Chương trình khai hoang vùng Đồng Tháp Mười (Tiền Giang) được đẩy mạnh những năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đã mang lại hiệu quả lớn về kinh tế - xã hội. Qua đó, không chỉ có thêm một huyện mới được thành lập là Tân Phước mà còn giúp cho nhiều nông dân trước đây nghèo khó, tay trắng đã dựng nên cơ nghiệp vững bền nhờ phát huy tiềm năng vùng đất mới đưa vào sản xuất, chăn nuôi, xây dựng những mô hình kinh tế tổng hợp hiệu quả. | |
Một trong những người đổi đời nhờ chương trình khai hoang vùng Đồng Tháp Mười là ông Nguyễn Văn Bé Hai, cư ngụ tại ấp Mỹ Thuận, xã Thạnh Mỹ, huyện Tân Phước. Anh Bé Hai kể, mình quê ở xã Long Khánh, thị xã Cai Lậy. Năm 1995 hưởng ứng chủ trương nhà nước về khai hoang vùng Đồng Tháp Mười, anh vào Thạnh Mỹ mua 1,5 ha đất dựng nghiệp với giá 15 triệu đồng (thời điểm 1995). Anh khai hoang, lên líp trồng dứa (khóm).
Dứa là cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng vùng Đồng Tháp Mười, chịu phèn, năng suất cao, đầu ra thuận lợi vừa phù hợp chủ trương xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu của nhà nước. Để đạt hiệu quả, anh Bé Hai quan tâm ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh cây dứa. Đặc biệt là chú trọng khâu làm đất đúng kỹ thuật, chọn giống tốt, trồng với mật độ vừa phải. Sau chu kỷ 3 năm thu hoạch, anh phá ra trồng lại để bảo đảm năng suất, chất lượng dứa cũng như hiệu quả kinh tế.
Với cách làm như thế, dứa đạt năng suất đến 30 tấn/ha, cao hơn 10 tấn/ha so với mức bình quân toàn vùng. Mỗi ha dứa, sau khi thu hoạch, bán trừ chi phí anh còn thu lãi 30 triệu đến 40 triệu đồng. Nhờ cây dứa, cuộc sống gia đình anh Nguyễn Văn Bé Hai qua vài năm vào lập nghiệp đã ổn định, thu nhập cao hơn hẳn ở quê cũ thiếu đất canh tác, đời sống khó khăn.
Có thu nhập, tích lũy, anh dành tái sản xuất vừa thuê mướn thêm mở rộng diện tích đất canh tác. Đến nay, gia đình anh có vùng dứa chuyên canh 9 ha trong đó gồm 3 ha đất nhà và 6 ha đất thuê. Với số đất trồng chuyên canh dứa kể trên, mỗi năm gia đình anh đạt sản lượng dứa trên 240 tấn, bán giá bình quân cả năm 4.000 đ/kg, anh đạt giá trị sản lượng gần 1 tỉ đồng, trừ chi phí, lãi ròng từ 400 đến 500 triệu đồng, trở thành triệu phú nông thôn. Năm qua, anh Nguyễn Văn Bé Hai vừa đầu tư gần 1 tỉ đồng cất một căn nhà khang trang trên đất nhà, kề bên con lộ nam Tràm Mù (xã Thạnh Mỹ, Tân Phước).
Anh Nguyễn Văn Bé Hai phấn khởi cho biết, nhờ hưởng ứng chủ trương khai hoang sản xuất Đồng Tháp Mười của Đảng và Nhà nước anh mới có cơ nghiệp ngày hôm nay. Bưng bát cơm đầy, anh không quên những năm tháng gian nan, cực khổ đổ mồ hôi, sôi nước mắt trên đồng đất Đồng Tháp Mười để khai hoang sản xuất, đưa vào trồng trọt.
Với tinh thần nhường cơm sẻ áo và hết lòng vì cộng đồng, hàng năm anh đều bỏ ra vài ba triệu đồng từ thu nhập của mình tham gia vào các công tác xã hội, giảm nghèo nông thôn tại địa phương thông qua việc giúp đỡ cây con giống, cho hộ nghèo mượn vốn liếng, đóng góp công của kiện toàn kiến thiết hạ tầng. Ông Cao Văn Sáng, chủ tịch Hội nông dân xã Thạnh Mỹ đánh giá cao tinh thần cần cù, vượt khó lập nghiệp trên vùng đất mới cũng như tham gia công tác xã hội của anh Nguyễn Văn Bé Hai. Đó là một tấm gương điển hình về nông dân sản xuất – kinh doan giỏi, lập nên cơ nghiệp bền vững trên Đồng Tháp Mười (Tiền Giang) hôm nay.
Ông Nguyễn Văn Bé Hai chăm sóc ruộng khóm (dứa)