Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng được dự báo là vùng ảnh hưởng bởi tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) do nước biển dâng cao và sự biến đổi thuỷ tính của dòng sông Mê kông. Tình trạng nầy dẫn đến các thách thức hiện tại trong vấn đề nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, thiếu nước ngọt cho trồng trọt và chăn nuôi rất lớn. Do đó việc thay đổi cơ cấu vật nuôi và cây trồng phù hợp với môi trường cụ thể, việc quy hoạch một hệ thống thuỷ lợi đa chức năng, hài hoà giữa các mùa trong năm là hết sức cấp bách. | |
Nhằm giảm nhẹ ảnh hưởng và thích ứng với tình hình BĐKH trong sản xuất nông nghiệp,các nhà khoa học đã đề xuất những giải pháp tối ưu nhất cho sản xuất nông nghiệp bền vững trong thời gian tới như sau:
1. Tạo giống cây trồng và vật nuôi mới
Sử dụng công nghệ gen và di truyền trong việc lựa chọn giống, tạo dòng mới có năng suất cao, chống chịu được với stress nhiệt trong điều kiện BĐKH là một trong số lựa chọn thích hợp để ứng phó, giảm thiểu thiên tai và phát triển nông nghiệp bền vững.
Để thích ứng với hoàn cảnh đất canh tác thường xuyên bị nhiễm mặn theo chu kỳ, chính quyền các cấp, các nhà khoa học và người nông dân cần quan tâm hơn đến việc gieo trồng các loại cây trồng, lúa thích hợp với loại đất bị nhiễm mặn. Đối với những vùng đất thiếu nước ngọt nghiêm trọng, việc sử dụng các giống cây chịu mặn, sử dụng ít nước hơn có thể mang lại một giải pháp có triển vọng trong tương lai, nếu thử nghiệm thành công thì sẽ bớt phụ thuộc vào nguồn nước ngọt. Giải pháp này không chỉ để thích ứng với BĐKH trong tương lai mà cũng bổ sung kịp thời vào cơ cấu và đa dạng hoá các giống cây trồng, vật nuôi của các địa phương ven biển hiện nay. Qua đó, mở rộng thêm những vùng đất ngập mặn có thể canh tác lúa hoặc ở những vùng mặn hoá vì nghề nuôi tôm, có thể khôi phục sản xuất lúa, hoặc chuyển đổi vật nuôi, góp phần nâng cao sản lượng lương thực, thực phẩm cho xã hội, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
2. Thay đổi hệ thống canh tác và công nghệ tưới tiêu
Hiện nay với sự xâm lấn mặn vào nội đồng thì cần phải thay đổi hệ thống canh tác để thích ứng, ví dụ như mô hình lúa - tôm được đánh giá là có hiệu quả tại nhiều vùng ngập mặn. Thực tế vùng dọc theo bờ biển Tây Nam Bộ là khu vực chiếm 50% diện tích nuôi trồng thuỷ sản cả nước đã phát triển một mô hình canh tác độc đáo: Trồng lúa nước ngọt và nuôi tôm nước mặn, người dân bắt đầu mùa nắng lấy nước mặn nuôi tôm, mùa mưa giữ nước ngọt để trồng lúa, trở thành một vụ tôm - một vụ lúa trên cùng miếng đất. Theo các nhà khoa học, hệ thống canh tác lúa - tôm mang lại lợi ích thiết thực vì không cần phải tốn kém để ngọt hoá và hiệu quả kinh tế của nuôi tôm cao hơn trồng lúa.
Chuyển đổi cơ cấu mùa vụ cây trồng cũng là một sự lựa chọn cần quan tâm. Cơ cấu và hệ thống cây trồng, vật nuôi được tổ chức, sắp xếp lại. Với ảnh hưởng của BĐKH, mùa sinh trưởng của cây trồng sẽ kéo dài. Ngoài ra, mùa khô hạn sẽ kéo dài và xuất hiện sớm hơn, do đó thời vụ gieo trồng cũng phải được nghiên cứu, sắp xếp lại cho phù hợp với điều kiện khí hậu ấm lên. Tuy theo điều kiện cụ thể của từng vùng mà xuống giống sớm hay muộn để tránh mặn và né lũ.
Đối với chăn nuôi gia súc, gia cầm cần đầu tư phát triển mạnh các hình thức nuôi ở quy mô trang trại để tạo điều kiện quản lý vật nuôi, thực hiện các quy trình quản lý thích hợp hơn. Việc cung cấp thức ăn, nước uống cũng sẽ tốt hơn, tạo điều điện cho vật nuôi thích ứng tốt với điều kiện BĐKH. Ngoài ra, để chủ động nguồn thức ăn cần nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật tăng cường việc sản xuất, chế biến, sử dụng thức ăn chăn nuôi từ các nguồn khác nhau kể cả phụ phẩm của ngành công nghiệp chế biến, phụ phẩm nông nghiệp…đảm bảo sự hài hoà về chất dinh dưỡng, tăng khả năng thích ứng với môi trường, đồng thời, còn tăng khả năng kháng bệnh và giảm các chất thải ra môi trường.
Tóm lại: Tuỳ theo điều kiện sinh thái từng vùng (nước ngọt, nước mặn, nước lợ, ngập úng…) mà chính quyền và nhà khoa học cùng nhau nghiên cứu quy hoạch tổng thể chi tiết cho các vùng về trồng và nuôi con nào (lúa, bắp, cây ăn trái…), mô hình canh tác nào (lúa-cá-màu, lúa-tôm, rau an toàn…) cho phù hợp phá thế độc canh cây lúa, đồng thời giảm tổn thương do BĐKH gây ra. Việc quy hoạch vùng sản xuất thành các vùng chuyên canh phù hợp với tình hình BĐKH và NBD đảm bảo nước tưới, hạn chế xâm nhập mặn, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi là giải pháp có tính lâu dài và bền vững.
3. Biện pháp thủy lợi
Trong điều kiện thiếu nước ngọt, chính quyền cần có quy hoạch trong việc xây dựng các dự án dự trữ, tưới, tiêu tiết kiệm nước ở quy mô lớn, vừa và nhỏ đáp ứng yêu cầu cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân.
Sử dụng nguồn nước khoa học và hợp lý trong sản xuất và đời sống; quản lý hiệu quả và bảo vệ nguồn nước ngầm, nước mặt. Nghiên cứu, quy hoạch khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên nước ngầm làm căn cứ sử dụng hợp lý và bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên này.
Củng cố và nâng cấp hệ thống cống, trạm bơm điện đảm bảo vững chắc bơm tưới, tiêu phục vụ kịp thời và có hiệu quả cho sản xuất, khôi phục hệ thống thuỷ lợi nội đồng.
Nghiên cứu xây dựng mới, nâng cấp hệ thống đê biển và đê vùng cửa sông, nâng nền các công trình sát biển, xây đê cao 1m - 1,2m để bảo vệ cảng biển, di tích, điểm du lịch…trong vùng ngập do NBD.
Cần có những chương trình để hỗ trợ cho những vùng ven biển, tìm cách giữ nước mưa bằng nhiều hình thức khác nhau, từ những cách như chứa bằng lu, bằng thùng hay chứa trong ao, mương, hầm, túi chứa nước bằng nylon…để giữ nước lâu dài hơn.
4. Trồng mới và củng cố rừng ngập mặn ven biển
- Đối với các khu rừng tự nhiên: Tạo hành lang cho cây tái sinh ở bìa rừng phía biển bằng cách ổn định bãi và bảo vệ bãi không cho phép các hoạt động đánh bắt hải sản ở khu vực nầy, đặc biệt là vào mùa tái sinh của các cây tiên phong.
- Đối với các khu rừng ngập mặn được trồng nhân tạo: Đối với các khu rừng đã trồng cây ngập mặn thuần loại các năm trước phải tiếp tục trồng loại cây này để mở rộng đai rừng về phía biển và trồng cây hỗn giao xen lẫn.
- Đối với bãi bồi: Đối với bãi bồi trong quá trình bồi tụ chưa có rừng ngập mặn cần tiến hành trồng các loại cây thích hợp với điều kiện cụ thể của bãi vào mùa vụ hợp lý.
- Đối với các vùng bãi đang bị xói lở: phải xây dựng các kè, mỏ hàn và tường chắn song để nuôi bãi và tạo bãi theo tính toán thiết kế. Sau đó mới lựa chọn giống cây tiên phong thích hợp đã được ươm trong bầu đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cần thiết rồi mới đem trồng trên bãi mới được tạo lập.
5. Xây dựng hệ thống thông tin dự báo với sự tham gia của cộng đồng
Các nhà khoa học cần xây dựng một cơ sở dữ liệu thông tin đa chiều với sự tham gia của người dân. Hiện tại số lượng các trạm của nhà nước dự báo không nhiều, do đó khó dự báo một cách chính xác cho tất cả các khu vực. Vì vậy cần kết hợp nguồn thông tin quan trắc từ các trạm này, kết hợp với thông tin từ người dân cung cấp thì các nhà khoa học sẽ nắm bắt sâu rộng hơn về tình hình biến đổi thuỷ triều, mặn xâm nhập…ở một vùng nào đó mà ít tốn thời gian và chi phí.
Nhìn chung, BĐKH mang lại nhiều thách thức cho sản xuất nông nghiệp. Thiết nghĩ đã đến lúc Nhà nước cũng như các nhà khoa học trong nước cùng nhau bắt tay vào việc đầu tư, nghiên cứu những tác động cụ thể của BĐKH cũng như đưa ra những dự báo và giải pháp thiết thực hơn để giảm nhẹ thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp trong tương lai, góp phần ổn định an ninh lương thực trong nước cũng như trên thế giới. bên cạnh đó mỗi người dân cũng cần phải tự tìm hiểu nâng cao nhận thức của mình trong thời đại “Biến đổi khi hậu toàn cầu” để bảo vệ trái đất, bảo vệ ngôi nhà chung và cũng chính là bảo vệ cho lợi ích của chính mình./.