Anh Nguyễn Văn Hẳng, xã Tân Phú, TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang được mọi người biết đến bởi sự cần lao và tinh thần ham học hỏi. Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang trồng gấc và chăn nuôi đã giúp gia đình anh Hẳng đứng vững trên vùng đất Tân Phú anh hùng này. | |
Anh Hẳng chia sẻ kinh nghiệm trồng gấc cho bà con nhân dân |
Ghé thăm vườn gấc hơn 250 gốc trên diện tích 4.000 m2 đất với dày đặc những trái lớn, nhỏ khác nhau, treo lủng lẳng trên giàn mới thấy giá trị kinh tế cũng như sự thích nghi của cây gấc trên vùng đất này.
Anh Hẳng cho biết, trước đây kinh tế gia đình chủ yếu gắn bó với cây lúa, thấy lúa cho hiệu quả kinh tế không cao anh chuyển đất sang trồng màu, trong vòng vài năm nay trở lại đây anh tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cũng như đi học hỏi kinh nghiệm từ khắp nơi về mô hình trồng gấc. Khi đã có đủ kiến thức, anh Hẳng chuyển sang đầu tư giàn, gắn hệ thống vòi phun tự động để trồng gấc với giống gấc nếp và gấc Đài Loan.
Với đặc tính dễ trồng, sau khoảng 1 năm gấc bắt đầu cho trái và có trái quanh năm. Bình quân 5 đến 7 ngày anh Hẳng thu hoạch gấc 1 lần. Hiện tại, gấc của anh Hẳng được thương lái thu mua toàn bộ với giá từ 14.000 - 16.000 đồng/kg (trái 400gram trở lên), cao gấp 3 - 4 lần so với cây lúa và những loại cây trồng khác, hứa hẹn nhiều thắng lợi cho gia đình anh Hẳng. Anh Hẳng chia sẻ: “Gấc chủ yếu là loại dây leo, vì vậy trồng gấc phải làm giàn, thường xuyên làm cỏ, xới nhẹ đất quanh gốc để kích thích rễ gấc phát triển. Ngoài lượng phân hữu cơ bón lót là chính, mỗi năm vào đầu, giữa và cuối mùa mưa nên bón thúc thêm phân hỗn hợp NPK 16 - 16 - 8 hoặc phân NPK 20 - 20 - 15 để cây sinh trưởng mạnh cho nhiều trái, trái to. Phải phun thuốc theo định kì để phòng trừ rệp sáp, sâu xanh, nhện đỏ, ruồi vằn đục trái...; đồng thời, phải biết cách phòng trị bệnh đốm lá, cháy lá, hoa lá và bệnh tuyến trùng...làm ảnh hưởng đến năng suất cũng như chất lượng trái”.
Anh Hẳng cho biết thêm, ngoài diện tích tập trung ngoài ruộng, anh còn tiến hành trồng trước cửa nhà, làm giàn cho gấc bò vừa tạo cảnh quan, làm mát, vừa cho hiệu quả kinh tế cao. Chỉ vào giàn gấc trước cửa nhà, anh Hẳng nói: “Những lúc vào vụ thu hoạch rộ, giàn gấc trước cửa nhà này cho khoảng 100kg, thay gì bỏ trống, đằng này lại có thêm thu nhập cho gia đình từ giàn gấc tưởng như “trồng chơi” mà “ăn thiệt” này.
Bên cạnh việc trồng gấc, anh Hẳng còn làm chuồng nuôi dê và tận dụng đất trống trong vườn gấc trồng thêm cỏ cho dê. Sau thời gian gầy đàn đến nay anh đã có hơn 10 con dê thịt lẫn đê sinh sản. Theo anh Hẳng, dê nuôi chủ yếu lấy công làm lời, dê ăn tạp không tốn nhiều chi phí đầu tư như các loại cây trồng, vật nuôi khác nhưng hiệu quả kinh tế và lợi nhuận rất cao. Anh Hẳng bộc bạch: “Dê sinh sản mỗi lần được 1 - 4 con, cứ vài tháng là có dê con hoặc dê thịt để bán tăng thêm thu nhập cho gia đình. Từ nay đến Tết nguyên đán 2018, tôi bán 3 con dê thịt cũng được vài triệu có thêm kinh phí mua bánh mức, thịt thà để vui xuân, đón Tết.
Chưa dừng lại ở đó, anh Hẳng còn dành 300 m2 mặt ao để ương cá bột. Cứ 6 tháng thương lái đến thu mua 1 lần, giúp gia đình anh có thêm kinh tế, xây dựng nhà cửa khang trang và từng bước làm giàu trên vùng đất Tân Phú anh hùng này. Anh Hẳng phấn khởi nói: “Mặt nước nếu bỏ không thì rất uổng, ươm cá, lấy thêm cỏ cho cá ăn, không tốn nhiều chi phí, thu nhập tuy không cao nhưng vài tháng thu nhập một lần cũng có thêm chi phí trang trải sinh hoạt hàng ngày cho gia đình, sửa sang lại nhà cửa cho khang trang”.
Bằng sự cần lao, ham học hỏi của mình, anh nông dân Nguyễn Văn Hẳng đã từng bước gầy dựng được nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, hứa hẹn những thắng lợi mới. Nhiều năm liền, anh được tuyên dương nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh, đáng để nhiều nông dân khác học hỏi noi theo. Anh đã góp phần làm rạng danh quê hương Ấp Bắc anh hùng, viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc trong quá trình hội nhập và phát triển.
Nhận xét về anh nông dân cần cù, siêng năng Nguyễn Văn Hẳng, ông Phạm Thanh Vân - Chủ tịch Hội nông dân xã Tân Phú, TX. Cai Lậy cho biết: “Với những kinh nghiệm có sẵn qua bao nhiêu năm gắn với nghề nông nên anh Hẳng đã không chạy theo điệp khúc đốn - trồng như bao nông dân khác, đi phá bỏ cây gấc mà gắng bó với cây gấc. Và ngày hôm nay, nhờ áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc nên cây trồng này đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho gia đình anh. Với đầu ra ổn định và giá cả cao như hiện nay, thì Hội nông dân xã sẽ nghiên cứu, chọn mô hình trồng gấc này để nhân rộng và nhờ anh Hẳng hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm cho những ai muốn gắn bó và làm giàu với cây gấc, đây được xem như mô hình triển vọng của địa phương”./.
Anh Hẳng cho cá ăn