Hiện nay, nông dân các tỉnh Nam bộ: Tiền Giang, Trà Vinh đang áp dụng rất thành công mô hình đa dạng đối tượng thủy sản nuôi trên ao tôm sú cho hiệu quả kinh tế cao. Ước tính có gần 600 hộ dân tại các huyện: Trà Cú, Cầu Ngang, Châu Thành (tỉnh Trà Vinh) và Gò Công Đông (Tiền Giang) thả nuôi gần 21 triệu con giống thủy sản các loại sau khi thu hoạch xong vụ tôm sú chính vụ, chủ yếu tôm càng xanh, cá kèo, cá rô phi dòng gifl góp phần tạo thêm nguồn nông sản hàng hóa có giá trị đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. | |
Đa dạng hóa đối tượng thủy sản nuôi trên ao tôm sú tại ven biển bộ là cách làm sáng tạo của người nông dân địa phương đang được khuyến khích nhờ tính bền vững, giảm thiểu được rủi ro và khắc phục những nhược điểm do tình trạng độc canh. Đi đầu trong phong trào có ông Nguyễn Văn Chà, cư ngụ tại xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông. Sau khi thu hoạch tôm sú xong, ông thả thêm 400.000 con cá kèo giống thu 06 tấn cá thương phẩm trên diện tích 1,5 ha ao nuôi và lãi gần 100 triệu đồng. Còn mô hình nuôi tôm càng xanh lấp vụ trên ao tôm sú cũng cho năng suất bình quân 1,5 tấn/ha mặt nước cho lãi 50 60 triệu đồng/ha. Đơn cử như ông Nguyễn Văn Tiếp, cư ngụ tại xã Mỹ Hiệp, huyện Cầu Ngang tỉnh Trà Vinh có 0,8 ha ao nuôi theo mô hình tôm sú tôm càng xanh thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm.
Thời vụ được nông dân bố trí hợp lý. Thường vào mùa khô thả tôm sú chính vụ. Khi thu hoạch xong tôm sú, trời sa mưa, độ mặn trên ao giảm bà con cải tạo ao đầm thả tiếp các đối tượng thủy sản khác. Chỉ riêng tỉnh Tiền Giang đã có trên 120 ha đang áp dụng mô hình luân vụ tôm càng xanh hoặc cá kèo, cá rô phi trên ao tôm sú. Hiện nay, nhờ nguồn tôm sú, tôm càng xanh, cá kèo dồi dào, đầu ra ổn định, giá tiêu thụ ở mức cao nên nông dân vùng ven biển Nam bộ phấn khởi. Ngoài tỉnh Tiền Giang và Trà Vinh, tỉnh Bến Tre đang phát triển mạnh nghề nuôi tôm càng xanh tại các huyện: Mõ Cày, Giồng Trôm, Châu Thành với diện tích lên đến 2.400 ha cũng mở ra một hướng làm giàu mới./.
Nguồn: Website Tiền Giang