Nghiên cứu ý tưởng được ứng dụng vào thực tiễn về tư duy sáng tạo trong cuộc sống của các chuyên gia, các công ty sáng tạo để nâng cao hiệu quả Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng và Hội thi sáng tạo kỹ thuật do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các ngành có liên quan tổ chức. Bài viết này nhằm giới thiệu một số phương pháp rèn luyện kỹ năng tư duy sáng tạo. | |
Khái niệm sáng tạo
Sáng tạo là quá trình hoạt động của con người, tạo ra bất cứ cái gì có tính mới; đồng thời có tính ích lợi.
Một số câu trả lời để làm rõ khái niệm trên:
- Là một ý tưởng mới để làm ra cái mới phù hợp với thời đại và không gian sinh ra nó, mang lại giá trị.
- Là nhìn một vấn đề theo cách khác với thông thường, từ các góc độ, tầm nhìn khác nhau, không bị hạn chế bởi thói quen, bởi phong tục, bởi tiêu chuẩn.
- Là sự sắp xếp mọi thứ đã có sẵn theo một trật tự mới.
- Là tạo ra những gì thực tế cần, giúp ích cho sự tiến bộ của loài người, được mọi người đón nhận.
- Là một quá trình làm việc luôn suy nghĩ, tìm tòi và học hỏi để tìm ra cái mới, cách giải quyết tốt nhất để đạt được hiệu quả tốt nhất.
- Là quá trình tạo ra giá trị vật chất, tinh thần, mới về chất do mình khám phá, đáp ứng hai yêu cầu:
+ Có tính mới (mới về chất).
+Có giá trị so với sản phẩm cũ (có lợi hơn, tiến bộ hơn).
Khái niệm tư duy sáng tạo
Tư duy sáng tạo là chủ thể của một lĩnh vực nhằm tìm ra các phương án, biện pháp thích hợp để kích hoạt khả năng sáng tạo, để tăng cường khả năng tư duy của một cá nhân hay một tập thể làm việc chung về một vấn đề. Các vấn đề này được nghiên cứu không những về khoa học - kỹ thuật, phát minh - sáng chế mà có trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, nghệ thuật.
Các phương pháp rèn luyện kỹ năng tư duy sáng tạo
Trong cuộc sống, nếu không có kỹ năng tư duy sáng tạo thì bạn sẽ mãi là người không có bước tiến mới. Kỹ năng tư duy sáng tạo cũng chính là cách để bạn khẳng định khả năng và vị thế của mình trong xã hội. Vì vậy, cần rèn luyện được kỹ năng tư duy sáng tạo và phát huy kỹ năng này một cách hiệu quả nhất với các việc làm sau:
- Hành động
Mỗi người đều có khả năng tư duy sáng tạo, nếu không hành động thì khả năng đó sẽ mất dần theo thời gian. Vì vậy, bạn không nên chờ mọi việc sẽ tự được giải quyết hoặc sẽ có người giải quyết giúp bạn mà hãy vận động trí óc của mình, hãy nghĩ làm thế nào để giải quyết công việc của bạn như thế nào nhanh nhất, đạt kết quả cao nhất.
- Cân bằng giữa thực tế và lý tưởng
Cân bằng giữa thực tế và lý tưởng nghĩa là bạn tự chủ được tư duy sáng tạo của mình nhưng không xa rời thực tế. Tư duy sáng tạo sẽ cho bạn có những suy nghĩ, dự định có tính viễn vông nhưng dù tư duy của bạn có cao siêu tới đâu bạn cũng luôn phải nhớ rằng bạn cần phải sống, để sống được bạn cần có của cải vật chất để phục vụ cho cuộc sống.
- Thoải mái và cởi mở
Sáng tạo không xa rời thực tế cũng không nên quá căng thẳng với những công việc quen thuộc hàng ngày. Như vậy, nó sẽ giết chết khả năng tư duy sáng tạo của bạn. Hãy dành thời gian gặp gỡ, giao lưu với bạn bè, đồng nghiệp, tìm kiếm những trải nghiệm mới để đầu óc được thanh thản, thoải mái, khi đó khả năng sáng tạo của bạn sẽ được phát huy tối đa.
- Cần phá vỡ những nguyên tắc
Nếu bạn cứ rặp khuôn theo những nguyên tắc cổ hủ, mãi đi theo một lối mòn thì khả năng tư duy sáng tạo của bạn sẽ chết dần theo thời gian. Hãy dám thử thách bản thân bằng những đột phá mới trong công việc cũng như trong cuộc sống, có thể gặp rủi ro, mọi thứ sẽ trở nên không tốt khi bạn thử một phương pháp mới nhưng đó lại là cách giúp bạn tư duy tốt nhất vì nếu không tư duy, sáng tạo bạn sẽ bị khó khăn do chính mình tạo nên. Hãy dám nghĩ và dám làm, đó là cách rất tốt giúp bạn rèn luyện khả năng tư duy, sáng tạo của mình.
- Không quá lo lắng về những điều khó khăn
Việc gặp khó khăn trong cuộc sống và công việc là rất bình thường, vì vậy nếu bạn gặp phải khó khăn đừng quá lo lắng, bởi lo lắng không phải là cách giúp bạn giải quyết công việc nhanh hơn mà nó sẽ làm tàn lụi đi khả năng tư duy, sáng tạo để giải quyết vấn đề. Hãy giữ cho tinh thần luôn bình tĩnh, sáng suốt, khi đó bạn sẽ nghĩ ra cách để giải quyết khó khăn ngay. “Trong cái khó, ló cái khôn”.
- Không ỷ lại
Việc ỷ lại sẽ khiến cho bạn trở nên chậm chạp, không muốn động não khi có vấn đề cần giải quyết. Như thế, cái khả năng tư duy, sáng tạo bẩm sinh sẽ dần biến mất và bạn trở thành kẻ thụ động, không có những sáng tạo riêng. Hãy là người năng động, xắn tay vào giải quyết mọi vấn đề dù khó hay dễ, đừng cất giấu khả năng sáng tạo, nếu không một người bạn sẽ trở thành kẻ thụ động, không có chính kiến và những trải nghiệm thú vị riêng cho bản thân.
Có thể nói rằng, nếu không có tư duy sáng tạo thì không thể có một xã hội phát triển như ngày nay, chính nhờ có sáng tạo mà con người qua từng thời đại đã tạo ra biết bao thiết bị để “nối dài” khả năng của con người.
Trong công việc hằng ngày cũng vậy, nếu không có tư duy sáng tạo thì con người không thể giải quyết được những vấn đề nan giải mang tính đột phá và hoàn toàn mới lạ. Đối với các thanh - thiếu niên - nhi đồng cũng như các độ tuổi khác, tư duy sáng tạo là một phẩm chất năng động cũng như sức sống của con người, khẳng định được vị thế của mình trong thời đại mới, góp phần xây dựng xã hội ngày một phát triển./.