu hại lúa” do cán bộ nghiên cứu cùng cán bộ kỹ thuật của địa phương chỉ đạo thực hiện và nông dân cùng tham gia.
- Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sử dụng Ometa cho cán bộ địa phương và nông dân tham gia mô hình thực nghiệm:
Hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân về phương pháp chọn điểm, thei61t kế ruộng mô hình “Ứng dụng Ometa trừ rầy nâu hại lúa”.
- Hội thảo đầu bờ:
Tổ chức hội thảo đầu bờ tại các mô hình thực nghiệm ở 6 xã (Mỹ Lợi B, Hậu Mỹ Bắc A (huyện Cái Bè), Phú Cường, Mỹ Hạnh Trung (huyện Cai Lậy), Thạnh Trị và Bình Nhì (huyện Gò Công Tây) vào cuối vụ lúa nhằm đánh giá kết quả thực hiện mô hình, học tập và chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng nấm xanh Ometa trừ rầy nâu hại lúa.
3. Nhân rộng mô hình “Ứng dụng Ometa trừ rầy nâu hại lúa” tại 3 huyện Cái Bè, Cai Lậy và Gò Công Tây:
- Tập huấn “Sản xuất nhanh chế phẩm Ometa ở quy mô nông hộ” với số lượng lớn phục vụ cho bà con nông dân tham gia mô hình nhân rộng (MHNR):
Cán bộ kỹ thuật của Viện Lúa ĐBSCL vận chuyển vật tư sản xuất chế phẩm nấm xanh như giống nấm gốc, tấm gạo, túi nylon, nút bông… và hỗ trợ nông dân về kỹ thuật sản xuất chế phẩm nấm xanh Ometa ở quy mô nông hộ; nông dân thực hành sản xuất nấm xanh để cung cấp phục vụ cho các MHNR.
- Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sử dụng chế phẩm nấm xanh Ometa cho nông dân tham gia MHNR.
- Nhân rộng mô hình “Ứng dụng Ometa trừ rầy nâu hại lúa” ngoài đồng tại 3 huyện Cai Bè, Cai Lậy và Gò Công tây:
Hướng dẫn cho nông dân về các biệ pháp kỹ thuật áp dụng cho MHNR và phát tài liệu về quy trình “Ứng dụng Ometa trừ rầy nâu hại lúa”.
IV. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU:
- Thực hiện 7 cuộc khảo sát chọn hộ nông dân; hoàn tất mua sắm thiết bị, dụng cụ; xây dựng được 7 câu lạc bộ để chuyển giao quy trình “Sản xuất nhanh chế phẩm nấm xanh Ometa ở quy mô nông hộ” tại 7 xã của 3 huyện trọng điểm trồng lúa của tỉnh Tiền Giang.
- Tổ chức 7 lớp tập huấn chuyển giao quy trình “Sản xuất nhanh chế phẩm nấm xanh Ometa ở quy mô nông hộ” với 212 người tham dự. Sau buổi tập huấn, nông dân tham gia đã làm thành thạo và đúng quy trình.
- Xây dựng 37,33 ha mô hình thực nghiệm (Ứng dụng chế phẩm nấm xanh Ometa trong phòng trừ rầy nâu hại lúa” tại 6 xã gồm Mỹ Lợi B và Hậu Mỹ Bắc A-huyện Cái Bè, Phú Cường và Mỹ Hạnh Trung-huyện Cai Lậy, Thạnh Trị và Bình Nhì-huyện Gò Công Tây. Kết quả mô hình thực nghiệm cho thấy chế phẩm nấm xanh Ometa nông dân tự sản xuất đã quản lý rầy nâu một cách hiệu quả, an toàn và bền vững. Ruộng mô hình giảm chi phí phòng trừ rầy nâu, giảm chi phí sản xuất lúa, tăng năng suất và tăng lợi nhuận từ 1.215.200 – 1.673.200 đồng/ha (6,5-10,3%) so với ruộng đối chứng phun thuốc hoá học của nông dân.
- Tổ chức 6 lớp tập huấn kỹ thuật cho cán bộ địa phương và nông dân tham gia mô hình thực nghiệm với 184 lượt người tham dự. Tổ chứ 6 cuộc Hội thảo đầu bờ tại 6 xã nói trên vớ 247 người dự.
- Tổ chức 12 lớp tập huấn chuyển giao nhân rộng quy trình “Sản xuất nhanh chế phẩm nấm xanh Ometa ở quy mô nông hộ” với 373 người tham dự (vượt chỉ tiêu 13 người); tổ chức 12 lớp tập huấn mở rộng hướng dẫn quy trình sử dụng nấm xanh Ometa trừ rầy nâu hại lúa với 428 lượt người tham dự.
- Nhân rộng mô hình “Ứng dụng Ometa trừ rầy nâu hại lúa” tại 6 xã nói trên với diện tích 148,85 h (vượt chỉ tiêu 28,85 ha) với 215 hộ tham gia thực hiện và 3 vụ H2 Thu 2013, Thu Đông 2013 và Đông Xuân 2013-2014. So với ruộng đối chứng của nông dân thì ruộng mô hình nhân rộng đã tăng lợi nhuận từ 765.800 - 2.030.540 đồng/ha (5,1-11,4%).
V. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
1. Kết luận:
Chuyển giao quy trình “Sản xuất nhanh chế phẩm nấm xanh Ometa ở quy mô nông hộ” và xây dựng mô hình “Ứng dụng Ometa trừ rầy nâu hại lúa” tại tỉnh Tiền Giang để quản lý rầy nâu, bệnh vàng lùn-lùn xoắn lá một cách hiệu qảu và theo hướng sinh thái, an toàn, bền vững.
2. Kiến nghị:
Đề nghị địa phương tỉnh Tiền Giang tiếp tục hỗ trợ cho các cơ quan chuyên ngành của tỉnh như Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật và Trung tâm Khuyến nông tỉnh để duy trì và nhân rộng mô hình “Sản xuất nhanh chế phẩm nấm xanh Ometa ở quy mô nông hộ” và “Ứng dụng Ometa trừ rầy nâu hại lúa” tại tỉnh Tiền Giang.
Hiện nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 3 huyện Cái Bè, Cai Lậy và Gò Công Tây đang tiếp tục triển khái kết quả nghiên cứu của đề tài trên, các tổ chức, cá nhân nào cần ứng dụng thì liên hệ các địa chỉ trên để nhận chuyển giao theo yêu cầu./.
Tài liệu tham khảo:
Báo cáo kết quả Đ/T nghiên cứu khoa học của TS. Nguyễn Thị Lộc-Viện Lúa ĐBSCL thực hiện tại tỉnh Tiền Giang, được nghiệm thu năm 2015.