Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Bệnh tay chân miệng, bóng nước nổi quá nhiều không phải là dấu hiệu nặng
(Ngày đăng: 17/12/2017)

Ngày 7/12/2017 bé Nguyễn Thảo L, 3 tuổi, nhà ở Phường 9, Mỹ Tho, Tiền Giang được mẹ đưa vào phòng khám nhi vì trên da nổi bóng nước quá nhiều, ngứa ngáy, khó chịu. Mẹ bé khai với bác sĩ là L bị bệnh 3 ngày, mới đầu sốt nhẹ, sau đó hết sốt mà trên da nổi mục nước ngày càng nhiều, mẹ L lo lắng hỏi bác sĩ có phải là bé đang bị bệnh nặng không?

 

 Bác sĩ khám toàn thân cho L, thấy bé L ngoài các mụn nước nổi nhiều trên da ra, không có triệu chứng nào khác kèm theo như: sốt cao, giật mình nhiều, khóc quấy... bác sĩ trấn an mẹ vì bé chỉ bị tay chân miệng độ một thôi, là độ nhẹ nhất, theo dõi tại nhà chừng một tuần, nếu không có biến chứng gì thì bé sẽ khỏi, các nốt phồng nước tự động khô đi và hoàn toàn không để lại sẹo.

 

Về chuyên môn, bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người qua đường tiêu hóa, dễ gây thành dịch do vi rút đường ruột gây ra. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Vi rút xâm nhập vào tế bào niêm mạc miệng hoặc ruột non, sau 24 giờ thì vi rút đi vào các hạch bạch huyết vùng hồi tràng, sinh sôi nảy nở tại đây, khi phát triển tăng số lượng trong thời gian 3 đến 7 ngày thì vi rút tràn vào máu gây nên bệnh cảnh sốt, kém ăn, khó chịu và đau họng. Vi rút có ái lực với da và niêm mạc, nên nó tập trung ở vùng này, gây tổn thương tại chỗ như nổi bóng nước ở miệng, loét miệng, bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, gối... Nếu không có biến chứng, các tổn thương này từ từ lặn trong vòng từ 7 đến 10 ngày mà không để lại sẹo. Một số trường hợp vi rút tấn công lên não sẽ gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, nếu phản ứng viêm trở nên quá mức có thể dẫn đến viêm cơ tim, phù phổi cấp. Các trường hợp nặng thường do EV71 có thể gây biến chứng cao (31%) so với loại Coxsackievirus (4%). Những cháu có bất cứ triệu chứng nguy hiểm nào xuất hiện khi bị mắc bệnh tay chân miệng như: sốt cao ≥ 39oC, hoặc sốt trên 2 ngày, thở nhanh, khó thở, giật mình, lừ đừ, run chi, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ, nôn nhiều, đi loạng choạng, da nổi bông tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh, co giật, hôn mê thì phải vào bệnh viện ngay. Ngoài ra, các bé bị bệnh tay chân miệng mà còn nhỏ dưới 12 tháng tuổi hay các bé có kèm theo bệnh khác như: tim bẩm sinh, suyễn, viêm thận... thì cân nhắc cho nhập viện sớm để theo dõi biến chứng. Như vậy, bệnh tay chân miệng chỉ nổi nhiều bóng nước thì không phải là dấu hiệu nặng, mà đôi khi chỉ cần một dấu hiệu là sốt cao thôi cũng là nguy hiểm cảnh báo chúng ta biết bệnh đang trở nặng.

 

Trường hợp bé Trần Vĩnh H, 3 tuổi, nhà ở xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo vào bệnh viện khám bệnh vì quấy khóc, không chịu ăn đã ba ngày nay. Bác sĩ khám thấy bé sốt nhẹ, nước miếng chảy nhiều, quấy khóc liên tục, lưỡi bé có một vết loét to gần đầu lưỡi, lòng bàn tay và bàn chân bé cũng có nhiều bóng nước. Bác sĩ chẩn đoán bé H bị bệnh tay chân miệng độ hai, nên cho bé nhập viện theo dõi. Mẹ bé nói hổm rày H bỏ ăn, mỗi lần đút thức ăn vào miệng H đều la khóc kêu đau nên không biết phải làm sao. Bác sĩ nói sẽ cho thuốc bôi vào miệng bé trước khi cho ăn để tránh đau, và khuyên mẹ nên cho cháu ăn thức ăn lỏng, mềm, không cay, không mặn, không nóng, không chua... để thức ăn không kích thích miệng của cháu làm cháu đau, rát vì càng đau thì càng dễ biến chứng nặng như viêm não, phù phổi, suy tim, sốc...

 

Về chuyên môn, các vết phồng nước trong miệng bé khi vỡ ra, các đầu dây thần kinh cảm giác và vị giác bị kích thích mạnh sẽ làm bé rất đau, nhất là khi cho bé ăn thức ăn quá nóng, chua, cay, mặn...Các luồng thần kinh được dẫn lên hệ thần kinh trung ương vốn đang bị vius tay chân miệng tấn công, gây nên tình trạng kích thích hệ thần kinh nội tiết, sản sinh các chất hóa học thần kinh trung gian, tạo nên một tình trạng phản ứng bảo vệ bù trừ ban đầu như co mạch, phân phối lại máu tuần hoàn, lập lại áp lực thẩm thấu,tim đập nhanh, thở nhanh và cuối cùng khi phản ứng bảo vệ quá sức bù trừ của cơ thể làm bệnh nhân suy sụp tuần hoàn, ngừng tim, ngừng thở.

 

Để tránh bé bị kích thích đau, gia đình  nên để bé nghỉ ngơi yên tĩnh, tránh nhiều tiếng động mạnh, không cho ăn những món quá nóng (làm bé phỏng miệng), vị chua (làm miệng bé rát), vị cay (làm miệng bé đau). Khi bé khóc phải vỗ về, an ủi, không la rầy, nhất là không được cạo gió, cắt lể, rơ miệng... làm bé bị đau thì bệnh của bé dễ bị biến chứng hơn. Hãy cho bé được ăn những món mà bé thích. Không nên ép bé ăn quá nhiều, thức ăn thật mềm, chế biến dưới dạng chất lỏng mềm như súp, nước ép, cháo, mì… Chỉ cho trẻ ăn khi thức ăn đã nguội để tránh thức ăn nóng chạm vào vết thương trong miệng khiến bé bị đau, chia nhỏ thực đơn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Mỗi bữa chỉ nên cho bé ăn vừa no, không ép con ăn quá nhiều sẽ khiến bé sợ ăn, quấy khóc. Trong quá trình cho con ăn, cha mẹ hãy bảo vệ bé khỏi những đụng chạm vào vết loét nơi đầu lưỡi bằng cách chọn các loại muỗng không có cạnh sắc để dễ đút. Bổ sung thêm sữa bột, sữa chua, nước trái cây ngọt, bột dinh dưỡng. Súc miệng cho bé bằng nước muối sạch sau khi ăn và nghỉ ngơi khoảng 3 – 4 giờ thì ăn bữa khác. Sau 4 – 5 ngày trẻ sẽ giảm bệnh và khỏi các triệu chứng ban đầu (nôn, sốt, đau họng…), gia đình cho bé ăn theo chế độ dinh dưỡng bình thường, ăn trả bữa thêm vài cử trong ngày để giúp bé lấy lại sức khỏe như trước khi bị bệnh.

 

   

     

 

BS. Nguyễn Thành Úc
Tin liên quan