Hiện nay, tình hình sạt lở bờ kênh rạch tại tỉnh Tiền Giang đang diễn ra ngày càng phức tạp, nghiêm trọng, đe dọa an toàn về tính mạng và tài sản nhân dân. Theo ông Cao Văn Hóa, Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, chỉ tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra trên 50 điểm sạt lở mới với tổng chiều dài 7.220m trong đó có hàng chục điểm sạt lở nguy hiểm trên rạch Cái Bè (huyện Cái Bè), trên sông Cổ Cò (huyện Cái Bè), sông Rạch Ruộng (huyện Cái Bè), trên sông Ba Rài (huyện Cai Lậy), trên sông Trà Tân (huyện Cai Lậy), trên kênh Nguyễn Tấn Thành (Châu Thành),.. | |
Sạt lở ở rạch Cái Bè, xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè |
Điển hình nhất là điểm sạt lở ven bờ rạch Cái Bè thuộc xã Đông Hòa Hiệp mới xảy ra vào thời điểm cuối tháng 6/2017 với chiều dài đoạn sạt lở 32 m và ăn sâu vào đất liền hàng chục mét làm mất cả một đoạn lộ giao thông nông thôn, đe dọa sự an toàn về tính mạng và tài sản của hai hộ dân ấp An Thạnh, xã Đông Hòa Hiệp. Bà Nguyễn Thị Bảy, 64 tuổi, nhà ngay điểm sạt lở hết sức lo âu cho biết: Sạt lở xảy ra vào ban đêm làm mất đoạn đường giao thông nông thôn, hai trụ điện đồng thời mất một phần khoảng sân nhà của gia đình bà. Trước tình hình sạt lở còn phức tạp, bà phải di dời đồ đạc, đưa con cháu đến tạm trú ở nhà người thân để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản.
Tương tự, bờ sông Cổ Cò thuộc địa bàn ấp Thái Hòa, xã An Thái Đông, Cái Bè cũng xảy ra nhiều điểm sạt lở trong đó nguy hiểm nhất là điểm sạt lở kề chợ Cổ Cò. Điểm sạt lở này dài hơn chục mét, hết sức nguy hiểm bởi ăn sâu vào đất liền đe dọa mất đường giao thông nông thôn và ba căn hộ dân ven đường. Theo chị Đổng Thị Khánh Loan, nhà trong vùng sạt lở nguy hiểm nhân dân cho biết, hiện nay, thềm nhà chị đã bị rạn nứt rất nguy hiểm. Những ngày tới lại vào cao điểm mùa mưa lũ Đồng bằng sông Cửu Long nếu các ngành chức năng không có giải pháp khắc phục e rằng gia đình chị không thể tiếp tục sinh sống an toàn được.
Tình hình sạt lở bờ sông rạch đáng lo ngại bởi ngày càng phức tạp. Nguyên nhân do tỉnh nằm ở hạ lưu sông Tiền, có mạng lưới sông ngòi kênh rạch chằng chịt, nền đất yếu; lượng phù sa và bùn cát từ thượng nguồn đổ về đang có xu hướng giảm mạnh; sự biến đổi dòng chảy, …
Hiện nay, tỉnh đang đầu tư 16,9 tỉ đồng xử lý 18 điểm sạt lở lớn. Các điểm sạt lở nhỏ thì giao cho cấp huyện, xã xử lý. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang kiến nghị Trung ương hỗ trợ khẩn cấp 491 tỉ đồng xử lý 7 điểm sạt lở nguy hiểm và qui mô quá lớn mà địa phương khó đầu tư khắc phục được để bảo đảm an toàn về tính mạng và tài sản nhân dân.
Tỉnh đề ra nhiều giải pháp từ phi công trình đến giải pháp công trình nhằm khắc phục và phòng chống sạt lở. Về giải pháp phi công trình thì coi trọng việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về trách nhiệm phòng chống sạt lở, trồng cây chắn sóng, chắn gió; nuôi lục bình gây bồi chống sạt lở,…Đối với những điểm sạt lở lớn cần có các giải pháp công trình như: đầu tư kinh phí thi công xử lý, di dời dân và cơ sở hạ tầng nông thôn khỏi vùng nguy cơ sạt lở…
Những ngày tới vào cao điểm mùa mưa lũ Đồng bằng sông Cửu Long, tình hình sạt lở bờ sông rạch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang còn nguy hiểm và diễn biến phức tạp, khó lường. Phòng chống và khắc phục sạt lở đang là một trong những vấn đề bức thiết đòi hỏi sự chung tay của các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân đồng thời phải thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ, căn cơ và khả thi, ngay từ bây giờ để giảm bớt thiệt hại./.