Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Sáng chế thiết bị tưới rau màu tiện dụng
(Ngày đăng: 23/03/2017)

Ông Võ Văn Thanh (ấp Tân Hòa, Tân Hương, Châu Thành, Tiền Giang) vừa sáng chế thành công thiết bị tưới rau màu rất tiện dụng. Thiết bị này được ông sử dụng để tưới ruộng dưa leo diện tích 2,5 công (2.500 m2) chỉ mất 40 phút với lượng xăng tiêu hao khoảng 0,5 lít.
Ông Võ Văn Thanh đang lắp ráp thiết bị tưới theo đặt hàng.

 

Trong quá trình canh tác ruộng dưa leo (diện tích 2.500 m2), nhận thấy việc tưới dưa bằng biện pháp thủ công (dùng thao để tát), vừa tổn hao sức lực, vừa mất nhiều thời gian, nên ông Thanh suy nghĩ phải tìm cách sử dụng máy móc để thay thế sức người.

Đầu tiên, ông sử dụng máy cắt cỏ để chế lại thành máy bơm nước. Tuy nhiên, để vận hành thiết bị này, người tưới phải mang và luồn lách trong các rỗng dưa nên rất bất tiện. Khi chuyển sang sử dụng máy xăng làm nguồn bơm tưới, vấn đề đặt ra là phải thiết kế phao để cố định và giúp máy di chuyển trên mặt nước sao cho tiện dụng. Sau khi dùng thao rồi thùng nhớt làm phao không đạt yêu cầu, cuối cùng, chiếc phao được thiết kế bằng cách ghép các ống nhựa lại đã giúp ông thực hiện thành công ý tưởng của mình.

Thiết bị tưới gồm máy xăng 4 thì, công suất 1,5 HP (do Đài Loan sản xuất), được đặt trên phao làm bằng 4 đoạn ống nhựa PVC (Æ114) ngang 0,45 mét, dài 1 mét nối với nhau bằng 4 co vuông. Máy được lắp 1 lúpê đặt theo phương thẳng đứng để tiện việc hút nước trực tiếp từ ruộng dưa (trong lúc vừa tưới, vừa di chuyển). Đầu ra của máy được thiết kết 2 ống nhựa để phun nước cho 2 mô dưa 2 bên khi máy di chuyển dọc theo rãnh nước (nằm giữa 2 mô). 2 ống nhựa dùng làm vòi tưới được ông thiết kế rời để tiện việc tháo lắp (khi mới gieo hạt hay dưa mới mọc mầm, ra lá, dùng ống tưới có đường kính 27mm được đục nhiều lỗ nhỏ để không làm trôi hạt, trốc rễ; khi dưa đã lớn sử dụng ống nhựa đường kính 21mm nhưng không đục lỗ). Điểm đặc biệt của thiết bị này là có thể tự vận hành khi tưới. Khi vận hành, 2 vòi tưới (ống nước) 2 bên phun nước lệch về phía sau một góc khoản 45 độ nên tạo ra phản lực đẩy thiết bị tự di chuyển về phía trước.

Ngoài ra, ở phía trước phao, ông còn thiết kế chỗ đặt bình nhựa 5 lít dùng để tưới phân. Theo đó, phân được pha loãng và cho vào bình, ở đáy bình nhựa có lắp ống nhựa dẻo (được đấu vào đường ống nối với lúpê và có có van điều chỉnh lưu lượng phân) để hòa phân vào nguồn nước được dẫn từ lúpê lên tưới cho gốc dưa (1 bình nhựa phân có thể được điều chỉnh để tưới được 2 mô dưa gồm 4 hàng gốc dây).

Theo ông Thanh, thiết bị trên có thể tưới ruộng dưa leo diện tích 2,5 công  trong vòng 40 phút với lượng xăng tiêu hao khoảng 0,5 lít. Trong thời gian canh máy, ông có thể tranh thủ nhổ cỏ, bắt ngọn hay chăm sóc dưa… “Nếu 2 rãnh nước dọc tiếp giáp với các rãnh nước ngang (ở 2 đầu) có bố trí các góc lượn (dùng gỗ hay thép lá, thép tròn uốn góc bo tròn) để định hướng, thiết bị này có thể tự di chuyển và liên tục tưới các mô đất tiếp theo cho đến hết ruộng dưa” – ông Thanh cho biết.  

Ông Phạm Văn Triều – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hương nhận xét: Thiết bị tưới rau màu do ông Võ Văn Thanh sáng chế rất tiện dụng, hiệu quả do ít tốn nhiêu liệu khi vận hành nhưng lại giúp nâng cao năng suất và sử dụng hiệu quả lao động hơn (nếu 2 người dùng thao để tưới ruộng dưa trên phải mất 1 buổi trong khi nếu dùng máy để tưới chỉ mất thời gian khoảng 40 phút; đồng thời, khi canh máy tưới, có thể tranh thủ thời gian để làm việc khác như: nhổ cỏ, chăm sóc rau màu…)   

 

Sau khi tìm hiểu thực tế vận hành của thiết bị tưới tại ruộng dưa, 2 nông dân trong xã rất ưng ý và đã đặt hàng ông Thanh sản xuất thiết bị trên để phục vụ sản xuất rau màu. Theo ông Thanh, thiết bị trên được bán với giá trên 4 triệu đồng.

 

Ông Võ Văn Thanh đang vận hành thiết bị tưới tại ruộng dưa.

 

 

 

Hồng Yến
Tin liên quan