Một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
(Ngày đăng: 05/06/2017)
Ngày 18/11/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2017. Nghị định này thay thế Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ. Nghị định gồm có 4 chương, 63 điều. | |
Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định tại Nghị định này bao gồm: Các hành vi vi phạm các quy định về kế hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường và đề án bảo vệ môi trường; Các hành vi gây ô nhiễm môi trường; Các hành vi vi phạm các quy định về quản lý chất thải; Các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ (sau đây gọi chung là cơ sở) và khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, khu kinh doanh dịch vụ tập trung (sau đây gọi chung là khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung); Các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, phế liệu, chế phẩm sinh học; nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng; hoạt động lễ hội, du lịch và khai thác khoáng sản; Các hành vi vi phạm các quy định về thực hiện phòng, chống, khắc phục ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường; Các hành vi vi phạm hành chính về đa dạng sinh học bao gồm: Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên; bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật và bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên di truyền; Các hành vi cản trở hoạt động quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính và các hành vi vi phạm quy định khác về bảo vệ môi trường. Các hành vi vi phạm hành chính có liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường mà không quy định tại Nghị định này thì áp dụng theo quy định tại các Nghị định khác của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan để xử phạt.
Nghị định xử phạt đối với các đối tượng sau: Cá nhân, tổ chức trong nước và cá nhân, tổ chức nước ngoài (sau đây gọi chung là cá nhân, tổ chức) có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều bị xử phạt theo các quy định tại Nghị định này hoặc các Nghị định có liên quan; Hộ gia đình, hộ kinh doanh cá thể vi phạm các quy định của Nghị định này bị xử phạt như đối với cá nhân vi phạm.
Hình thức xử phạt chính, mức xử phạt: Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau đây: Cảnh cáo; Phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân và 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức. Ngoài hình thức phạt tiền, tùy vào tính chất, mức độ của từng hành vi mà các cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể bị xem xét xử lý theo các hình thức xử phạt bổ sung và buộc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả tương ứng.
Nghị định số 155/2016/NĐ-CP cũng quy định về thẩm quyền, xử phạt. Trong đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền phạt tiền đến 5.000.000 đồng; chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền phạt tiền đến 50.000.000 đồng; chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng; trưởng công an xã có thẩm quyền phạt lên đến 2.500.000 đồng; trưởng công an huyện và trưởng phòng Cảnh sát môi trường cấp tỉnh có thẩm quyền xử phạt lên đến 25.000.000 đồng; Giám đốc Công an tỉnh có thẩm quyền xử phạt lên đến 50.000.000 đồng; thanh tra viên chuyên ngành, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành bảo vệ môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường đang thi hành công vụ có thẩm quyền phạt tiền lên đến 500.000 đồng; Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường có thẩm quyền phạt lên đến 50.000.000 đồng./.
Huỳnh Thị Tú Quyên - CCBVMT TG
Tin liên quan