Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Một số giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang
(Ngày đăng: 29/01/2018)

An toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt. Thực phẩm an toàn đóng góp to lớn trong việc cải thiện sức khoẻ con người, nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như chất lượng giống nòi. Ngộ độc thực phẩm và các bệnh do thực phẩm kém chất lượng gây ra không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ và cuộc sống của mỗi người, mà còn gây thiệt hại lớn về kinh tế, là gánh nặng chi phí để chăm sóc, chữa trị, phục hồi sức khỏe. Vì vậy, việc đề ra một số giải pháp đảm bảo ATTP có ý nghĩa quan trọng và rất cần thiết.

 

Mặc dù, đã có quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo đảm an toàn, quy chế điều tra ngộ độc thực phẩm nhưng việc tuân thủ các quy định chưa nghiêm túc. Ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với sức khỏe cộng đồng chưa cao. Còn thiếu quy định cụ thể trong việc khắc phục, xử lý hậu quả ngộ độc thực phẩm tập thể và truy cứu trách nhiệm đối với các chủ thể gây ra ngộ độc thực phẩm.

Tình hình ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trong các năm qua có chiều hướng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp. Ngộ độc xảy ra tập trung chủ yếu tại các khu, cụm công nghiệp. Qua các năm, số vụ tuy có giảm nhưng số ca mắc có chiều hướng gia tăng do ngộ độc xảy ra chủ yếu tại các bếp ăn tập thể; trong đó, có một số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể với quy mô lớn.

 

Về tình hình ngộ độc thực phẩm tại tỉnh Tiền Giang từ năm 2011-2016 như sau:

 

 

TT

Chỉ số

 

2011

 

2012

 

2013

 

2014

 

2015

 

2016

1

Số vụ

15

06

03

06

06

04

2

Số mắc

293

275

866

145

589

140

3

Số chết

01

0

0

02

0

0

 

Nguồn: Ban Chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Tiền Giang

Nguyên nhân trực tiếp, thực phẩm nhiễm vi sinh, hóa chất, hóa chất độc hại là một trong những nguyên nhân chính gây ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm. Các thành phẩm qua xử lý hóa chất ngày càng tinh vi với màu sắc rất tự nhiên để dễ dàng qua mặt các cơ quan chức năng và người tiêu dùng; ý thức chấp hành pháp luật về vệ sinh ATTP cũng như tiếp nhận và thực hiện tốt các kiến thức phòng, ngừa ngộ độc thực phẩm của một số tổ chức, cơ sở, tập thể, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng còn chưa cao.

Bên cạnh đó, có một số nguyên nhân gián tiếp như: Theo Thông tư liên tịch 13/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT, ngày 9/4/2014 của liên Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, trong quá trình thanh tra, kiểm tra về ATTP theo phạm vi quản lý được phân công giữa ngành Y tế, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành Công thương còn gặp không ít khó khăn do đa số cán bộ là kiêm nhiệm nên việc phối hợp liên ngành đôi khi thiếu đồng bộ, chưa được duy trì thường xuyên, kịp thời (nhiều vụ vi phạm do cơ quan báo chí phát hiện trước); việc chế tài, xử lý của cơ quan chức năng đối với hành vi vi phạm chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa vi phạm. Việc xử lý vi phạm ở nhiều nơi, nhiều lúc chưa được nghiêm minh, chưa chú ý xem xét xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức có liên quan; việc thực hiện các quy định về điều kiện ATTP theo Thông tư số 30/2012/TT-BYT của Bộ Y tế đối với cơ sở thức ăn đường phố còn gặp nhiều khó khăn vì cơ sở thường mang tính tạm bợ, không cố định địa điểm, kinh doanh mang tính thời vụ... ; chưa phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội, công luận và người dân tham gia giám sát, bảo đảm ATTP và đấu tranh với các hành vi vi phạm, nhất là tại cơ sở; công tác thông tin, tuyên truyền về thực phẩm an toàn và không an toàn còn hạn chế. Trong tuyên truyền còn nặng về các nội dung tiêu cực, chưa có nhiều thông tin về thực phẩm an toàn dẫn đến tâm lý lo lắng, hoang mang trong nhân dân; lực lượng thực thi công vụ chưa được trang bị đầy đủ phương tiện, công cụ hỗ trợ (thiết bị test nhanh, mẫu thực phẩm giám sát mối nguy…) trong quá trình thanh tra, kiểm tra do khó khăn về kinh phí; Ban Chỉ đạo VSATTP tuyến xã tuy có thành lập nhưng hoạt động còn mang tính hình thức, chưa duy trì thường xuyên nên hiệu quả chưa cao. 

Một số giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang:

1. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cơ quan quản lý Nhà nước

- Cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đầy đủ các hướng dẫn để tự bảo vệ mình trong tiêu dùng thực phẩm; đặc biệt là cách nhận biết thực phẩm phẩm an toàn.

- Uỷ ban nhân các cấp tập trung chỉ đạo xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn; thúc đẩy áp dụng rộng rãi mô hình VietGAP và hình thành hệ thống phân phối thực phẩm an toàn;

- Cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất an toàn; trong đó, chú trọng việc kết nối giữa doanh nghiệp và nông dân nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong chuỗi sản xuất nông sản, từ đồng ruộng, chuồng trại đến bàn ăn theo đúng quy trình, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn của Việt Nam và quốc tế. Xây dựng, phát triển nông nghiệp hữu cơ, sản xuất sản phẩm hữu cơ.

- Ngành Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh, kiểm tra đột xuất về ATTP đối với ngành hàng được phân công; xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm cũng như các cơ quan, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý ATTP.

- Ngành Công an chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ, công an các địa phương theo dõi, nắm thông tin đối với địa bàn trọng điểm về vi phạm ATTP để có cơ sở điều tra, khởi tố một số vụ án điểm trong lĩnh vực ATTP theo quy định của Bộ luật Hình sự.

- Cơ quan chức năng tham mưu Ủy ban nhân dân thực hiện hiệu quả Chương trình phối hợp vận động và giám sát bảo đảm ATTP giữa Ủy ban nhân dân và Ủy ban MTTQ cùng cấp, tập trung thực hiện tại địa phương và một số địa bàn trọng điểm.

- Ban Chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm các cấp cùng các ngành liên quan như: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Công an, Bộ đội biên phòng và các địa phương thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của nhân dân, báo chí về vi phạm ATTP và xử lý nghiêm, kịp thời; có hình thức tôn vinh, khen thưởng đối với cá nhân phát hiện và cung cấp thông tin về sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn.

- Các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thanh, truyền hình tăng cường các chuyên trang, chuyên mục với nhiều bài viết, phóng sự chuyên đề về ATTP; tăng cường đưa tin, tuyên truyền khách quan, trung thực, kịp thời về thực phẩm an toàn, nhất là các điển hình sản xuất, chế biến, lưu thông thực phẩm an toàn và các vụ việc vi phạm ATTP.

2. Nâng cao trách nhiệm của cơ sở sản xuất, chế biến

- Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn vệ sinh trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm (đảm bảo điều kiện về cơ sở; trang thiết bị, dụng cụ; kiểm soát nguyên liệu đầu vào; bảo quản thực phẩm an toàn…);

- Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến như: GMB, HACCP, ISO 9001, ISO 22000…

- Chủ cơ sở sản xuất, chế biến định kỳ cử lao động trực tiếp sản xuất tham dự các lớp tập huấn, cập nhật kiến thức, kiểm tra, xác nhận kiến thức về ATTP do cơ quan chức năng tổ chức nhằm giúp người lao động hiểu rõ những tác hại của việc sử dụng chất cấm, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, kháng sinh...

- Đối với trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất nông nghiệp: Cần áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, VietGAHP, GlobalGAP… trong hoạt động chăn nuôi, trồng trọt.  

3. Nâng cao kiến thức, giám sát của người tiêu dùng

- Người tiêu dùng cần tự trang bị cho mình kiến thức để có thể nhận biết, phân biệt giữa thực phẩm an toàn và thực phẩm không đảm bảo an toàn khi mua sắm (không mua thực phẩm khi không biết rõ nguồn gốc, xuất xứ) nhằm góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.   

- Người tiêu dùng cần nâng cao tinh thần cảnh giác, giám sát, phát hiện và mạnh dạn tố giác với cơ quan chức năng các hành vi vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Một số kiến nghị 

1. Đối với Ủy ban nhân dân tỉnh

- Chỉ đạo Thường trực Ban Chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh phối hợp các sở, ngành liên quan xây dựng, trình duyệt phương án kinh phí cho công tác quản lý ATTP theo hướng cho phép các địa phương chủ động sử dụng toàn bộ số tiền phạt vi phạm ATTP (có bổ sung từ ngân sách nhà nước trường hợp không tự cân đối từ nguồn thu phạt) để phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ cùng các kinh phí liên quan, đặc biệt là kinh phí cho kiểm nghiệm, xử lý tiêu hủy thực phẩm không an toàn.

- Cho chủ tương thành lập Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo vệ sinh ATTP, từng bước nghiên cứu, học tập kinh nghiệm và tiến tới thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm (trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh) như TP. Hồ Chí Minh đang triển khai thực hiện thí điểm nhằm góp phần nâng cao hiệu quả, đưa vấn đề quản lý an toàn thực phẩm về chung một mối thay vì có đến 3 đơn vị quản lý như hiện nay.

- Ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất an toàn (bắt đầu từ công đoạn cung cấp vật tư nông nghiệp, đến khâu sản xuất, sơ chế, chế biến, đóng gói, kinh doanh, vận chuyển đến tay người tiêu dùng); trong đó, chú trọng việc kết nối giữa doanh nghiệp và nông dân.

2. Đối với Ban Chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh, các sở ngành liên quan

- Tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung nội dung truy suất nguồn gốc thực phẩm (trước mắt là những thực phẩm thiết yếu như: thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, rau, củ) vào nội dung Đề án đảm bảo an toàn thực phẩm tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2017 – 20120 hoặc triển khai song song với Đề án truy xuất nguồn gốc nếu có đủ điều kiện.  

- Ban Chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm, các Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương tăng cường phối hợp kiểm tra liên ngành, đặc biệt chú ý vấn đề ATTP ở các chợ lẻ truyền thống, chợ tự phát, chợ chiều phục vụ đối tượng công nhân (hiện tại vẫn còn bỏ ngỏ).

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương nghiên cứu, trang bị ô tô chuyên dụng xét nghiệm nhanh an toàn thực phẩm (như xe của tập đoàn Vingroup đang sử dụng); đồng thời, phối hợp xây dựng một số chợ điểm đảm bảo ATTP, trước mắt có thể triển khai ở thành phố Mỹ Tho, sau đó nhân rộng cho các huyện, thị trong tỉnh.

- Sở Công thương chủ trì phối hợp các sở, ngành liên quan xây dựng một số tuyến phố ẩm thực (cặp bờ kè sông Tiền cùng một số tuyến phố khác) vừa góp phần giải quyết vấn đề ATTP thức ăn đường phố, vừa phục vụ khách du lịch. 

- Tăng cường phối hợp kiểm tra liên ngành đối với các bếp ăn tập thể, đặc biệt là tại các khu, cụm công nghiệp; trong đó, chú ý vấn đề hợp đồng cung ứng nguyên liệu chế biến thực phẩm nhằm giúp cơ quan chức năng có thể truy xuất nguồn gốc khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra.

- Đề nghị bổ sung vào nội dung Đề án đảm bảo an toàn thực phẩm tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2017 – 20120 vai trò của Sở Khoa học và Công nghệ trong việc phối hợp nghiên cứu xây dựng các phòng kiểm định, xét nghiệm thực phẩm mang tính liên thông cũng như nghiên cứu các quy trình mới, đặt hàng sáng chế các công cụ test nhanh để đáp ứng nhu cầu thực tế (những loại chất cấm mới xuất hiện, chất tiền hormone tạo nạc có tác dụng tăng trọng cho gia súc, gia cầm đã xuất hiện trên thị trường)./.

 

 

ThS. Nguyễn Ngọc Ánh
Tin liên quan