Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Giải pháp ứng phó với khô hạn vườn cây ăn trái
(Ngày đăng: 08/03/2017)

Biến đổi khí hậu dẫn đến tình trạng hạn hán kéo dài càng gây thiệt hại lớn đến vườn cây ăn trái. Để “sống chung” với hạn hán, nhà vườn đồng bằng sông Cửu Long đã vận dụng linh hoạt và nhuần nhuyễn câu nói của cha ông “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”.
 

 

Cần có nước tưới đúng lúc

Nước đóng vai trò xuyên suốt đời sống của cây. Trường hợp hạn làm mất nước trong khoảng đất quanh bộ rễ, cây ăn trái sẽ héo, trước hết là lá, kế đến là cành và cuối cùng cả cây chết khô. Với cây ăn trái, mất nước sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng trái và khi quá sức chịu đựng sẽ chết cây.
Trên vườn không có nước (giả định) làm cách nào để cây sống? Khoan giếng nếu có thể và nếu giải pháp nầy không khả thi thì chỉ còn cách chuyên chở nước từ nơi có nguồn tới cứu vườn, ít nhất cũng giúp cây sống tới mùa mưa. Vậy nên khi bố trí vườn cây ăn trái việc đầu tiên phải tính là có nguồn nước tưới (nước mặt hay nước ngầm). Tưới phải tiết kiệm và có hiệu quả, không nên lãng phí nước. Ở nước Úc, các vùng trồng cây ăn trái bao quanh sa mạc ít khi có sông suối tự nhiên, muốn lập trang trại trồng cây ăn trái trước hết phải được Cục cấp nước ký hợp đồng cung cấp nước theo yêu cầu.
Bón phân hữu cơ, vi sinh giữ nước tốt
Muốn giữ nước vườn cần nhiều phân hữu cơ và phân xanh. Bằng cách bón phân hữu cơ vào hố đất đủ rộng, nhiều càng tốt (20 tấn/ha phân hữu cơ mỗi năm). Đào hố trồng to và sâu, sau khi trộn nhiều phân hữu cơ vào đất, có thời gian chờ hoai mới trồng cây là một cách giữ nước tại chỗ và bền vững cho cây. Cây phát triển rễ sâu sẽ chịu hạn tốt hơn cây rễ ăn nông. Trồng cỏ, chọn cỏ có khả năng tự giữ ẩm phủ kín liếp đất (có nhiều loại, ví dụ: rau lài, càng cua) phủ mặt liếp, giữ ẩm vườn rất tốt. Phủ cỏ, rơm rạ khô, cây chuối đã thu quày hay xác các loài thực vật thân thảo khô lên liếp đất, phân xanh có thể giúp cây chịu hạn dài hơn… Phủ đất có thể làm đất mát hơn từ 5-15 0C, lớp phủ đất còn giúp gia tăng hoạt động sinh học trong đất, bổ sung chất hữu cơ cho đất khi hoai mục.
Áp dụng các phương pháp phân bón nói trên giúp giữ nước cho cây sử dụng dần, dù áp dụng cách nào cũng cần có nước tưới ít hay nhiều mà thôi. Một số sản phẩm công nghệ ngậm nước giúp đất bớt bị khô trong nhiều ngày chưa kịp tưới, tuy nhiên phải xử lý khi đất còn ẩm hoặc tưới đẫm định kỳ.
Người nông dân có nhiều kinh nghiệm hay
Người lao động làm việc trên vườn thường xuyên thực hành và tích luỹ kinh nghiệm vượt qua hạn hán. Các công việc chống hạn trên vườn có thể gồm nạo vét kênh mương, thiết kế ao hay mương lắng, bồn chứa, dự trữ một cơ số nước tối thiểu khi thật sự cần thiết. Thiết kế dụng cụ tưới, hệ thống tưới (phun sương, nhỏ giọt…) và áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm nước nhất. Bố trí trồng gối, trồng xen sao cho cây tự che phủ đất, tự bảo vệ nhau. Phối hợp các biện pháp chăm sóc và quản lý độ ẩm thường xuyên cho đất vườn, không để đất vườn khô hạn mới tưới, hao phí và hiệu quả thấp.
Giống thích nghi tốt khô hạn
Trong bộ giống cây ăn trái, một số loài ít đòi hỏi nước, có tiềm năng chịu hạn. Cụ thể: các cây nhãn, bưởi, xoài, thanh long, sơ ri, mít, me, mãng cầu ta, chuối cần chăm sóc lúc nhỏ, khi lớn chúng có khả năng chịu hạn khá. Trong thời điểm hạn kéo dài vài tháng, chỉ cần ít nước hoặc không tưới nước chúng vẫn sống. Nên sử dụng gốc ghép chịu hạn cho các tổ hợp ghép các cây ăn trái chất lượng cao vừa tận dụng khả năng chống hạn của gốc ghép vừa tạo ra trái cây chất lượng cao./.
KS. Nguyễn Văn Re
Tin liên quan