Những năm gần đây do ảnh hưởng toàn cầu về biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây nên hạn, mặn đã làm thay đổi nhiều đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp vùng ngọt hóa Gò Công, chủ yếu là cây lúa. Theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, mùa khô năm 2016, mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ xâm nhập sâu, sớm và kéo dài. Thực tế từ đầu tháng 2/2016, đã có sự gia tăng đột biến (trong thời gian ngắn - khoảng 1 tuần) của dòng chảy từ thượng lưu về đồng bằng. Do đó, tình trạng xâm nhập mặn sẽ có một số thay đổi quan trọng. | |
Lễ khởi công xây dựng hệ thống kiểm soát xâm nhập mặn vùng ngọt hóa Gò Công ( Ảnh: Báo Ấp Bắc) |
Từ ngày 8-25/2, độ mặn sẽ giảm khá mạnh trên các vùng ven biển ĐBSCL, trên các sông chính trong phạm vi cách biển 25-40 km xuất hiện nước ngọt, nhất là vào lúc triều thấp. Các cống đầu nguồn vùng ngọt hóa Gò Công đã tranh thủ nguồn nước ngọt này để bơm vào cứu lúa. Nhưng từ đầu tháng 3/2016 trở đi, mặn có khả năng duy trì ở mức cao, nghiêm trọng như đã dự báo trước đó. Khu vực ảnh hưởng lớn nhất là huyện Gò Công Đông, đến cuối tháng 2/2016 đã có gần 1.000 ha lúa Đông Xuân bị mất trắng. Qua tổng kết công tác phòng, chống hạn, mặn vụ Đông Xuân 2015-2016, toàn vùng ngọt hóa Gò Công thiệt hại khoảng 3.000 ha lúa.
Để góp phần giảm thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra đối với vùng ngọt hóa Gò Công, các giải pháp công trình và phi công trình đã được thực hiện như sau:
Đối với các giải pháp công trình: Ngày 24-2, tại xã Long Hòa, TX. Gò Công, Liên doanh nhà thầu gồm Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Tiền Giang, Công ty Cổ phần tập đoàn Quốc tế Đông Á tổ chức lễ động thổ xây dựng hệ thống kiểm soát xâm nhập mặn vùng Gò Công.
Các cống thi công gồm: cống Nguyễn Văn Côn, cống Salisette và cống Sơn Quy do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang làm chủ đầu tư.
Theo thiết kế, cống Nguyễn Văn Côn có khẩu diện 2 x 7,5m, cửa tự động bằng thép không rỉ, đóng mở 2 chiều, có cầu giao thông với bề rộng mặt đường 7m, bề rộng toàn cầu 7,5m. Cống được xây dựng tại bờ Nam rạch Vàm Giồng thuộc địa phận xã Long Chánh và Long Hòa, thị xã Gò Công.
Cống Salisette có khẩu diện 10m, đóng mở 2 chiều, rộng mặt đường 7m bề rộng toàn cầu 7,5m, được xây dựng trên kênh Salisette thuộc địa phận xã Long Thuận và Phường 5 thị xã Gò Công.
Cống Sơn Quy có khẩu diện 2 x10m bề rộng mặt đường 7m, bề rộng toàn cầu 8m được xây dựng trên rạch Sơn Quy thuộc địa phận xã Tân Trung và xã Long Hưng, TX. Gò Công. Tất cả các công đều có cao trình ngưỡng cống -3m.
Việc nâng cấp hệ thống kiểm soát xâm nhập mặn, cải tạo môi trường thị xã Gò Công, giữ nước ngọt cho vùng dự án, đảm bảo nguồn nước tưới cho trên 34 ngàn ha đất canh tác nông nghiệp thuộc Dự án ngọt hóa Gò Công kết hợp giải quyết ô nhiễm cho nội ô thị xã Gò Công trong mùa khô, qua đó nâng cấp mở rộng các đoạn đê hiện hữu làm nhiệm vụ ngăn mặn.
Xây dựng hệ thống kiểm soát xâm nhập mặn vùng Gò Công sẽ hoàn thành trong tháng 9 năm 2017.
Đề xuất các giải pháp phi công trình: Để duy trì hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, trong đó chủ lực là cây lúa cho vùng ngọt hóa Gò Công, ngoài giải pháp công trình được Nhà nước đầu tư và các giải pháp phi công trình do các ngành, tổ chức chuyên môn hướng dẫn thực hiện, lãnh đạo và nhân dân địa phương vùng ngọt hóa Gò Công cần nghiên cứu thêm các giải pháp kỹ thuật canh tác giúp cho cây lúa khỏe trong điều kiện nắng nóng và hạn mặn do các nhà khoa học Trường Đại học Cần Thơ đề xuất cho vùng chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn ở ĐBSCL, đó là:
1. Điều chỉnh thời vụ xuống giống vụ hè thu
Chọn thời điểm trời bắt đầu có mưa, thời tiết mát mẻ hơn mới xuống giống, thường vào khoảng cuối tháng 4 đầu tháng 5 dương lịch. Thời vụ xuống giống như vậy bên cạnh giúp cây lúa khỏe hơn còn hạn chế được bù lạch tấn công và có nước cho cây lúa. Canh tác lúa 2 vụ/năm mới có điều kiện tốt để điều chỉnh thời vụ xuống giống vụ Hè Thu như đã nói ở trên.
2. Chuẩn bị đất thích hợp trước khi xuống giống
Củng cố bờ bao, kiểm tra cống bọng, kiên quyết không để nước mặn lên ruộng là việc cần phải làm thường xuyên trong mùa khô. Cần phải cày và để ải sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân. Rửa bỏ nước ruộng vài lần trước khi sạ lúa Hè Thu là việc cần phải làm mặc dù có tốn nhiên liệu. Nếu đất bị nhiễm mặn và có phèn phải bón vôi nung (CaO) với liều lượng 30-50 kg/công trước khi rửa bỏ nước ruộng. Trong trường hợp đất bị nhiễm mặn nhưng không phèn nên bón thạch cao (CaSO4) hữu hiệu hơn.
3. Xử lý hạt giống trước khi sạ
Để giúp cây lúa non chống chịu lại nắng nóng, hạn và mặn sau khi sạ, khi ngâm ủ nên ngâm lúa giống trong dung dịch phân Kali (phân muối ớt) với liều lượng 2g trên lít nước, vì Kali giúp cây lúa non giảm ngộ độc muối Natri ở đất bị nhiễm mặn, sau đó rửa sạch hạt giống với những loại thuốc có khả năng giúp rễ lúa phát triển mạnh (để chống hạn sau này) như thuốc Cruiser với liều lượng pha 10 cc trong 1/2 lít nước, trộn đều cho 1 giạ giống đang ủ ở thời điểm từ 6-12 giờ trước khi đem sạ.
4. Kiểm tra độ mặn mỗi lần bơm nước cho lúa
Dùng dụng cụ đo độ mặn kiểm tra độ mặn trong kênh rạch trước khi bơm lên ruộng. Nếu độ mặn dưới 2,5‰ vẫn có thể bơm nước lên ruộng được, nhưng khi nước mặn trên 10‰ thì không được bơm nước nữa. Khi tưới nước mặn cho lúa cần phải bơm nhiều nước, xả bỏ nước cũ và thay nước mới thường xuyên để tránh bốc hơi làm tăng độ mặn của nước trong ruộng. Khi bơm nước cho ruộng lúa trong thời điểm hạn, mặn cần lấy nước trên mặt và theo dõi diễn biến độ mặn thường xuyên theo con nước./.