Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
HƯỚNG DẪN Thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang
(Ngày đăng: 26/10/2017)

Căn cứ Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-NNPTNT-BTNMT ngày 16 tháng 5 năm 2016 của liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Ngày 22/9/2017, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Hướng dẫn số 4305/HD-STNMT-SNNPTNT về việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang như sau:


I. Đối với việc thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng

1.1. Bể chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng

Việc xây dựng và bố trí các bể chứa bao gói thuốc BVTV phải đáp ứng các yêu cầu sau:

- Đặt tại các vị trí thích hợp, dễ nhận biết ven đường, trục giao thông nội đồng, bờ ruộng lớn; không bị ngập lụt, gần điểm pha chế thuốc BVTV trước khi đem đi phun rải để thuận tiện cho việc thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; không làm ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, khu dân cư, giao thông và mỹ quan nông thôn.

- Ưu tiên sử dụng quỹ đất công để bố trí; trường hợp không thể sử dụng quỹ đất công để bố trí thì Ủy ban nhân dâncấp xã thỏa thuận với người dân về địa điểm dự kiến để đặt bể chứa.

- Tùy thuộc vào đặc điểm cây trồng và mức độ sử dụng thuốc BVTV, số lượng bể chứa phải đảm bảo chứa đựng hết bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trong vùng đất canh tác nhưng đảm bảo tối thiểu phải có 01 bể chứa trên diện tích 03ha đất canh tác cây trồng hàng năm hoặc 01 bể chứa trên 10ha đất canh tác cây trồng lâu năm có sử dụng thuốc BVTV.

- Bể chứa làm bằng vật liệu bền chắc, có khả năng chống ăn mòn, không bị rò rỉ, không phản ứng hóa học với chất thải chứa bên trong; có khả năng chống thấm, không thẩm thấu chất thải ra bên ngoài; đảm bảo không bị gió, nước làm xê dịch.

- Có hình ống hoặc hình khối chữ nhật phù hợp với địa điểm đặt bể chứa, thuận tiện cho việc di chuyển. Dung tích bể chứa khoảng 0,5 - 01m3, có nắp đậy kín; nắp bể chắc chắn, không bị gió, mưa làm xê dịch và rộng hơn thành bể tối thiểu 05cm để tránh nước mưa chảy vào; bên thành đứng của bể chứa có ô cửa nhỏ gần nắp đậy có thể đóng mở dễ dàng; bể có chiều cao thích hợp để phòng ngừa nước lũ tràn vào bên trong.

- Bên ngoài bể chứa có ghi dòng chữ “Bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng” và biểu tượng cảnh báo nguy hiểm theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6707:2009 về Chất thải nguy hại - Dấu hiệu cảnh báo.

1.2. Khu vực lưu chứa (nếu có)

- Bao gói thuốc BVTV sau sử dụng được thu gom vào các bể chứa để vận chuyển đi xử lý. Trong trường hợp cần thiết (tùy vào điều kiện tại địa phương), có thể xây dựng khu vực lưu chứa bao gói thuốcBVTV từ các bể chứa để vận chuyển đi xử lý. Việc xây dựng khu vực lưu chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng phải đảm bảo các yêu cầu sau:

- Bố trí tại địa điểm xa khu dân cư, nguồn nước, chợ, bệnh viện, trường học và đảm bảo các yêu cầu khác về bảo vệ môi trường.

- Khu vực lưu chứa phải kín, không bị khuếch tán mùi hôi ra bên ngoài; có độ cao nền đảm bảo không bị ngập lụt, thiết kế tránh nước mưa chảy tràn từ bên ngoài vào; có mái che kín nắng, mưa cho toàn bộ khu vực lưu chứa bằng vật liệu không cháy; có biện pháp hoặc thiết kế hạn chế gió trực tiếp vào bên trong, có rãnh thu chất lỏng về một hố ga thấp hơn sàn đểđảm bảo không chảy tràn chất lỏng ra bên ngoài khi vệ sinh, chữa cháy hoặc sự cố rò rỉ; mặt sàn, hố ga trong khu vực lưu chứa được làm bằng vật liệu chống thấm.

- Bên ngoài khu vực lưu chứa có ghi dòng chữ “Khu vực lưu chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng (tên địa phương)” và Biểu tượng cảnh báo nguy hiểm theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6707:2009 về Chất thải nguy hại - Dấu hiệu cảnh báo. 

- Bao gói thuốc BVTV sau sử dụng tại khu vực lưu chứa được đóng gói cẩn thận trong bao bì chuyên dụng có khả năng chịu được va chạm, chống được sự ăn mòn, không bị gỉ, không phản ứng hóa học với thuốc BVTV chứa bên trong; có khả năng chống thấm hoặc thẩm thấu, rò rỉ; phải được xếp cách tường bao quanh của khu vực lưu chứa ít nhất 50cm, cao không quá 300cm, có lối đi chính thẳng hàng và rộng ít nhất 150cm; đảm bảo không để rơi vãi, phát tán bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trong quá trình tập kết từ các bể chứa đến khu vực lưu chứa.

1.3. Vận chuyển, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng

- Bao gói thuốc BVTV sau sử dụng được thu gom từ bể chứa hoặc khu vực lưu chứa được vận chuyển đến nơi xử lý theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT.

- Bao gói thuốc BVTV sau sử dụng lưu chứa ở bể chứa hoặc khu vực lưu chứa phải được chuyển đi xử lý trong vòng 12 tháng.

- Bao gói thuốc BVTV sau sử dụng ở bể chứa hoặc khu vực lưu chứa phải được chuyển giao cho đơn vị có chức năng, năng lực phù hợp để xử lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT. 

1.4. Kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng

Từ năm 2018, kinh phí xây dựng bể chứa, thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV do ngân sách cấp huyện chi từ nguồn sự nghiệp môi trường, nguồn thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải và các nguồn thu hợp pháp khác.

II. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn tỉnh 

2.1.Sở Tài nguyên và Môi trường

- Hướng dẫn việc vận chuyển,xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn tỉnh cho Ủy ban nhân dân cấp huyện và các tổ chức, cá nhân có liên quan. 

- Phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan tổng hợp dự toán kinh phí trong việc tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định pháp luật trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định.

2.2. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

- Theo dõi, hướng dẫn việc thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn, tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân trong trong việc sử dụng thuốc BVTV và thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.

- Hàng năm tổng hợp tình hình phát sinh, thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2.3. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất việc phân bổ chi sự nghiệp bảo vệ môi trường để trình Ủy ban nhân tỉnh thông báo cho các cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định pháp luật

2.4. Ủy ban nhân dân cấp huyện

- Tổ chức, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn; quản lý việc thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn.

- Quản lý hoạt động chuyển giao bao gói thuốc BVTV sau sử dụng của Ủy ban nhân dân cấp xã với đơn vị có chức năng, năng lực phù hợp theo quy định về quản lý chất thải nguy hại để vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.

- Kiểm tra, hướng dẫn việc thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng theo quy định pháp luật.

- Hàng năm, tổng hợp tình hình phát sinh, thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn quản lý, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh. 

2.5. Ủy ban nhân dân cấp xã

- Quy định địa điểm đặt bể chứa, khu vực chứa (nếu có) và triển khai xây dựng bảo đảm yêu cầu theo Mục 1.1 và 1.2 Phần I của Hướng dẫn này.

- Tuyên truyền, hướng dẫn người sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn thu gom bao gói vào bể chứa và thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan.

- Kiểm tra, hướng dẫn các tổ chức, cá nhânthu gom bao gói thuốc BVTVsau sử dụng theo quy định của pháp luật.

- Hàng năm, tổng hợp tình hình phát sinh, thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn quản lý, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện.

2.6. Người sử dụng thuốc BVTV

- Sau khi pha chế, phun rải thuốc BVTV phải thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng để vào bể chứa đã được Ủy ban nhân cấp xã xây dựng.

- Để riêng bao gói thuốc BVTV sau sử dụng với rác thải sinh hoạt và rác vệ sinh đồng ruộng.

- Không sử dụng bao gói thuốc BVTV sau sử dụng vào các mục đích khác.

- Không tự ý đốt hoặc đem chôn bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.

2.7. Doanh nghiệp đầu tư trực tiếp sản xuất cây trồng nông, lâm nghiệp có phát sinh bao gói thuốc BVTV sau sử dụng

- Tổ chức thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trong địa bàn quản lý của doanh nghiệp.

- Ký hợp đồng chuyển giao bao gói thuốc BVTV sau sử dụng với đơn vị có giấy phép xử lý chất thải nguy hại để xử lý.

- Thực hiện trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải nguy hại theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT.

- Trả chi phí cho việc xây dựng bể chứa, thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng do doanh nghiệp quản lý.

2.8. Đơn vị quản lý bể chứa, khu vực lưu chứa (nếu có)

- Căn cứ vào thực tế từng địa phương, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã có thể lựa chọn đơn vị quản lý bể chứa, khu vực lưu chứa.

- Đơn vị quản lý bể chứa, khu vực lưu chứa trực tiếp thu gom, hoặc ký hợp đồng hoặc huy động sự hỗ trợ của tổ chức, cá nhân thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng từ bể chứa đến khu vực lưu chứa và bao gói thuốc BVTV sau sử dụng không để đúng nơi quy định trên địa bàn quản lý.

- Đơn vị quản lý bể chứa, khu vực lưu chứa ký hợp đồng với đơn vị có chức năng, năng lực phù hợp để xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng và đứng tên đăng ký Sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại hoặc báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ; kê khai chứng từ và chuyển giao bao gói thuốc BVTV sau sử dụng theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT.

2.9. Tổ chức, cá nhân vận chuyển, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng thực hiện theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT.

Trên cơ sở trách nhiệm được giao tại Hướng dẫn này và quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-NNPTNT-BTNMT, các cơ quan, đơn vị và địa phương cụ thể hóa công việc hàng năm, lập, dự trù kính phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện./.

 

Huỳnh Thị Tú Quyên - CCBVMT
Tin liên quan