Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Lễ giỗ Chợ Giữa
(Ngày đăng: 10/07/2012)
Được sự thống nhất của Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam xã Vĩnh Kim, sáng ngày 14/12/2007, Ban Tổ chức các ngày Lễ lớn xã Vĩnh Kim trang trọng tổ chức buổi mít tinh để tưởng niệm và tưởng nhớ những đồng bào bị giặc Pháp thảm sát chết tại Chợ Giữa Vĩnh Kim tháng 12 năm 1940 (nhằm ngày mồng 5 tháng 11 năm Canh Thìn). Đến dự có ông Nguyễn Châu Thanh - nguyên Giám đốc Sở VHTT tỉnh Tiền Giang, ông Nguyễn Văn Lạc - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Vĩnh Kim, ông Nguyễn Văn Cười Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, các mẹ Việt Nam anh hùng, các cô, chú lão thành Cách mạng, các đồng chí đại diện Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ, các ban ngành, đoàn thể trong và ngoài xã.
 

 

Tượng Chợ Giữa

Cách đây 67 năm vào những ngày, tháng của năm 1940, thì vào ngày 23/11/1940 ở các khu vực Mỹ Tho - Gò công đã có cuộc khởi nghĩa Nam kỳ nổi dậy với lòng sục sôi làm rung chuyển bộ máy chính quyền thống trị của thực dân Pháp. Và đây cũng là lần đầu tiên lá Cờ đỏ Sao vàng được tung bay trên nóc Đình Long Hưng, huyện Châu Thành.

Để nhằm đối phó với các cuộc khởi nghĩa của quân và dân ta, giặc Pháp đã thực hiện một chính sách đàn áp rất tàn bạo, chúng huy động một lực lượng quân sự rất đông đảo tham gia vào các cuộc càn quét, chúng vô cớ bắn giết, bắt bớ, hãm hiếp phụ nữ, đốt phá, cướp bóc ở các xã có phong trào khởi nghĩa, trong số đó có làng Vĩnh Kim.

Đến ngày 03/12/1940, quân Pháp đã dùng ca nô, tàu chiến, máy bay cùng lính bộ binh càn quét vào các làng Phước Thạnh, Long Hưng, Đông Hòa, Vĩnh Kim, Kim Sơn, Bình Trưng và Vĩnh Kim là nơi mà quân Pháp cho là trung phiến loạn, cho nên chúng đã dùng 02 quả bom đàn áp để bỏ xuống Chợ Giữa Vĩnh Kim vào lúc 7 giờ ngày sáng mồng 5 tháng 11 năm Canh Thìn trong lúc đông người đang nhóm chợ.

Sau 02 tiếng nổ kinh hoàng đã làm cho hơn 40 người dân vô tội bị thảm sát, thi thể bị tan nát, văng từng mảnh vụn, máu me lênh láng. Một cảnh tượng thật đau thương cùng tiếng rên la, than khóc thảm thiết, tang tóc cho đồng bào vô tội, trong số đó có già, có trẻ mà đa số là phụ nữ. Chúng đã gây ra cảnh đau thương, chồng phải xa vợ, mẹ phải lìa con. Lòng căm thù giặc Pháp đến nay vẫn còn in sâu trong lòng mọi người dân Việt Nam nói chung và nhân dân Vĩnh Kim nói riêng.

Với tấm lòng thương dân yêu nước của người dân Vĩnh Kim đã được rèn luyện, thử thách qua các phong trào cách mạng. Những hy sinh, cống hiến bằng máu, bằng xương với truyền thống đánh giặc dũng cảm, kiên cường là nơi có Chi bộ đầu tiên vào những năm 30 với các đội du kích từ 07 - 12 đồng chí đã cùng nhân dân bám trụ diệt ác, phá kềm, chịu đựng bom đạn càn quét ác liệt của địch, giữ vững căn cứ cách mạng trong các thời kỳ, tạo bàn đạp quan trọng cho chiến dịch giải phóng hoàn toàn huyện Châu Thành bằng cuộc tấn công và nổi dậy của quân và dân ta góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân năm 1975.

Thắng lợi của quân và dân xã Vĩnh Kim trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ là kết quả của quá trình liên tục, bền bỉ, là sự kết hợp giữa lòng yêu nước và lòng căm thù giặc sâu sắc. Đó là ý chí quyết thắng và lòng tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ vĩ đại. Đó là thắng lợi của đường lối quân sự đúng đắn của Đảng, biết dựa vào dân, cả chính trị, binh vận và quân sự. Đó là tinh thần tích cực chủ động sáng tạo, tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn gian khổ.

Những thắng lợi to lớn trong hai cuộc kháng chiến cứu nước càng làm cho dân ta nhận thức sâu sắc cội nguồn của sức mạnh trong chiến tranh chính là nhân dân. Qua đó, càng trân trọng và biết ơn những bà mẹ, những người cha, những người anh, những người chị đã chia sẻ một phần cuộc sống của mình, chắt chiu dành dụm từng lon gạo, từng chén cơm, con cá, miếng khô, từng viên thuốc, từng tấc vải, tận tình nuôi dưỡng thương binh, che giấu cho bộ đội.

Đồng thời vô cùng tri ân những gia đình chí cốt với cách mạng, đã bất chấp nguy hiểm, thức trắng đêm thâu canh từng bóng giặc, tiếp tế, đi thư liên lạc, gác đường nắm tình hình địch, dù bị bắt bớ tù đày vẫn kiên quyết một lòng bảo vệ cách mạng. Không biết bao nhiêu người đã cống hiến đất đai, nhà cửa, vườn tược để đào hầm làm công sự cho bộ đội chiến đấu. Đó là kinh nghiệm xương máu, là truyền thống quý báu của quân, dân Chợ Giữa trong đấu tranh cách mạng để giành thắng lợi, là cội nguồn để tạo nên một Vĩnh Kim anh hùng hôm nay.

Có được vinh dự như ngày hôm nay, nhân dân xã Vĩnh Kim phải đánh đổi bằng sự hy sinh cao cả và sự cống hiến to lớn của 173 liệt sĩ, 67 thương binh, 457 gia đình có công với cách mạng, đặc biệt có 13 bà mẹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, ngoài ra còn hàng trăm người bị tù đày tra tấn dã man, đã hy sinh tại các nhà tù và còn biết bao người dân vô tội chết và bị thương tật.

Với những thành quả đã đạt được trong hai cuộc kháng chiến, xã Vĩnh Kim đã vinh dự được đón nhận phần thưởng cao quý của Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đó là danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đây chính là sự kế tục truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha anh đi trước, trong đó có phần công sức, xương máu và sự hy sinh hết sức to lớn của đồng bào, đồng chí xã nhà.

Năm 2005 nhân kỷ niệm 65 năm ngày Nam kỳ khởi nghĩa, xã đã được Bộ VHTT và Sở VHTT tỉnh Tiền Giang xây dựng Tượng đài căm thù tại Chợ Giữa ngày xưa, nơi mà giặc Pháp đã bỏ bom thảm sát, tượng được đúc bằng đồng, nặng 08 tấn được làm bởi Nhà điêu khắc Lương Văn Thạnh, với kinh phí hơn 03 tỷ đồng. Được biết, bức tượng được khởi công vào tháng 01/2004 và hoàn thành vào ngày 23/11/2005. Bức tượng đã thể hiện lại vụ thảm sát ngày mồng 5 tháng 11 năm Canh Thìn (ngày 03/12/1940), mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em trong phiên chợ sớm. Đây là hình ảnh người phụ nữ với nón lá, gióng gánh trong tư thế quỳ, một tay ôm đứa con đã chết, một tay cầm chiếc đòn gánh gãy, phía dưới là thúng, gióng, mắt hướng lên bầu trời nơi có máy bay giặc đang quần đảo, với ánh mắt nhìn đầy căm phẫn.

Nhằm tưởng nhớ đến những đồng bào đã bị giặc Pháp thảm sát, đây là  một công trình nghệ thuật thiết thực, đầy ý nghĩa và cũng thỏa lòng mong mỏi của của người dân xã Vĩnh Kim và các xã lân cận, để từ nay người dân có nơi thắp nhang, cúng giỗ hàng năm và đặc biệt là các bậc lão thành mỗi khi nhìn tượng mà trầm ngâm nhớ lại những tháng, năm đau thương nhưng không ít hào hùng của những ngày Nam kỳ khởi nghĩa, nhớ lại những đêm dậy lên tiếng mõ từ đình Long Hưng. Đối với lớp trẻ, nó có ý nghĩa giáo dục truyền thống về vụ thảm sát của giặc Pháp đối với thường dân vô tội và tự hào với vùng đất mình đang sống còn có Nhà làm việc của Bác Tôn Đức Thắng, có Mộ của cụ Phan Hiến Đạo và còn có nhà, vườn của Giáo sư - Tiến sĩ - Nhạc sĩ Trần Văn Khê.

Đó là nguồn lực to lớn để các thế hệ hôm nay và mai sau tiếp tục xây dựng quê hương thành một địa phương giàu mạnh về kinh tế, công bằng về xã hội, vững mạnh về quốc phòng an ninh, để đời sống của nhân dân ngày càng ấm no hạnh phúc.

Nguồn: Website Tiền Giang

Tin liên quan