Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Hợp tác xã Thạnh Hưng, xã Thạnh Trị sản xuất rau VietGAP trong nhà lưới
(Ngày đăng: 26/10/2017)

Hợp tác xã (HTX) rau an toàn Thạnh Hưng thuộc ấp Thạnh Hưng, xã Thạnh Trị, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) được thành lập vào năm 2013, có tổng diện tích sản xuất rau theo VietGap gần 3 ha, sản lượng 550 tấn/năm, với 15 chủng loại rau ăn như cải xanh, cải ngọt, cải thìa, mồng tơi, rau dền, rau muống, bầu, bí, khổ qua, dưa leo, ngò gai, húng quế, đậu bắp, đậu đũa, mướp. HTX đạt chứng chứng nhận VietGap năm 2014 và tái chứng nhận lần 2 vào ngày 13/12/2016, thị trường tiêu thụ chủ yếu của HTX là Siêu thị Metro Tp.HCM và Công ty TNHH Mỹ Châu Tp. Mỹ Tho (Tiền Giang).
Trồng rau trong nhà lưới

 

Ông Nguyễn Hiệp Thuận, Giám đốc HTX cho biết, được thành lập trên cơ sở nòng cốt là những nông dân ở huyện Gò Công Tây đã tham gia sản xuất rau theo tiêu chuẩn an toàn cung ứng cho HTX rau an toàn Gò Công trước đó, nên HTX có nhiều thuận lợi trong việc triển khai sản xuất và tiêu thụ theo hợp đồng.

 

Nhận thức được rằng, để phát triển bền vững, thành viên gắn bó hơn với HTX, HTX không có con đường nào khác là liên kết chặt chẽ trong sản xuất và tiêu thụ; đẩy mạnh sản xuất theo GAP. Vì thế, dù mới thành lập vào tháng 11-2013 (HTX có 25 thành viên với diện tích 4 ha sản xuất rau an toàn (RAT) ở 2 ấp thuộc 2 xã Đồng Thạnh và Thạnh Trị, còn nhiều khó khăn, HTX vẫn cố gắng duy trì và củng cố mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất với tiêu thụ thông qua các hợp đồng ký kết giữa HTX với nông dân; nỗ lực nâng tiêu chuẩn sản xuất rau nhằm tìm cơ hội ổn định đầu ra, mở rộng các nơi tiêu thụ.

 

Trên cơ sở kinh nghiệm có được từ sản xuất RAT trước đó, tháng 6-2014, HTX bắt tay vào triển khai sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP và được phần lớn thành viên của HTX hưởng ứng. Kết quả, đến cuối năm 2014, HTX Thạnh Hưng và 16 hộ thành viên trồng rau với diện tích sản xuất 3 ha đã đạt chứng nhận VietGAP. Điều mà các hộ thành viên vui mừng hơn hết là những diện tích này được bao tiêu hết sản phẩm với giá thu mua cố định trong 1 năm theo hợp đồng ký kết, bảo đảm cho nông dân có lời.

 

“Trước đây do chưa đạt được chứng nhận VietGAP, HTX phải cung ứng rau cho hệ thống Metro qua đơn vị trung gian với sản lượng mỗi ngày từ 1,2 - 1,6 tấn rau các loại. Sau khi đạt chứng nhận VietGAP, HTX đã xúc tiến thủ tục trở thành đối tác trực tiếp của Metro; đồng thời tích cực mở rộng thị trường, đa dạng hóa đối tác tiêu thụ như đưa rau vào các hệ thống siêu thị, bếp ăn tập thể” - ông Thuận cho biết.

 

Anh Nguyễn Văn So, ấp Thạnh Hưng, xã Đồng Thạnh (huyện Gò Công Tây) phấn khởi khi nói về mô hình tiêu thụ rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP thông qua hợp đồng của HTX Thạnh Hưng: “0,4 công đất trồng cải xanh đang cho thu hoạch ước khoảng 1,5 tấn, với giá bán 3.000 đồng/kg theo hợp đồng đã ký với HTX ngay từ đầu năm, tôi cầm chắc lời khoảng 3 triệu đồng. Vụ này năng suất rau thấp nên lời ở mức như thế, những vụ năng suất cao, lợi nhuận còn tốt hơn. Từ khi tham gia HTX Thạnh Hưng, sản xuất rau theo tiêu chuẩn an toàn, VietGAP và được bao tiêu sản phẩm, tôi không còn phải lo lắng về giá cả, thương lái thu mua rau như trước”. Anh Huỳnh Văn Định, cùng ấp Thạnh Hưng (xã Đồng Thạnh) cũng cho biết, anh trồng rau đã 7 - 8 năm. Trước đây, anh trồng rau bán cho thương lái theo hình thức “mua đứt bán đoạn” như bao người trồng rau khác trong vùng nên có vụ lỗ, có vụ lời do giá thay đổi bất thường. Từ khi tham gia HTX hơn 1 năm nay, sản xuất theo quy trình của đơn vị thu mua, tiêu thụ theo hợp đồng, vụ nào anh cũng có lời.

 

Trước khi tham gia HTX, anh Định đã tham gia trồng rau an toàn (RAT) cung ứng cho HTX Rau an toàn Gò Công nên có kinh nghiệm trong sản xuất RAT và tiêu thụ. Nhưng do HTX rau an toàn Gò Công ở xa nơi sản xuất nên việc cung ứng rau và đi lại khó khăn. Từ khi tham gia HTX Thạnh Hưng, việc sản xuất, cung ứng RAT, nhất là từ khi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP có nhiều thuận lợi hơn.

 

Được HTX cung cấp giống (thanh toán sau khi thu hoạch), xuống giống theo lịch của HTX và được HTX thu mua toàn bộ sản lượng rau thu hoạch với giá theo hợp đồng đã ký kết trước đó nên người trồng rất an tâm sản xuất.

 

“Sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP giúp giảm chi phí, được bao tiêu sản phẩm với giá ổn định trong 1 năm tuy lợi nhuận không cao nhưng bảo đảm có lời ổn định, không phải phập phồng lo giá lên, xuống. Người trồng chỉ lo tập trung vào khâu kỹ thuật sao cho năng suất rau cao, chất lượng tốt thì lợi nhuận sẽ cao. Trong khi đó, những nông dân trồng rau bên ngoài, sau khi xuống giống, họ vừa lo kỹ thuật, vừa lo giá cả lên, xuống” - anh Định bày tỏ.

 

Anh Định cho biết, vụ vừa rồi, anh trồng 0,6 công cải ngọt, thu hoạch 2,7 tấn, bán với giá 3.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn lời 6 triệu đồng. Không chỉ ở vụ vừa rồi mà những vụ trước đó lợi nhuận thu được cũng vậy. Theo chiết tính của anh, trung bình mỗi năm sản xuất 8 vụ rau, lợi nhuận thu được  từ 40 - 50 triệu đồng.

 

Đây là 2 trong số 16 thành viên sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP của HTX với tổng diện tích 3 ha, được HTX hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Với phương thức tạm ứng giống trước, thanh toán sau, sắp xếp lịch xuống giống hợp lý và thu mua hết sản phẩm sau khi thu hoạch với giá cố định theo hợp đồng, các hộ thành viên trồng rau an tâm sản xuất, gắn bó hơn với HTX.

 

Trên cơ sở kinh nghiệm có được từ sản xuất RAT trước đó, tháng 6-2014, HTX bắt tay vào triển khai sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP và được phần lớn thành viên của HTX hưởng ứng. Kết quả, đến cuối năm 2014, HTX Thạnh Hưng và 16 hộ thành viên trồng rau với diện tích sản xuất 3 ha đã đạt chứng nhận VietGAP. Điều mà các hộ thành viên vui mừng hơn hết là những diện tích này được bao tiêu hết sản phẩm với giá thu mua cố định trong 1 năm theo hợp đồng ký kết, bảo đảm cho nông dân có lời.

 

“Trước đây do chưa đạt được chứng nhận VietGAP, HTX phải cung ứng rau cho hệ thống Metro qua đơn vị trung gian với sản lượng mỗi ngày từ 1,2 - 1,6 tấn rau các loại. Sau khi đạt chứng nhận VietGAP, HTX đã xúc tiến thủ tục trở thành đối tác trực tiếp của Metro; đồng thời tích cực mở rộng thị trường, đa dạng hóa đối tác tiêu thụ như đưa rau vào các hệ thống siêu thị, bếp ăn tập thể” - ông Thuận cho biết. 

 

Ông Thuận cũng cho biết thêm, từ tiền đề thuận lợi này, HTX đang có hướng mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trong thời gian tới. Tuy nhiên, do vấn đề đầu ra còn hạn chế nên HTX chưa thể thực hiện. “Nếu đầu ra được tăng cường, HTX sẽ mở rộng mô hình, góp phần thúc đẩy sản xuất rau trên địa bàn theo hướng bền vững” - ông Thuận bày tỏ.

Để tiếp tục đảm bảo uy tín và chất lượng sản phẩm rau trên thị trường; đặc biệt, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay HTX đã tạo bước đột phá mới trong canh tác từ canh tác ngoài đồng sang canh tác rau trong nhà lưới  áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới: ứng dụng hệ thống tưới phun sương, sử dụng phân hữu cơ, nấm Trichoderma góp phần làm tăng hiệu quả kinh tế, tăng được vòng quay của thời vụ trồng rau ăn lá.

 Theo ông Thuận – Giám đốc HTX rau an toàn Thạnh Hưng cho biết mô hình trồng rau trong nhà lưới được thành viên HTX đánh giá cao. Hiện tại, HTX có khoảng 08 nhà lưới trồng rau được đầu tư trồng các loại rau ăn lá như rau muống, mồng tơi… Bên cạnh đó, một số hộ có điều kiện còn lắp đặt hệ thống tưới phun tự động không chỉ tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm nước, mà còn hạ giá thành sản xuất sản phẩm so với tưới thủ công; đặc biệt nhờ độ ẩm trong vườn luôn đồng đều nên sản phẩm rau sẽ đạt chất lượng tốt hơn. Canh tác rau trong nhà lưới có ưu điểm là ngăn ngừa được côn trùng phá hoại nên giảm được tối đa lượng thuốc trừ sâu sử dụng, sản phẩm rau an toàn hơn. Tăng được số vòng quay thời vụ cho rau ăn lá do trồng được cả mùa mưa mà chất lượng mẫu mã rau vẫn đảm bảo. Do diện tích ít, người trồng rau tập trung đầu tư thâm canh nên năng suất vẫn đảm bảo, thậm chí năng suất rau mùa mưa còn cao hơn so với trồng ngoài đồng ruộng. Tuy nhiên về mùa khô do không được thông gió, nhiệt độ trong nhà lưới cao hơn ở ngoài 1-2oC làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây rau, để khắc phục trình trạng này, một số hộ sử dụng hệ thống tưới phun sương.  Bên cạnh đó, do thâm canh tăng vụ liên tục trên một diện tích nhỏ hẹp nên dễ dàng  phát sinh một số loại bệnh trên rau như héo rũ, thối cổ rễ… “Giá nhà lưới cũng khá cao cho nên bà con nông dân còn ngần ngại chưa dám đầu tư. Nhà lưới trồng rau vẫn là mô hình đang được khuyến khích sử dụng để nâng cao chất lượng nông nghiệp. Bà con nông dân nên mạnh dạn đầu tư để mang lại nguồn rau sạch cho người sử dụng” – ông Thuận khuyến cáo.

Mô hình nhà lưới tại HTX rau an toàn Thạnh Hưng là một mô hình mới nên việc trồng rau trên một diện tích nhỏ, muốn đạt hiệu quả người trồng rau phải đầu tư thâm canh, áp dụng kỹ thuật mới trong việc bón phân, chăm sóc, sử dụng giống mới và tăng vụ. Đây là một bước đột phá mới trong việc đưa các công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp./.

 

Kiều Tước Nguyên
Tin liên quan