Ngày 06/1/2016, UBND tỉnh Tiền Giang đã tổ chức Hội thảo “Dạy thêm, học thêm, thực trạng và giải pháp quản lý trên địa bàn tỉnh Tiền Giang” nhằm làm rõ thực trạng dạy thêm, học thêm, hiệu quả tích cực và những hạn chế cần khắc phục. Trên cơ sở đó, đề xuất chủ trương và cơ chế quản lý một cách phù hợp, góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục – đào tạo trên địa bàn tỉnh. | |
Nhiều tham luận đóng góp tại Hội thảo đã nêu bật thực trạng dạy thêm, học thêm, những giải pháp quản lý đã thực thi trong thời gian qua cũng như những kiến nghị, đề xuất của các cấp, các ngành, của giáo viên và những người có liên quan nhằm đưa hoạt động dạy thêm, học thêm đúng ý nghĩa, thiết thực góp phần nâng chất lượng giáo dục – đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong sự nghiệp cách mạng.
Theo ông Nguyễn Phương Toàn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Tiền Giang, trong năm học 2016 – 2017, toàn tỉnh đã cấp 35 giấy phép về dạy thêm, học thêm, giảm 19 giấy phép so với năm học trước. Có tổng cộng 37 đơn vị trường được cấp phép dạy thêm – học thêm. Nhìn chung, cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm trong nhà trường đảm bảo đúng qui định, đạt yêu cầu, riêng các cơ sở ngoài nhà trường phần lớn cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đạt chuẩn.
Thạc sĩ Huỳnh Thanh Minh, Phó Trưởng ban Dân vận tỉnh Tiền Giang cho rằng dạy thêm, học thêm là nhu cầu cần thiết của quá trình thực hiện nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Nhưng để hoạt động đi vào nền nếp cần có những qui định cụ thể, hữu hiệu nhằm ngăn chận tiêu cực đồng thời với khuyến khích phong trào tự học, tự rèn luyện trong học sinh.
Góp ý kiến tại Hội thảo, thầy Lê Bá Ngọc, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (Tp Mỹ Tho) cho rằng để đạt hiệu quả dạy thêm, học thêm trong nhà trường cần khảo sát nguyện vọng của học sinh, tham khảo ý kiến phụ huynh; đồng thời các bộ môn phải thống nhất nội dung dạy thêm, học thêm, biên soạn tài liệu đầy đủ…
Cô Hồ Thị Phượng, giáo viên Trường THPT Đốc Binh Kiều kiến nghị, nên tổ chức dạy thêm, học thêm ở trường hoặc trung tâm để dễ theo dõi, quản lý, hạn chế tiêu cực. Bên cạnh đó, muốn hạn chế dạy thêm, học thêm tràn lan thì ngành giáo duc – đào tạo phải đổi mới cách thức thi cử, thay đổi sách giáo khoa theo hướng tăng kiến thức phổ thông, tăng kỹ năng sống đồng thời với nâng lương, đảm bảo đời sống giáo viên cũng như các bậc phụ huynh không đặt áp lực thành tích học vấn lên con em của mình…
Kết luận Hội thảo, lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang cho rằng các giải pháp, ý kiến nêu ra trong Hội thảo đều đúng trọng tâm, có ý nghĩa xã hội thiết thực. Để thực hiện tốt các giải pháp, kiến nghị trong thời gian tới, ông Trần Thanh Đức nhấn mạnh, cần phải đổi mới mạnh mẽ từ việc lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý dạy thêm, học thêm, đưa hoạt động này vào nền nếp, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục – đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai.