Nhờ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng, nhiều hộ gia đình đã trở nên khá, giàu với những mô hình cụ thể. Ông Lê Quốc Vũ, ấp Mỹ Chánh 4, xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè là một điển hình cụ thể làm giàu nhờ mô hình ương cá bột. | |
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, ông Vũ luôn trăn trở và tìm mọi cách để thích nghi với cuộc sống mới. Ông Vũ cho biết: “Cuộc sống thời bình không chết chóc như thời chiến nhưng muốn hoà nhập với cuộc sống thời bình đòi hỏi người lính Bộ đội cụ Hồ phải tiếp tục chiến đấu để chống giặc đói, giặc nghèo, góp phần xây dựng quê hương, đất nước”.
Sau bao trăn trở cùng với việc tham quan các mô hình ương cá bột, cá giống đạt hiệu quả kinh tế cao, cuối cùng gia đình ông Vũ quyết định đào ao ương các loại cá như: Cá trôi, cá mè hoa, cá tra, các chép 3 dòng máu…Do biết cách ương, cá bột đạt yêu cầu nên được người nuôi ở khắp nơi đổ về mua cá bột, ương lại thành cá giống để bán cho người nuôi. Nhờ những quyết định đúng đắn, từ một vài trăm mét vuông mặt nước ban đầu, đến nay, gia đình ông Vũ đã có 2,3 hecta đất đào ao ương cá bột lẫn cá giống. Ông Vũ chia sẻ: “Ương cá bột nói dễ không dễ nhưng nói khó thì cũng không quá khó, quan trọng là người ương phải chịu khó, phải biết áp dụng các tiến bộ Khoa học kỹ thuật vào ương cá, thất bại không nản chí. Mỗi lần ươm tích luỹ một ít kinh nghiệm, từ đó mới có những vụ cá đạt chất lượng cao, con giống khoẻ mạnh, được người nuôi ưa chuộng”.
Theo ông Vũ, thời gian ương cá bột đến khi trưởng thành bán cá giống khá ngắn, mỗi năm có thể ương được 3 đến 4 vụ, năng xuất cũng như lợi nhuận cao hơn ươm cá giống bởi chi phí đầu tư không nhiều. Ông Vũ nói: “Tùy thuộc vào diện tích của ao, phải được đào sâu khoảng từ 1 - 1,5m, đáy phẳng hơi nghiêng về phía cống. Ao phải chủ động cấp thoát nước khi cần, mặt ao thoáng, bờ ao chắc chắn không có cây rậm. Rào lưới xung quanh ao để ngăn ngừa dịch hại của cá lọt vào ao ương. Trong quá trình thu hoạch, các thao tác phải thật nhanh và nhẹ nhàng, tránh làm cá mệt, nhằm hạn chế tỷ lệ hao hụt khi vận chuyển”.
Từ những thành công ban đầu và được sự chia sẻ kinh nghiệm của ông Vũ, đến nay ấp Mỹ Chánh 4, xã Hậu Bắc A đã có hơn 100 hộ và toàn xã hơn 200 hộ gắn bó với nghề ương cá bột, đây cũng là một trong những thế mạnh của địa phương góp phần nâng cao thu nhập, đạt tiêu chí “hộ nghèo” trong quá xây dựng nông thôn mới hiện nay. Ông Vũ chia sẻ thêm: “Đến nay, xã Hậu Mỹ Bắc A gần như là địa phương cung cấp cá bột cho người chăn nuôi không chỉ trong tỉnh mà được các hộ ươm cá giống ở một số tỉnh lân cận và các tỉnh miền Trung về đây lấy cá bột về ương thành cá giống để chăn nuôi hoặc bán lại cho người chăn nuôi nhỏ lẽ. Nhờ việc ương cá bột cho hiệu quả kinh tế khá cao, thị trường ổn định nên bà con nhân dân chúng tôi cũng an tâm gắn bó, góp phần nâng cao thu nhập, xoá khó, giảm nghèo hiệu quả cho địa phương. Hàng năm, việc ươm cá bột đã mang về cho gia đình anh Vũ nguồn thu đáng kể”.
Nói về ông Lê Quốc Vũ, ông Nguyễn Văn Sao, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè nhận xét: “Xã Hậu Mỹ Bắc A hiện có rất nhiều hộ gia đình ương cá bột nhưng nói về hiệu quả, cũng như kỹ thuật thì anh Vũ là người đi đầu, cá bột của anh Vũ ương ra rất chất lượng, được người mua lựa chọn nhiều. Ương ra bao nhiêu là thương lái đến thu gom hết bấy nhiêu. Không chỉ làm giàu cho riêng mình, anh Vũ còn hỗ trợ kinh nghiệm, kỹ thuật ương cá cho hội viên CCB và bà con nhân dân tại địa phương làm theo, cùng nhau làm giàu. Chúng tôi đánh giá cao vai trò của anh Vũ”./.