Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Bước đầu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến vùng Gò Công, tỉnh Tiền Giang
(Ngày đăng: 27/05/2017)

Theo Ủy ban Liên minh Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), biến đổi khí hậu (BĐKH) là sự biến đổi trạng thái của hệ thống khí hậu, có thể nhận biết qua sự biến đổi về trung bình và sự biến đổi về các thuộc tính của nó, được duy trì trong một thời gian đủ dài, điển hình là hàng thập kỷ hoặc dài hơn.

 

BĐKH có thể do các quá trình tự nhiên bên trong hệ thống khí hậu hoặc do những tác động từ bên ngoài hoặc do tác động thường xuyên của con người làm thay đổi thành phần cấu tạo của khí quyển, hoặc sử dụng đất.

 

Phần lớn các nhà khoa học cho rằng một số hoạt động sản xuất của con người đã và đang gây ảnh hưởng đến khí hậu toàn cầu. Nguyên nhân chủ yếu là do tăng nồng độ của các khí nhà kính trong khí quyển dẫn đến tăng hiệu ứng nhà kính. Đặc biệt quan trọng là khí carbon được tạo thành do sử dụng năng lượng từ nhiên liệu hoá thạch (dầu mỏ, than đá, khí tự nhiên…), phá rừng và chuyển đổi sử dụng đất.

 

BĐKH không chỉ là vấn đề môi trường, mà còn là mối đe dọa toàn diện, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, tình trạng cung cấp lương thực toàn cầu, vấn đề di dân và đe dọa hoà bình an ninh thế giới. BĐKH, mà trước hết là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng (NBD) là một trong những thách thức lớn đối với nhân loại trong thế kỷ 21. Thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan khác đang gia tăng ở hầu hết các nơi trên thế giới, nhiệt độ và mực nước biển trung bình toàn cầu tiếp tục tăng nhanh chưa từng có và đang là mối lo ngại của các quốc gia trên thế giới. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH toàn cầu. Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Tiền Giang được xác định là khu vực nhạy cảm đặc biệt đối với những hiện tượng thời tiết cực đoan và những thay đổi của khí hậu.

 

Theo tác giả đề tài nghiên cứu “Nghiên cứu đặc điểm khí hậu và bước đầu đánh giá sự tác động của biến đổi khí hậu đến vùng Gò Công tỉnh Tiền Giang”:

 

Sự biến đổi về nhiệt độ không khí trung bình tại Tiền Giang tăng rất đáng kể, đặc biệt từ năm 1988 đến 2011 nhiệt độ TB tăng 0,1oC/thập niên. Tại Tiền Giang khả năng đến 2050 nhiệt độ trung bình tăng 1,0-1,4oC, đến 2100 nhiệt độ trung bình tăng 1,7-2,6oC.

 

Sự biến đổi về lượng mưa tại Mỹ Tho, xu hướng tăng mạnh và rõ rệt khả năng đến 2050 lượng mưa tăng 0,7-0,8 %, đến năm 2100 lượng mưa tăng 1,0-1,9 % so với thời kỳ 1980-1999. Lượng mưa có xu hướng tăng và thời kỳ La-Nina và giảm vào thời kỳ El-Nino (gây ra hạn hán, cháy rừng), cường độ mưa lớn tăng có thể gây ra ngập lụt, sạt lở ven bờ.

 

Kết quả đề tài với chuỗi số liệu 1984-2012 cho thấy:

 

Tại trạm Vàm Kênh thì mực nước cao nhất tăng trung bình 0,9 cm/năm, mực nước trung bình tăng 0,8 cm/năm và mục nước thấp nhất tăng trung bình 1 cm/năm. Nhận định đến cuối thế kỷ, mực nước tại Vàm Kênh tăng lên 79-88 cm, trong đó mục nước thấp nhất tăng hơn mục nước cao nhất.

 

Tại trạm Hoà Bình thì mục nước cao nhất tăng trung bình 0,8 cm/năm, mục nước trung bình tăng 0,8 cm/năm và mục nước thấp nhất tăng trung bình 0,9 cm/năm. Đến cuối thế kỷ mục nước tại Hòa Bình dâng lên khoảng 70-79 cm, trong đó mục nước thấp nhất tăng hơn mực nước cao nhất.

 

Độ mặn nước biển khoảng 36-40 ‰, khi nước biển dâng độ mặn này sẽ đi sâu vào đất liền, vào nội đồng. Với bản đồ nguy cơ ngập tại đồng bằng sông Cửu Long khi nước biển dâng toàn bộ vùng Gò Công bị nguy cơ ngập cao và độ mặn sẽ bằng độ mặn nước biển vào mùa mặn sẽ kéo dài hơn.

 

Tiền Giang nằm trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (phía Đông Bắc), đây là khu vực dễ chịu tác động của BĐKH như nước biển dâng và xâm nhập mặn; lũ lụt; khó tiêu thoát nước; sạt lở đất; bão và áp thấp nhiệt đới; hạn hán...

 

Tiền Giang, trong đó có khu vực Gò Công bao gồm 3 huyện và 1 thị xã, là vùng cửa sông thuộc hạ lưu sông Tiền và sông Vàm Cỏ, là khu vực đầu tiên chịu tác động do ảnh hưởng xấu của thời tiết gây ra như áp thấp nhiệt đới, bão, xâm nhập mặn, nước biển dâng… Những năm gần đây xuất hiện bão và áp thấp nhiệt đới với tần suất cao hơn, ngày càng có nhiều cơn bão trái mùa vào mùa khô hoặc cuối mùa mưa ảnh hưởng đến Tiền Giang. Tháng 12/2006 cơn bão DURIAN đi ven vùng Gò Công làm thiệt hại không nhỏ đến sản xuất và đời sống người dân, ảnh hưởng đến các công trình đê biển và đê sông. Vì đây là vùng cửa sông , nên diễn biến của thời tiết do tác động của BĐKH sẽ gây ra ảnh hưởng nặng nề nhất.

 

Hiện tượng nóng lên toàn cầu và nước biển dâng dẫn đến gia tăng cường độ xói lở bờ biển tác động đến cảng cá và khu dân cư cùng với nhiều công trình, cơ sở hạ tầng giao thông nằm sát biển. Bên cạnh đó hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển bị ảnh hưởng trầm trọng do xói lở, gió, nước biển dâng. Xâm nhập mặn sâu hơn vào nội địa, nhất là khi có hạn hán ảnh hưởng đến khả năng cấp nước ngọt, giảm chất lượng nước mặt và nước ngầm. BĐKH sẽ làm cho diện tích vùng bị nhiễm mặn vùng ven biển tăng lên đáng kể, làm giảm sút sản lượng lúa, thủy sản và nhiều hậu quả khác về môi trường. Kinh tế của Tiền Giang bao gồm: nông nghiệp, thuỷ sản và cung cấp nước (cho sản xuất và đời sống), bởi Tiền Giang là vùng sản xuất lúa chất lượng cao và nuôi trồng thuỷ sản tập trung của tỉnh và phần lớn sinh kế của người dân phụ thuộc vào nông nghiệp và thuỷ sản.

 

Những giải pháp có thể đưa ra chung cho tỉnh Tiền Giang, trong đó có khu vực Gò Công:

 

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu mang tính chất tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, có tính chất kế thừa, điều chỉnh, bổ sung, tiếp thu những ưu điểm của các công trình nghiên cứu trước đây. Tiếp theo là vấn đề quy hoạch, đặc biệt là ngành tài nguyên nước. Bên cạnh đó, về vấn đề nâng cao nhận thức cộng đồng, cần tạo ra một sự thức tỉnh mới trong cộng đồng xã hội về thực trạng của BĐKH ảnh hưởng trực tiếp đến địa phương, để từ đó có kinh nghiệm ứng phó với những diễn biến mới xuất hiện như bão, nước biển dâng…; Đồng thời cũng cần đào tạo nâng cao kỹ năng, kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ để có thể tiếp nhận và ứng dụng thành công sự hỗ trợ, tư vấn của các chuyên gia, các tổ chức quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực lồng ghép các tác động có liên quan.

 

Việc xây dựng mối quan hệ đối tác giữa các doanh nghiệp, cộng đồng trong việc thích ứng với BĐKH là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược ứng phó với BĐKH của địa phương tỉnh nhà, giảm khả năng tổn hại và góp phần đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai./.

 

KS. Nguyễn Văn Re
Tin liên quan