Với ý chí kiên cường và bản lĩnh của anh bộ đội Cụ Hồ, đã thôi thúc anh thương binh 1/4 Nguyễn Văn Quởn, xã Phú Phong, huyện Châu Thành nỗ lực vượt khó, vươn lên bằng nghị lực rất đáng khâm phục của mình bằng nghề sửa và kinh doanh điện tử, điện gia dụng. | |
Anh Quởn (thứ 2 từ trái sang) đang dạy học trò sửa điện tử. |
Anh Quởn kể, với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, năm 1986 khi vừa tốt nghiệp Trung học cơ sở, anh Quởn đã tình nguyện lên đường làm nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường bạn, ngày xuất ngũ trở về với thân hình không được trọn vẹn, 2 chân bị liệt. Anh rơi vào chán nản, tuyệt vọng và bi quan vì nghĩ mình đã trở thành người vô dụng, làm khổ cho gia đình. Nhưng được sự động viên của đồng đội và gia đình, anh dần quên đi nỗi đau này.
Nhớ lại lời Bác Hồ dạy là “Thương binh tàn nhưng không phế”, anh Quởn quyết định xin theo học nghề sửa chữa điện tử ở địa phương, sau đó anh được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh giới thiệu đi học ở Trường dạy nghề Thương binh quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh. Sau thời gian miệt mài học tập, anh về quê mở tiệm sửa điện tử ở chợ Phú Phong, huyện Châu Thành kiếm sống qua ngày. Với tính cần cù, chịu thương chịu khó, tiệm điện của anh Quởn ngày một đông khách và trở thành địa chỉ đáng tin cậy của người dân trong vùng mỗi khi cần sửa hay mua đồ điện gia dụng.
Đồng cảm, sẻ chia với nghị lực vượt khó của anh thương binh trẻ, năm 2004, chị Nguyễn Hồ Phương Uyên, một giáo viên ở xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây đã cùng anh nên duyên vợ chồng. Hiện anh chị có 2 cháu trai kháu khỉnh, học giỏi, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Đây cũng là động lực để anh thương binh Nguyễn Văn Qưởn quên đi khiếm khuyết của cơ thể, phấn đấu không ngừng trong cuộc sống để có được kết quả đáng trân trọng như ngày hôm nay.
Khi trở thành một người sữa chữa đồ điện có tiếng trong vùng, anh Quởn bắt đầu nhận học viên vừa dạy cách sữa chữa đồ điện tử vừa hỗ trợ gia đình công việc buôn bán hàng ngày. Bình quân, anh Quởn trả cho mỗi học viên phụ việc với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Tính đến nay anh đã dạy cho hơn 20 học viên thành nghề trong và ngoài địa phương có việc làm ổn định. Chính sự nhiệt tình và nghiêm túc trong nghề nghiệp, công việc làm ăn của anh Quởn ngày càng phát triển, có điều kiện sữa chữa lại nhà cửa, mở rộng cơ sở buôn bán, mua thêm đất để sản xuất. Bên cạnh đó, với uy tính của mình, anh Quởn còn được một công ty chuyên kinh doanh về các sản phẩm điện tử ở TP. Hồ Chí Minh đề nghị làm đại lý bán hàng. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thành quả sau bao năm vượt khó của anh thương binh đầy nghị lực này. Anh Quởn chia sẻ: “Một người bị liệt hai chân như tôi nếu cứ bi quan thì rất dễ rơi vào chán nản, tuyệt vọng. Chính vì thế, hãy sống lạc quan, tự nỗ lực vượt lên chính mình, mọi việc rồi sẽ được đền bù xứng đáng. Tôi có một lời khuyên đối với thế hệ trẻ, các em hãy cố gắng lao động, học tập, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội, đừng ăn chơi lêu lỏng mà lãng phí tuổi trẻ”.
Với tinh thần vượt khó, chăm lo phát triển kinh tế gia đình, nhiều năm liền anh Quởn được khen tặng danh hiệu sản xuất - kinh doanh giỏi. Vinh dự, anh từng được tỉnh chọn đi Hà Nội và Cần thơ dự báo cáo điển hình tiên tiến thương binh vượt khó, làm kinh tế giỏi, xứng đáng là tấm gương sáng vượt khó để nhiều người học hỏi, noi theo.
Nhận xét về anh thương binh ¼ Nguyễn Văn Quởn, ông Võ Huy Hoàng, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phú Phong, huyện Châu Thành nhận xét: “Anh Quởn là một thương binh tiêu biểu của xã, anh có nghị lực rất đáng khâm phục, từ một người sửa chữa điện tử thông thường mà anh đã xây dựng được cơ ngơi đồ sộ để trở một ông chủ như ngày hôm nay. Anh tích cực tham gia công tác hội, các hoạt động xã hội ở địa phương. Hằng năm, gia đình anh tích cực đóng góp kinh phí cùng địa phương xây dựng đường giao thông nông thôn, ủng hộ đồng bào bị lũ lụt, tặng quà cho học sinh, bà con nhân dân có hoàn cảnh khó khăn, thăm và tiễn tân binh lên đường nhập ngũ…Chúng tôi rất tự hào về anh”./.