Dựng nên cơ nghiệp từ con tôm sú Tân Phú Đông
(Ngày đăng: 02/03/2017)
Ông Dương Văn Sành, cư ngụ tại xã Phú Thạnh, huyện cù lao Tân Phú Đông (Tiền Giang) nổi tiếng là người giỏi nghề nuôi tôm sú ven biển Tiền Giang. Nhờ nguồn lợi từ con tôm sú, ông đã tạo dựng nên cơ nghiệp bền vững trên vùng đất nhiễm mặn đầy khó khăn Tân Phú Đông. | |
Ông Sành cho biết, gia đình có 3,5 ha đất canh tác. Trước đây, phần đất trên trồng lúa 1 vụ, vụ còn lại trong năm phải bỏ hóa do bị nhiễm mặn, thiếu nước bơm tát. Thu nhập từ ruộng nương do vậy không đáng là bao, những năm thiên tai, thất mùa coi như mất trắng. Trước điều kiện sản xuất khó khăn như thế, ông Sành luôn trăn trở tìm kiếm giải pháp canh tác phù hợp với đặc điểm thời tiết, thiên nhiên khắt nghiệt vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định được cuộc sống gia đình.
Ông Sành (giữa) trao đổi kinh nghiệm làm ăn cùng lãnh đạo Hội Nông dân huyện Tân Phú Đông
Phát huy tiềm năng vùng đất nhiễm mặn đưa vào nuôi thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm sú, tôm thẻ đang được khuyến khích ở các địa bàn ven biển Tiền Giang trong đó có Tân Phú Đông nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Không bỏ lỡ cơ hội, ông Sành tìm tòi, học hỏi kỹ thuật nuôi tôm sú và thực hiện mục tiêu chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi tôm trên đất canh tác nhiễm mặn của mình.
Trên địa bàn huyện Tân Phú Đông có nhiều phương pháp nuôi tôm đang được bà con áp dụng rộng rãi: nuôi thâm canh, nuôi bán thâm canh, nuôi quảng canh cải tiến, nuôi tôm trong mô hình tôm – lúa,… Qua xem xét điều kiện thực tế của mình đồng thời nghiên cứu tài liệu khoa học, kinh nghiệm của những nông dân đang áp dụng, ông Dương Văn Sành áp dụng mô hình nuôi thâm canh. Để thành công, ông chú trọng áp dụng đồng bộ các biện pháp nuôi khoa học tiếp thu được, từ khâu làm ao mương, chọn con giống tốt đến phòng trị bệnh cho tôm, chăm sóc để tôm nuôi tăng trọng nhanh, đạt kích cỡ đồng đều khi xuất ao.
Ông Sành cho biết, nuôi tôm muốn thành công phải lệ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Một số vấn đề kỹ thuật chù yếu được ông Sành quan tâm: Chọn giống tốt, có địa chỉ hẳn hoi, tuyệt đối không mua giống trôi nổi trên thị trường không biết rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch động vật; nuôi với mật độ phù hợp và có chế độ chăm sóc, phòng trị bệnh chủ động để tôm khi xuất ao đạt độ lớn đồng đều, chất lượng tôm thương phẩm tốt, thị trường tiêu thụ với giá cao.
Về tôm giống, chọn mua tôm giống của cơ sở An Tài (Long An) sản xuất và cung ứng. Sở dĩ chọn tôm giống sản xuất trên địa bàn Long An vì về địa thế, Long An và Tiền Giang giáp ranh nhau, điều kiện thời tiết, thủy văn khá tương đồng nên tôm giống đưa về nuôi dễ thích nghi, ít bị sốc. Còn môi trường nước tốt, sạch bệnh, không bị nhiễm phèn…có quyết định rất lớn đến sự thành công của vụ nuôi tôm hàng năm.
Trong những năm gần đây, rút kinh nghiệm qua nhiều vụ nuôi liên tiếp thành công, ông Sành còn áp dụng mô hình ương dưỡng con giống trong nhà trước khi đưa ra ao mương, rút ngắn được thời gian nuôi tôm và thu hoạch bán thời điểm có giá cao vừa tránh được rủi ro dịch bệnh tấn công. Cụ thể, ông xây dựng nhà ương tôm giống. Khi con giống mua về, ông ương dưỡng tập trung trong nhà thời gian từ 40 - 45 ngày. Sau đó, tôm mới được đưa ra ao mương tiếp tục nuôi lên tôm thương phẩm.
Do ương dưỡng trước, thời gian nuôi tôm thương phẩm rút ngắn, chỉ còn khoảng 2,5 tháng là thu hoạch, giảm được khoảng 2 tháng so với vụ nuôi thông thường. Cách làm này mang lại nhiều ưu điểm. Đó là quản lý được tôm giống trong thời gian tôm còn nhỏ, sức đề kháng với dịch bệnh cũng như thích nghi môi trường yếu. Qua đó, giúp giảm được rủi ro khi đưa tôm ra nuôi trong ao cũng như giảm tỉ lệ tổn thất con giống,… Với 3,5 ha mặt nước nuôi tôm sú, trung bình mỗi năm ông Sành đạt sản lượng trên 20 tấn tôm thương phẩm. Trong năm qua, bán giá bình quân 115.000 đ/kg, gia đình ông thu khoảng 2,3 tỉ đồng, trừ chi phí còn lãi ròng trên 1,2 tỉ đồng. Ông Sành cho biết, nguồn lợi từ mô hình nuôi tôm sú thâm canh rất lớn lại phù hợp vùng ven biển nhiễm mặn, thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt và khó lường hiện nay. Theo ông, năm 2016, tình hình nuôi tôm ven biển Tiền Giang trong đó có huyện Tân Phú Đông tương đối thuận lợi. Bà con nuôi tôm trúng mùa và trúng giá, tỉ lệ thiệt hại do dịch bệnh rất thấp, ai cũng phấn khởi.
Lãnh đạo Hội Nông dân huyện Tân Phú Đông đánh giá cao hiệu quả nuôi tôm sú theo mô hình thâm canh của ông Sành. Thông qua phát động phong trào nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi hàng năm, Hội Nông dân kết hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông nhân rộng mô hình nuôi thâm canh cũng như những kinh nghiệm thành công của những nông dân giỏi như ông Sành nhằm giúp bà con vùng đất nhiễm mặn Tân Phú Đông tái cơ cấu sản xuất theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu hiệu quả, mang lại thu nhập cao. Huyện Tân Phú Đông đã mở rộng diện tích mặt nước đưa vào nuôi trồng thủy sản, chủ yếu nuôi tôm sú, tôm thẻ lên gần 6.300 ha, sản lượng mỗi năm trên 20.000 tấn.
Vừa qua, ông Dương Văn Sành đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về những thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất cũng như những đóng góp tích cực thúc đẩy chuyển đổi sản xuất, làm ăn đạt hiệu quả kinh tế - xã hội cao trên vùng đất khó cù lao Tân Phú Đông./.
Minh Trí
Tin liên quan
Sử dụng vaccine và thuốc thú y hiệu quả (18/11/2024)
Tiền Giang đưa sản phẩm OCOP ra thị trường (25/12/2023)