Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Giải pháp ứng phó hiệu quả với tình hình hạn mặn trong nuôi trồng thủy sản
(Ngày đăng: 21/04/2017)

Để giảm thiểu các tác động tiêu cực trước tình hình biến đổi khí hậu, người nuôi thuỷ sản cần thực hiện các giải pháp kỹ thuật để đối phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn. Qua theo dõi kinh nghiệm của người nông dân đồng bằng sông Cửu Long bước đầu mang lại hiệu quả, nhất là trong mùa khô năm 2016.


Đối với nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh

 

Cần gia cố bờ, cống để tránh hiện tượng rò rỉ, có ao lắng đúng quy cách, thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trước khi thả tôm và trong quá trình nuôi bằng cách sử dụng chế phẩm sinh học xử lý nước để đảm bảo sức khoẻ tôm nuôi và giữ môi trường bền vững, hạn chế mất nước và thay nước khi môi trường nuôi ổn định.

 

Chọn tôm giống có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch và có chất lượng tốt. Thực hiện ươm vèo trước khi thả giống nuôi thương phẩm. Chỉ thả giống khi nhiệt độ nước dưới 30oC (sáng sớm hoặc chiều mát). Thả nuôi với mật độ hợp lý (tôm thẻ dưới 80 con/m2, tôm sú 5-15 con/ m2). Duy trì độ mặn 10-25‰; O­­2 > 3 mg/l; pH từ 7,8-8,5; độ kiềm từ 80-150 mg/l.

 

Cung cấp lượng thức ăn hợp lý theo kích cỡ và mật độ, giảm 15-30% lượng thức ăn trong những ngày nắng nóng. Định kỳ 15 ngày/lần bổ sung vitamin C, các khoáng vi lượng, men tiêu hoá trộn vào thức ăn cho tôm, thời gian mỗi đợt từ 5-7 ngày để tăng sức đề kháng, giúp tôm lột xác đồng loạt và nhanh cứng vỏ; từ 10-15 ngày/lần sử dụng các loại chế phẩm sinh học để xử lý nước và đáy ao nuôi, lượng dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

 

Thường xuyên điều chỉnh và duy trì các yếu tố môi trường nằm trong khoảng thích hợp để nâng cao hiệu quả sản xuất. Duy trì mực nước tối thiểu 1,3-1,5 m, nếu cần cấp bổ sung nước thì lấy nước từ ao lắng, xử lý trước khi cấp vào ao nuôi; đồng thời chạy quạt nước để tránh hiện tượng phân tầng nhiệt độ, tăng cường oxy và giảm thiếu oxy cục bộ.

 

Nuôi tôm quảng canh cải tiến

 

Tập trung gia cố bờ bao, cống để gia tăng khả năng giữ nước. Chủ động bơm trữ nước vào mương và ao đầm nuôi khi mực nước cao ở các tuyến kênh. Thả giống ở mức độ phù hợp và cần ươm đạt kích thước 1,5-2 cm (nuôi chuyên tôm: mật độ thấp hơn 10 con/ m2; nuôi kết hợp cua, cá… mật độ 1-3 con/ m2).

 

Canh tác tôm-lúa

 

Ruộng nuôi không nên rộng hơn 1 ha. Diện tích mương từ 25-40% so với ruộng lúa. Mương bao rộng 2,5-3,5 m, sâu 0,8-1,2 m. Bờ mương rộng 3-4 m, phải được đầm nén thật cẩn thận, tránh rò rỉ. Mỗi ruộng nên có ao chứa, ao lắng để cung cấp nước cho ruộng nuôi vào những lúc cần thiết. Giống thả cần ươm đạt kích cỡ từ 1,5-2 cm với mật độ từ 2-3 con/ m2/vụ.

 

Đối với nghêu nuôi thương phẩm

 

Chỉ nuôi trong điều kiện môi trường thích hợp cho sinh trưởng và phát triển như: gần cửa sông (bổ sung dinh dưỡng), bằng phẳng, độ dốc thấp và ít sóng gió, thời gian phơi bãi không quá 4-5 giờ/ngày; độ mặn thích hợp từ 15-25 ‰…Khuyến cáo người dân không nên thả giống vào thời điểm thời tiết không thuận lợi từ tháng 1-3 âm lịch. Mật độ thả giống từ 180-200 con/ m2; cỡ giống nuôi từ 400-600 con/kg.

 

Theo dõi tình hình biến động của thời tiết và môi trường nước (nhiệt độ, độ mặn…), mật độ và tình hình sức khoẻ theo từng vùng, từng khu vực nhằm sớm phát hiện các biến động bất thường để có giải pháp phù hợp như: san thưa (chỉ san thưa khi cần thiết, thực hiện khi lúc thuỷ triều xuống và hoàn thành trước khi phơi bãi), không thực hiện lúc bãi khô hoặc nhiệt độ cao, di dời đến vùng an toàn hoặc thu hoạch khi đạt kích thước thương phẩm nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra, nên thu trước tháng 1 âm lịch.

 

Có biện pháp khai thông các vùng đọng nước để tránh hiện tượng đọng nước cục bộ, gây nhiệt độ tăng cao làm nghêu chết. Nếu phát hiện nghêu chết trên bãi, lập tức thu gom để tránh ảnh hưởng sang các cá thể còn sống.

 

Một số đối tượng nuôi nước ngọt

 

Chủ động lấy nước ngọt vào ao chứa để dự trữ, đồng thời giám sát, chỉ đạo và hướng dẫn người nuôi có kế hoạch thả giống phù hợp, không nên thả giống vào thời điểm khô hạn và bị xâm nhập mặn. Theo dõi, quản lý môi trường ao nuôi chặt chẽ, đặc biệt là quản lý thức ăn, trong khẩu phần thức ăn cần bổ sung vitamin, khoáng chất… để tăng cường sức đề kháng. Tăng cường sử dụng chế phẩm vi sinh nhằm cải thiện chất lượng nước, góp phần hạn chế việc thay nước thường xuyên.

 

Đối với cá tra và cá lăng nha, khi độ mặn tăng cao trên 8‰ và kéo dài 5-7 ngày thì có kế hoạch tiến hành di dời cá nuôi đến vùng nuôi an toàn. Đối với cá rô phi và các điêu hồng nuôi bè, khi độ mặn trên 3‰ cần di dời bè vào hệ thống các ao đất nhằm giảm thiệt hại có thể xảy ra.

 

 

Ao nuôi tôm thẻ chân trắng trong mùa nắng tại Tiền Giang

 

KS. Nguyễn Văn Re
Tin liên quan